Đầu tư 30 tỉ USD mỗi năm xây dựng hạ tầng
Năm 2008, VN có khả năng hoàn thành sớm 2 năm so với kế hoạch mục tiêu thoát khỏi tình trạng nước đang phát triển thu nhập thấp để hướng tới mục tiêu: trở thành nước công nghiệp hóa (CNH) phát triển vào năm 2020.
Nền tảng cho mục tiêu lớn đó là một hệ thống cơ sở hạ tầng (CSHT) đồng bộ và phát triển. Chính vì thế mà khi thay mặt Chính phủ phát biểu tại QH ngày 30 - 10, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng cam kết sẽ đầu tư khoảng 30 tỉ USD mỗi năm cho CSHT.
Xây dựng đội bay 100 chiếc
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Chính phủ đã duyệt quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng để đến năm 2020 nước ta trở thành nước CNH. Theo đó, ngành hàng không sẽ nâng đội bay lên khoảng 100 chiếc và phát triển đến mức cao hơn, mở thêm một số hãng máy bay để phát triển.
Về sân bay, mở rộng sân bay Quốc tế Nội Bài và nghiên cứu để xây dựng một sân bay mới khoảng 50 - 80 triệu hành khách trên đường quốc lộ cao tốc từ Hà Nội đi Hải Phòng, vị trí ở tỉnh Hải Hưng cũ. Phía Nam sẽ mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất và mở rộng Sân bay Long Thành khoảng 30 triệu hành khách/năm.
Đường sắt khẩn trương hoàn chỉnh hai việc lớn là cải tạo, nâng cấp các đường sắt đã có và triển khai đường sắt cao tốc từ Hà Nội đến TP.HCM và vươn đến Trung Lương ra Cần Thơ. Đường sắt cao tốc sẽ làm từ Nam ra, từ Bắc vào và gặp nhau ở miền Trung.
Đối với hệ thống đường bộ, từ năm 2008 sẽ thi công ngay một số đường cao tốc từ Hà Nội đi Hải Phòng ra cảng Đình Vũ để phát triển cảng Lạch Tray; Sài Gòn - Trung Lương; Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ. Triển khai đường Sài Gòn - Long Thành - Dầu Giây, mở rộng Đường 51 hiện có Sài Gòn - Vũng Tàu. Đồng thời triển khai từng bước đường cao tốc Hà Nội - Cầu Giẽ - Ninh Bình vào tới TP Vinh và đến dọc miền Trung. Như vậy sẽ có một tuyến đường cao tốc mới ven biển cùng với đường 1 cũ và đường Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành cơ bản vào năm 2010.
Về đường thủy, ngay trong năm 2008 sẽ triển khai các bến cảng lớn. Trong đó có cảng Văn Phong ở miền Trung, cảng Lạch Huyện ở miền Bắc và những cảng khác thuộc cụm cảng ở Bà Rịa-Vũng Tàu, hình thành ba hệ thống cảng biển lớn rải đều khắp Bắc, Trung, Nam. Từ đó giải quyết ách tắc của cảng biển. Đồng bằng sông Cửu Long cũng có thể phát triển những bến cảng phục vụ vận tải trong nước và quốc tế.
Cùng với bến cảng cũng đã có kế hoạch để phát triển hướng đội tàu biển vừa mua, vừa đóng trong nước. Chúng ta phải xây dựng đội tàu biển mạnh để có thể vừa vận tải hàng hóa trong nước, vừa vận tải hàng hóa quốc tế và chiếm được thị phần khoảng 60 - 70% vào năm 2012.
30 tỉ USD mỗi năm cho CSHT
Để đảm bảo an ninh năng lượng cho tăng trưởng kinh tế, ngành điện cần tăng trước khoảng 17 - 18% mỗi năm, tức là gấp đôi tốc độ tăng trưởng GDP. Khoảng trên 100 nhà máy điện đã, đang và sẽ được tiếp tục triển khai thi công. Vốn đầu tư cho ngành điện sẽ từ nguồn lực trong nước và kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài.
VN sẽ phát triển cả thủy điện, nhiệt điện, điện diezen và điện sức gió. Đồng thời nghiên cứu chuẩn bị để mở rộng điện nguyên tử. Chúng ta vừa đầu tư trên đất VN, vừa hợp tác quốc tế để đầu tư trên Lào, trên Campuchia và phối hợp, hợp tác với Trung Quốc nhằm đảm bảo nguồn năng lượng quan trọng này cho sự phát triển của đất nước.
Như vậy ngay trong năm 2007 - 2008 đã cần mỗi năm khoảng 30 tỉ USD cho đầu tư phát triển hạ tầng. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, giải quyết được những yếu kém hiện tại của CSHT vốn gây ra đủ thứ hạ tầng yếu kém như kinh tế hàng hóa không phát triển, nông nghiệp nông thôn không phát triển... sẽ thúc đẩy phát triển và tăng trưởng.
Trong năm 2008 sẽ dành hầu như toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước cho đầu tư để tập trung vào hạ tầng kinh tế, hạ tầng giao thông và hạ tầng thủy lợi và lo hạ tầng xã hội. Việc phát hành trái phiếu, công trái nếu thấy cần thiết cũng làm để lo những việc đó.
Theo Người Lao Động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: