Top

Ngổn ngang hậu giải tỏa

Quỹ hỗ trợ... thiếu tiền

Cập nhật 07/07/2009 09:45

Một người dân diện tái định cư làm nghề thu gom ve chai. Ảnh: T.Sương.

Có khoảng 16.800 hộ bị giải tỏa có nhu cầu vay vốn, miễn giảm học phí và đào tạo nghề với kinh phí hơn 826 tỉ đồng, nhưng nguồn quỹ hiện nay chỉ là muối bỏ bể.

Quỹ 156 được thành lập theo Quyết định 156 của UBND TPHCM nhằm mục đích hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi để thực hiện các dự án. Gần 3 năm thực hiện, chỉ có 5.847 hộ trong tổng số 60.000 hộ bị ảnh hưởng được vay vốn. Thế nhưng chưa kịp phát huy hiệu quả, nguồn Quỹ 156 đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt.

Vay vốn, học nghề: Lắc đầu


Theo ông Nguyễn Văn Sang, Bí thư Đảng ủy xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh-TPHCM, chính sách hỗ trợ cho những người bị thu hồi đất, cụ thể là Quỹ 156, chưa phù hợp với tình hình người dân bị thu hồi đất ở đây nên rất ít người tiếp cận được. Ông Sang nói: “Người dân quen làm nông, không biết buôn bán gì nên ngại vay vốn, sợ trả không được. Còn học nghề thì những ngành nghề đào tạo miễn phí hiện nay không phù hợp với nhu cầu xã hội nên không mấy người muốn theo học hoặc học nửa chừng thì bỏ”. Bà Phạm Thị Nga (tổ 3, khu phố, phường Tân Phú, quận 9) cũng như nhiều hộ dân tái định cư khác cho biết: “20-30 triệu đồng đâu phải nhỏ, làm sao trong một năm quay vòng vốn được. Bản thân tôi năm ngoái phải vay nóng ở ngoài để trả vốn”.

Bên cạnh những bất cập trong cơ chế, số người tiếp cận Quỹ 156 không nhiều còn do họ chưa biết về nguồn quỹ, đặc biệt là người dân ở vùng ngoại thành. Khi nghe hỏi đến Quỹ 156, ông Phạm Đức Hợp, Trưởng Ban Điều hành khu phố 2, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, ngớ người: “Bản thân tôi là người thường xuyên phổ biến các chính sách cho bà con khu phố mà tôi còn chưa biết Quỹ 156 thì làm sao bà con biết được”. Nằm trong dự án KCX Linh Trung 2, hàng trăm hộ dân của khu phố 2, phường Bình Chiểu bị di dời, giải tỏa nhưng chỉ có 15%-17% số lao động được vào làm trong KCX, còn lại là buôn bán hoặc làm thuê tự do.

Góp quỹ nhỏ giọt

Theo khảo sát của Hội đồng Quản lý Quỹ 156, trong số 60.000 hộ bị ảnh hưởng di dời, giải tỏa có khoảng 16.800 hộ có nhu cầu vay vốn, miễn giảm học phí và đào tạo nghề với kinh phí hơn 826 tỉ đồng. Tuy nhiên, nguồn quỹ hiện nay chỉ là muối bỏ bể so với nhu cầu của người dân: 50 tỉ đồng do ngân sách TP cấp và 61 tỉ đồng do 9 đơn vị từ các quận, huyện đóng góp. Trong khi chỉ riêng năm 2009, nguồn vốn các chủ đầu tư phải đóng góp cho quỹ theo quy định là 600 tỉ đồng, tuy nhiên số tiền các quận, huyện nộp về chỉ là con số tượng trưng.

 

Dự án khu tứ giác Eden (quận 1), mức trích đóng Quỹ 156 hơn 100 tỉ đồng nhưng bà Nguyễn Thị Thanh Mai, tổ trưởng tổ quản lý Quỹ 156, cho biết: “Chưa hề nhận một đồng nào từ quận 1”. Hay như dự án xây dựng tuyến đường nối Tân Sơn Nhất- Bình Lợi- Vành Đai Ngoài trên địa bàn quận Thủ Đức, số tiền chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án khu vực Thủ Đức phải nộp về cho Quỹ 156 lên đến hơn 143 tỉ đồng, nhưng đến nay đơn vị này mới nộp chỉ có 4,4 tỉ đồng. Quận 9 là địa phương có nhiều dự án nhất TP với hơn 70 dự án đang triển khai, nhưng số tiền mà Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận nộp về chưa tới 5 tỉ đồng!

Quận 12 cũng là một trong những địa phương chưa đóng Quỹ 156. Chủ tịch UBND quận 12, ông Đặng Văn Đức, cho biết đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp thông báo các chủ đầu tư quy định của TP về việc đóng góp quỹ nhưng các chủ đầu tư vẫn không phối hợp với quận. “Các sở ngành TP nên phối hợp với quận, huyện rà soát lại tất cả các dự án cũng như đề xuất biện pháp xử lý, hiện nay có quy định nhưng chưa có chế tài, quận cũng không biết xử lý cách nào!” - ông Đức đề xuất. Tuy nhiên, bà Mai đặt vấn đề: “Cứ cho là việc kêu gọi các chủ đầu tư đóng quỹ là khó vì nằm ngoài khả năng của quận, huyện nhưng còn rất nhiều dự án do các đơn vị của quận, huyện làm chủ đầu tư, tiền nằm trong tay mình không lẽ cũng khó đóng? Quận, huyện có nghĩ đến trường hợp dân của quận, huyện mình gửi đơn về xin vay vốn mà hết quỹ thì hội đồng quản lý quỹ lấy đâu giải quyết và người dân sẽ sống như thế nào hay chưa?”.

 

Không để người dân bị giải tỏa thiệt thòi

Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chương trình nhà ở tái định cư tại kỳ họp HĐND lần thứ 16, khóa VII diễn ra hôm nay, 7-7, Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TPHCM đề nghị UBND TP tập trung chỉ đạo, rà soát thường xuyên tiến độ thực hiện chương trình tổng thể về xây dựng quỹ nhà tái định cư. Trong đó cần khắc phục tình trạng kém chất lượng và việc đầu tư không đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và xã hội khi bàn giao cho các hộ dân đưa vào sử dụng. Chỉ đạo giải quyết dứt điểm 944 hộ chưa tái định cư và không để tái diễn tình trạng tạm cư kéo dài. Thường xuyên kiểm tra sự phối hợp giữa các sở ngành và UBND các quận, huyện trong việc đôn đốc các doanh nghiệp có trách nhiệm đóng góp vào Quỹ 156. Không để sót người dân bị thu hồi đất chưa được hưởng lợi từ chính sách ưu đãi này.
 

 

 

DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động