Chiều 8-8, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã có buổi làm việc với Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân về đề án củng cố và xây dựng Quỹ Đầu tư Phát triển đô thị thành phố. Tại đây, lãnh đạo TPHCM đã kiến nghị một số biện pháp được coi là đột phá để đẩy nhanh việc thực hiện các dự án đầu tư.
Tạo vốn bằng... cổ phiếu giá trị đất
Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm - một trong những dự án lớn nhất thành phố, có số hộ phải giải tỏa lên đến 13.000 hộ và số tiền bồi hoàn lên đến 19.000 tỷ đồng - là một thách thức lớn đối với thành phố từ năm 2004 đến nay.
Do số vốn đầu tư vào khu này quá lớn, để tạo vốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, UBND TP đã đề xuất một phương án mang tính đột phá, đó là góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Cụ thể, TP thành lập Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Khu Đô thị mới Thủ Thiêm. Sau đó, công ty sẽ xác định giá trị đất đã hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng trong tương lai ra thành trị giá cổ phiếu, mang ra đấu giá bán cho những doanh nghiệp có yêu cầu đầu tư xây dựng nhằm mục đích huy động vốn phục vụ lại cho công tác đền bù giải tỏa.
Ước tính ban đầu, giá trị quyền sử dụng đất của cả dự án (65ha) khoảng 6.400 tỷ đồng, TP sẽ góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất này vào việc thành lập công ty cổ phần đầu tư phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Dự kiến, vốn điều lệ của công ty là 8.000 tỷ đồng, giá trị vốn góp tương ứng 80% vốn điều lệ, 20% còn lại (khoảng 1.600 tỷ đồng), công ty sẽ thu hút từ các cổ đông sáng lập. Tuy nhiên, để tránh đầu cơ thì việc lựa chọn cổ đông sáng lập đã được bàn bạc hết sức chặt chẽ. Phương án mà TP đưa ra là cổ đông phải là công ty nhà nước, có năng lực tài chính, có nhu cầu đầu tư xây dựng tại dự án này và có khả năng xây dựng đúng tiến độ, chất lượng theo cam kết.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đánh giá cao sáng kiến thu hút vốn này. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2007, công ty cổ phần sẽ hoàn thành đấu giá và chính thức lên sàn giao dịch chứng khoán, mở đầu cho việc hình thành chứng khoán bất động sản trên thị trường tài chính.
Mua nhà, chỉ trả 1,8 triệu đồng/tháng
4 năm qua, TP đã phát hành trái phiếu đô thị được 8.000 tỷ đồng và huy động các nguồn khác đề đầu tư các công trình. Hiện nay, nhiều công trình, chương trình trọng điểm lớn như khu công nghệ cao, khu đô thị mới Thủ Thiêm, cầu đường… đang được triển khai thì “bài toán” về vốn là vấn đề nóng bỏng. Vì thế, TP kiến nghị Bộ Tài chính cho phép TP huy động vốn thông qua các hình thức nêu trên, với tổng dư nợ các nguồn vốn huy động cho đầu tư không vượt quá 200% tổng mức vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách TP.
Về dự án khu công nghệ cao, tiến độ hoàn thành giải phóng mặt bằng vào cuối năm năm 2008, đến năm 2009 phải hoàn thành cơ sở hạ tầng và phải lấp đầy khu sản xuất công nghiệp công nghệ cao trong năm 2011. Nhưng tổng vốn đầu tư cho dự án này đến 8.500 tỷ đồng (gồm 142 dự án đầu tư). Trong khi đó, bằng các biện pháp huy động vốn, TP chỉ đảm bảo được 5.400 tỷ đồng, số còn lại TP kiến nghị Trung ương hỗ trợ.
Việc thực hiện thí điểm các dự án nhà ở xã hội có lẽ là vấn đề được lãnh đạo TP quan tâm nhất. TP đã lập phương án thí điểm đầu tư xây dựng 20.000 căn hộ trong vòng 3 năm. Theo đó, tổng vốn đầu tư là 5.000 tỷ đồng, nếu mỗi năm Trung ương hỗ trợ cho chương trình nhà ở của TP 521 tỷ đồng (gồm lãi suất kích cầu cho nhà đầu tư 10,4%/năm và 7,4%/năm lãi suất cho người mua nhà trả góp - số còn lại 3%/năm người mua phải trả) thì người mua nhà trả góp trong vòng 20 năm chỉ phải trả 1,8 triệu đồng/tháng. Với kiến nghị này, TP mong muốn người thu nhập thấp có thể được mua nhà trong thời gian không xa.
Ngoài ra, để giải quyết vướng mắc cơ chế bán chỉ định các cơ sở nhà đất thuộc diện sắp xếp phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã làm chậm tiến độ, TP kiến nghị Bộ Tài chính sớm trình Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho TP được phê duyệt bán chỉ định một số trường hợp: bán chỉ định cơ sở nhà, đất cho đơn vị đang thuê nếu phù hợp với quy hoạch; bán chỉ định đối với đơn vị thuê đất (của cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước quản lý) nhưng đã đầu tư xây dựng và có nhu cầu mua để sản xuất kinh doanh phù hợp với quy hoạch; công ty cổ phần được nhà nước cho thuê đất để sản xuất kinh doanh, đơn vị sự nghiệp được giao đất không thu tiền sử dụng đất thì được mua theo giá thị trường để ổn định sản xuất…
Tại buổi làm việc, UBND TP cũng đã trình Bộ Tài chính phê duyệt đề án củng cố và xây dựng Quỹ đầu tư phát triển đô thị TP (HIFU) theo hướng thành Tập đoàn tài chính nhà nước. HIFU được Chính phủ thí điểm thành lập từ năm 1996 nhằm xây dựng cơ chế huy động vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của TP, đến nay mô hình này đã được nhân rộng ra cả nước. Nhưng để đáp ứng yêu cầu tình hình mới, TP đề nghị chuyển HIFU thành tập đoàn tài chính nhà nước nhằm mở rộng hoạt động đầu tư, huy động vốn…
Theo Hàn Ni - Sài Gòn Giải Phóng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: