Mô hình đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. |
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng, để kích cầu đầu tư, Việt Nam đang tận dụng tối đa gói kích cầu để tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông.
Chính phủ ưu tiên vốn cho lĩnh vực giao thông vận tải, trong đó tập trung cho dự án lớn như đường cao tốc, cảng nước sâu, sân bay và giao thông nông thôn. Ngành giao thông vận tải đang tập trung vào phát triển đường cao tốc bởi đây là những “động mạch” chính góp phần đẩy nhanh lưu thông hàng hóa.
Hiện tại, ngành đã tập trung xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc - Nam và các tuyến nối Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với các đô thị vệ tinh. Trong 4 - 5 năm nữa, Việt Nam sẽ có tuyến đường cao tốc như Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Lào Cai; Sài Gòn - Trung Lương; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Thăng Long - Nội Bài.
Các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án giao thông đã tăng cường giám sát, đôn đốc các nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thi công. Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các đơn vị quan tâm đến công tác nghiệm thu, thanh quyết toán công trình, đặc biệt là các công trình trọng điểm hoặc công trình tồn tại từ nhiều năm trước.
Do đó, giá trị giải ngân nguồn vốn ngân sách Nhà nước của ngành giao thông vận tải tăng hơn 59%, giải ngân các dự án do Bộ trực tiếp quản lý tăng hơn 60%, giải ngân trái phiếu Chính phủ tăng 90% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khối lượng công trình từ nguồn ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến nay đạt gần 4.410 tỉ đồng, tăng gần 82% so với cùng kỳ năm trước; giải ngân luỹ kế đạt hơn 3.940 tỉ đồng, tăng hơn 59%.
Với nguồn trái phiếu Chính phủ, khối lượng thực hiện đạt gần 1.140 tỷ đồng và giải ngân đạt gần 1.370 tỷ đồng. Kết quả huy động vốn từ nguồn vốn vay có hỗ trợ lãi suất theo chương trình kích cầu của Chính phủ của các Tổng công ty xây dựng giao thông thuộc Bộ đã vay trung hạn hơn 33,540 tỷ đồng và vay ngắn hạn hơn 690 tỷ đồng; số tiền lãi vay được giảm gần 19,10 tỷ đồng.
Trên thực tế, nguồn vốn ODA giải ngân cho các công trình giao thông chưa cao, nhưng khối lượng giải ngân trong những tháng đầu năm vẫn gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là nguồn vốn do Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản tài trợ.
Để đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn xây dựng cơ bản, ngoài nguồn vốn, năng lực nhà thầu cũng đóng vai trò quyết định. Theo ông Dũng, năng lực nhà thầu của Việt Nam vẫn rất hạn chế, song so với 2 - 3 năm trước đã có những bước cải thiện.
DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN/Vietnam+
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: