Top

Tách thửa đất: Không phải cứ dưới chuẩn là ngưng

Cập nhật 12/03/2009 08:55

Những trường hợp tách thửa gắn với chuyển nhượng đất mà hợp đồng đã được công chứng, chứng thực vẫn được giải quyết dù dưới chuẩn.

Trước thông tin các quận, huyện ngưng giải quyết những hồ sơ xin tách thửa đất dưới diện tích tối thiểu (theo Quyết định số 19 ngày 25-2 của UBND TP.HCM, có hiệu lực từ ngày 9-3), nhiều người dân đã nộp hồ sơ không khỏi lo lắng. Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Nguyễn Văn Hồng, Trưởng phòng Đăng ký và Kinh tế đất, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, để làm rõ vấn đề này.

Không ngưng tất cả các trường hợp

* Thưa ông, các trường hợp xin tách thửa đất có diện tích dưới chuẩn đã nộp hồ sơ trước ngày 9-3 sẽ được giải quyết ra sao?

+ Phải phân biệt rõ hai trường hợp: Tách thửa gắn với chuyển nhượng và tách thửa không gắn với chuyển nhượng (trước khi chuyển nhượng). Đối với trường hợp tách thửa gắn với chuyển nhượng, hợp đồng mua bán đã qua công chứng, chứng thực thì nay vẫn tiếp tục được giải quyết dù diện tích đất lớn hay nhỏ. Riêng đối với trường hợp tách thửa không gắn với chuyển nhượng (xảy ra nhiều ở các quận 12, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh...) thì các quận, huyện tạm ngưng giải quyết trường hợp đất dưới chuẩn và báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường. Trong tuần tới, chúng tôi sẽ họp bàn và tìm hướng giải quyết.

Cũng cần lưu ý, quy định về diện tích đất tối thiểu sau khi tách thửa tại Quyết định 19 không áp dụng cho trường hợp chuyển quyền sử dụng đất trọn thửa.

* Quy định về diện tích tối thiểu khi tách thửa không áp dụng đối với trường hợp thửa đất đang sử dụng trước ngày ban hành Quyết định 19. Vậy người dân chứng minh bằng cách nào?

+ Theo Điều 3 Nghị định 84/2007, việc xác định thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định được căn cứ vào ngày tháng năm sử dụng và mục đích sử dụng đất ghi trên một trong các giấy tờ sau: Biên lai nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế nhà đất; biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc sử dụng đất; giấy tờ về đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú dài hạn tại nhà ở gắn với đất ở; giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy khai sinh có ghi địa chỉ của nhà ở liên quan đến thửa đất; xác nhận của UBND cấp xã...

Sẽ sớm có hướng dẫn cụ thể


* Theo Điều 4 Quyết định 19, hộ gia đình, cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sẽ được giải quyết khi xin tách thửa dưới diện tích tối thiểu. Vậy phải hiểu như thế nào là "hoàn cảnh đặc biệt khó khăn" và cơ quan nào có thẩm quyền xác nhận?

+ Hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không hiểu theo nghĩa hẹp (khả năng kinh tế). Đó có thể là những trường hợp người mắc bệnh hiểm nghèo, người cần tiền nuôi con ăn học cần tách thửa để bán, tách thửa để thế chấp vay vốn ngân hàng, giải quyết nhu cầu bức xúc về chỗ ở... Sắp tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ cùng với các sở Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động-Thương binh và Xã hội họp bàn và hướng dẫn rõ về quy định này.

* Có ý kiến lo ngại dù quận, huyện cho phép tách thửa dưới chuẩn nhưng cơ quan công chứng lắc đầu không chứng hợp đồng thì dân cũng bó tay?

+ Nếu người dân tách thửa trước khi chuyển nhượng thì đâu có vướng mắc gì với thủ tục công chứng. Lúc ấy, coi như người dân chuyển nhượng trọn thửa.

* Theo Quyết định 19, trường hợp thửa đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư có diện tích lớn hơn 1.000 m2 đến 2.000 m2, nếu muốn phân chiết nhỏ theo hạn mức đất ở, người dân phải xin chuyển mục đích sử dụng sang đất ở, đồng thời phải tự đầu tư hạ tầng và được UBND quận, huyện nghiệm thu. Quy định vậy liệu dân có kham nổi?

+ Quyết định 19 đã khá thoáng rồi đấy. Trước đó, các quận, huyện còn đề nghị ngay cả những thửa đất nông nghiệp dưới 1.000 m2 thì dân vẫn phải đầu tư hạ tầng. Đối với trường hợp phải đầu tư hạ tầng (hơn 1.000 m2-2.000 m2) Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các quận, huyện để xây dựng một lộ trình thuận lợi cho dân. Dân chỉ phải nộp một bộ hồ sơ cho cả hai bước chuyển mục đích sử dụng đất và đầu tư hạ tầng.

* Xin cảm ơn ông.

Mới vài ngày nên chưa thấy vướng

Đối với những hồ sơ tách thửa do chuyển nhượng và hợp đồng đã được công chứng, chứng thực nộp trước ngày 9-3, thì dù dưới chuẩn nhưng các quận Thủ Đức, quận Gò Vấp vẫn tiếp tục giải quyết. "Cũng chỉ mới có vài ngày áp dụng Quyết định 19 nên chúng tôi chưa thấy vướng mắc gì" - ông Đặng Văn Thành, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Thủ Đức, cho biết.

Tại quận Tân Phú, bà Nguyễn Thị Ngọc Khuê, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, cho hay: "Đối với các trường hợp đất dưới chuẩn mà xét thấy có thể linh động được, chúng tôi sẽ xin ý kiến của UBND quận".

Ở Củ Chi, theo lời ông Nguyễn Thanh Nguyên, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện: "Sẽ tạm ngưng giải quyết những hồ sơ xin tách thửa dưới chuẩn để chờ xin ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường".


Các trường hợp được tách thửa dưới mức tối thiểu:

- Tách thửa để hợp với thửa liền kề (diện tích thửa còn lại phải lớn hơn hoặc bằng diện tích tối thiểu được tách thửa).

- Điều chỉnh ranh giữa các thửa đất để có hình thể thửa phù hợp.

- Hộ gia đình, cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc khi thừa kế, hòa giải tranh chấp. Tuy nhiên, diện tích tối thiểu của các thửa đất hình thành không nhỏ hơn 25 m2 đối với đất ở.

Các trường hợp trên do UBND cấp huyện xem xét, giải quyết.

(Theo Quyết định 19 ngày 25-2-2009 của UBND TP.HCM)



DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP