Làm thế nào để huy động nguồn lực tài chính cho phát triển đô thị? Đây là một câu hỏi khó mà chính quyền đô thị vẫn nỗ lực tìm kiếm câu trả lời. Bởi hiện nay các chính quyền đô thị đang phải đối mặt với nhiều bức xúc, khó khăn trên mọi lĩnh vực như môi trường bị ô nhiễm, nhà ở, giao thông, cấp - thoát nước, điện sinh hoạt và chiếu sáng công cộng, trường học, bệnh viện, công viên cây xanh, khu giải trí, thể thao văn hóa… đều rất thiếu. Một bộ phận cư dân vẫn đang phải sống trong các khu nhà “ổ chuột”. Chính quyền đô thị đã rất cố gắng nhưng “lực bất tòng tâm” vì nguồn tài chính hạn hẹp…
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuyến (Viện Khoa học Tài chính), tài chính đô thị gồm 3 bộ phận có mối liên hệ chặt chẽ với nhau là: Tài chính Nhà nước đô thị, tài chính doanh nghiệp và tài chính của dân cư đô thị, trong đó, tài chính Nhà nước đô thị là bộ phận quan trọng nhất, có ý nghĩa lớn nhất đối với phát triển đô thị. Do vậy, để huy động nguồn tài chính cho đô thị thì cần phải có các giải pháp bảo đảm tính chặt chẽ về mặt pháp lý, đồng thời có được sự đồng thuận và sự ủng hộ cao của người dân đô thị.
Ông Tuyến phân tích, nguồn lực quan trọng nhất của tài chính Nhà nước đô thị là các khoản thu liên quan tới đất như thuế nhà đất, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế chuyển quyền sử dụng đất, tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất, tiền cho thuê và bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước… Trong những năm qua, do nhiều thay đổi về chính sách đối với đất, giá đất đô thị tăng nhanh nên số thu về nhà đất trong cơ cấu tài chính Nhà nước đô thị tăng nhanh. Đối với những đô thị mới hoặc đang hình thành, khi chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất chuyên dùng, đất ở rất phổ biến thì khoản tiền thu sử dụng đất rất lớn. Đây chính là nguồn thu quan trọng nhất cho ngân sách đô thị. Điều này đòi hỏi chính quyền đô thị cần phải làm tốt công tác quy hoạch, quản lý chặt chẽ về đất, giá đất và các quy trình thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Đề xuất giải pháp huy động nguồn lực tài chính doanh nghiệp, ông Tuyến cho rằng: Các doanh nghiêp hoạt động hiệu quả sẽ là cơ sở bền vững cho tài chính đô thị do vậy ở tầm vĩ mô, Nhà nước phải tạo môi trường kinh doanh tốt, hoàn thiện hệ thống pháp lý, cải cách thủ tục hành chính, phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp thực hiện đầu tư, sản xuất kinh doanh. Và để huy động nguồn tài chính từ dân cư, chính quyền cần phát huy dân chủ, nâng cao ý thức tự giác của người dân đô thị trong thực hiện những chủ trương, những hoạt động của chính quyền đô thị.
Có cùng quan điểm nguồn thu ngoài thuế từ đất đai đô thị mới là nguồn cấp vốn quan trọng trong phát triển đô thị nhưng ông Phạm Sỹ Liêm - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển Hạ tầng - cùng lưu ý: Để làm được điều này thì phải nghiên cứu thể chế phù hợp, nâng cao năng lực thực thi thể chế cho chính quyền đô thị. Ông Liêm đề xuất: Thị trường BĐS đóng góp lớn vào phát triển đô thị (bao gồm cả tài chính đô thị) vì vậy cần tạo điều kiện cho thị trường BĐS vận hành thông suốt, lành mạnh. Với công cụ thuế thích hợp, ngoài thuế giá trị gia tăng nên đánh thuế lũy tiến vào lợi nhuận thu được qua từng hợp đồng mua bán BĐS. Như vậy, chính quyền vừa hạn chế được hoạt động đầu cơ vừa tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách.
Ngoài ra, ông Liêm cũng đề xuất một vài giải pháp khác nhằm huy động vốn cho phát triển đô thị trong đó có giải pháp tính đúng, tính đủ chi phí dịch vụ công cộng. Hiện nay, nhiều dịch vụ đô thị đang được miễn phí như thoát nước, chiếu sáng công cộng. Ông Liêm phân tích: Trợ cấp cho các dịch vụ công cộng hiện nay đang là gánh nặng cho ngân sách đô thị chính trong khi thực ra chi phí thấp và trợ cấp chỉ có lợi cho người giàu vì họ mới sử dụng nhiều dịch vụ. Nếu muốn quan tâm đến người nghèo thì có nhiều cách khác hiệu quả hơn. Việc giảm trợ cấp - theo ông Liêm cần được thực hiện theo một lộ trình nhưng việc đầu tiên phải tính đúng tính đủ chi phí dịch vụ dựa trên nguyên tắc kinh doanh.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: