Hiện nay, người dân rất sợ quy hoạch bởi điều họ muốn biết nhất là khi nào thực hiện nhưng câu trả lời vượt khỏi tầm chính quyền địa phương.
9.000 ha đất phía Tây Bắc TP HCM sẽ được xây dựng thành khu đô thị hiện đại, vượt qua cả khu đô thị Thủ Thiêm hay khu Nam TP… Tuy nhiên, đó là chuyện của tương lai! Còn hiện tại, “khu đô thị đẹp nhất TP” vẫn là đất trống mênh mông, nhà cửa ọp ẹp và nhiều chính sách quản lý gây bức xúc cho người dân.
Đồ án hoành tráng, dân ngao ngán
Trong chuyến giám sát về tình hình thực hiện quy hoạch đô thị gần đây của Đoàn Đại biểu HĐND TP HCM, ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng Ban Quản lý khu đô thị Tây Bắc, giới thiệu đây sẽ là khu đô thị sinh thái, trong đó người dân được tái định cư tại chỗ, được giải quyết việc làm thông qua các khu kinh tế tập trung và sẽ hưởng những điều kiện sống tốt nhất…
Dẫu vậy, từ phía địa phương, ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, đề xuất rà soát và điều chỉnh quy hoạch vì một số điểm chưa hợp lý, thiếu khả thi. Cụ thể, gần 2.000 ha thuộc 6 xã, thị trấn được quy hoạch là đất công trình công cộng; phần lớn phân bổ dọc trục Tỉnh lộ 8 và Quốc lộ 22 - nơi người dân tập trung sinh sống và hình thành các khu dân cư hiện hữu đã lâu. Hơn 10.000 hộ dân trong diện quy hoạch không được thực hiện một số quyền về nhà đất như: xây dựng, chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa… Tại mỗi cuộc họp ban ấp hay tiếp xúc cử tri, người dân đều hỏi về thời gian thực hiện quy hoạch nhưng chưa nhận được câu trả lời nên họ không dám đầu tư sản xuất để ổn định đời sống.
Bên cạnh khu Công viên Văn hóa Đầm Sen (quận 11) là khu quy hoạch phức hợp 5 ha đã bị “treo” gần 30 năm
|
“Nhìn đồ án được thực hiện hết sức bài bản, công phu, tôi cũng thấy mừng nhưng sau đó thì lo lắng vì số hộ dân bị ảnh hưởng nhiều quá. Ý tưởng quy hoạch từ năm 2005, đến nay đã chục năm rồi. Quy hoạch như thế nào thì mục đích cuối cùng vẫn là để cải thiện đời sống người dân. Thế mà ở đây, đời sống người dân xáo trộn không ít” - ông Phạm Văn Bá, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP, nhận xét.
Khu đô thị Tây Bắc là khu tái thiết, hiểu nôm na là xóa trắng để xây dựng lại. Vì thế, để “lột xác” được 9.000 ha, đòi hỏi nguồn lực rất lớn và khoảng thời gian khá dài. Thế nhưng đến nay, quy hoạch này vẫn đang trong giai đoạn kêu gọi đầu tư. Điều đáng nói là trên địa bàn huyện Củ Chi còn khá nhiều quy hoạch hơn chục năm vẫn chưa chuyển động như công viên Sài Gòn Safari, dự án viện trường y …
Xuôi về phía Nam, hàng ngàn hộ dân xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè cũng đang khổ sở vì quy hoạch khu đô thị cảng Hiệp Phước. Từ năm 2007, TP đã chỉ đạo tạm dừng việc chuyển đổi mục đích, sang nhượng quyền sử dụng đất và giao đất cho các dự án. Do đó, UBND huyện Nhà Bè cũng ngưng tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của người dân. Mới đây, cũng theo chỉ đạo của UBND TP, huyện Nhà Bè đã cho phép chuyển nhượng nhưng một số quyền lợi khác của người dân như tách thửa, chuyển mục đích sử dụng… vẫn bị “treo”.
Hạ tầng xuống cấp
Theo ông Nguyễn Thành Chung, Chủ tịch UBND quận 8, nhiều khu dân cư hiện hữu bị vướng quy hoạch công viên cây xanh, công trình công cộng nên không được đầu tư về hạ tầng, đặc biệt là nguồn nước.
“Điển hình là hàng ngàn hộ dân sống cập kênh Đôi - kênh Tẽ vẫn chưa có mạng lưới cấp nước, phải sử dụng nước ngầm không bảo đảm chất lượng hoặc câu nhờ từ các khu vực lân cận nên lưu lượng yếu mà giá lại cao. Quận có mời Công ty Cấp nước Chợ Lớn đến làm việc nhưng đơn vị này cho biết chỉ gắn đồng hồ tổng đối với những khu vực được đầu tư hạ tầng ổn định, còn các khu vực quy hoạch là công trình công cộng, không biết di dời lúc nào nên không đầu tư đồng hồ tổng” - ông Chung nói.
Hiện tại, hệ thống cấp nước của quận 8 đã xuống cấp và quá tải. Sắp tới, quy định mới của TP về hướng dẫn cấp phép xây dựng có hiệu lực, cho phép xây dựng trong khu vực chưa triển khai quy hoạch thì số lượng nhà ở sẽ tăng lên, chắc chắn hạ tầng kỹ thuật đô thị không đáp ứng nổi. Vì vậy, quận 8 kiến nghị TP công bố các khu vực quy hoạch mà việc thực hiện có thể kéo dài đến sau 10 năm để địa phương đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật. Bên cạnh đó, UBND quận 8 cũng đề nghị Sở Quy hoạch và Kiến trúc xem xét điều chỉnh các chỉ tiêu kỹ thuật trong đồ án quy hoạch dân cư chỉnh trang bằng nửa khu dân cư phát triển mới.
Cần điều chỉnh cho phù hợp
Theo ông Huỳnh Văn Thanh - Trưởng Phòng Quản lý sử dụng đất Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM - về nguyên tắc, các khu vực quy hoạch chưa có quyết định thu hồi đất thì quyền lợi của người dân vẫn được bảo đảm. Tuy nhiên, thực tế, một trong những căn cứ để giải quyết hồ sơ tách thửa, chuyển mục đích sử dụng… là phù hợp với quy hoạch. Đất nằm trong quy hoạch công viên mà xin chuyển sang đất ở tất nhiên không phù hợp! Một số giải pháp của TP đang bàn thảo cũng chỉ nhằm tháo gỡ tạm thời, giảm bức xúc cho người dân. Còn về lâu dài, cũng phải xem xét lại quy hoạch, đem công trình công cộng áp lên nhà dân hiện hữu là không khả thi nên cần điều chỉnh cho phù hợp.
Ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP, cho biết hiện TP còn một quỹ đất lớn là các kho tàng, bến bãi sử dụng không hiệu quả. “Sở Tài nguyên và Môi trường nên thu hồi để bán đấu giá, tạo ngân sách hay tận dụng các mặt bằng này đầu tư công viên cây xanh, công trình phúc lợi...”.
DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: