Hành lang một khu chung cư mini mới đưa vào sử dụng ở quận Cầu Giấy - Ảnh: Lâm Phương. |
Xây xong nhà nào bán hết nhà đó, thậm chí, đang lăn sơn, các chung cư mini cũng đã hết hàng. Chỉ cần chậm chân bạn đã phải “sang tay” với mức giá bị đôi lên cả trăm triệu đồng.
500 triệu - không mua nổi nhà 30m2
Thậm chí, chúng tôi còn bị cười khẩy khi trong vai những người đi tìm mua căn hộ chung cư mini, đa phần các chủ nhà cho rằng, giá 500 - 600 triệu năm ngoái cũng chả còn. Và câu chuyện về những căn hộ thuộc chung cư tư nhân, quy mô nhỏ này không chỉ dừng lại ở mức giá.
Sau khi tham khảo qua một loạt các lời rao trên báo, trên internet, chúng tôi nhận được nhiều lời từ chối bởi chủ nhân lời rao nói “hết hàng” và đa phần lời rao là của các trung tâm môi giới nhà đất. Chúng tôi quyết định không mất phí cho “cò”, nhưng quả thực, tìm được một chung cư mini thật không đơn giản, bởi hầu hết, nó nằm sâu trong các ngõ ngách của Hà Nội mà nếu không qua các trung tâm môi giới nhà đất thì việc bạn tìm được nhà là một sự quá may mắn.
Hết gần một buổi sáng dò tìm, vào ngách 132, đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội, men theo một con ngõ nhỏ, chúng tôi mới tìm được một căn nhà năm tầng, đang xây dựng dở nhưng đã bán hết veo 20 phòng từ… giữa năm ngoái.
Ông K. (một trong các chủ đầu tư tòa nhà) cho hay, ngay từ khi khởi công tòa nhà vào đầu năm ngoái, đã có nhiều người tới hỏi mua và đặt cọc luôn tiền, tới tháng 6 thì hết và tháng 9 thì đã có người đến ở. Trong khi, toàn bộ công trình tới thời điểm chúng tôi tới vẫn đang hoàn thiện.
Theo ông K., giá mỗi phòng ở đây lúc khởi điểm đã gần 600 triệu tới 800 triệu/40m2 tùy theo các tầng. Tới thời điểm này, các phòng tầng một muốn mua lại giá đã bị đẩy lên tới hơn một tỷ.
Hiện còn hai phòng tầng năm và tầng ba, chủ nhân đang muốn bán lại nhưng giá cũng không hề “mềm” tí nào. Anh Đ., phòng 503 đang rao bán lại căn hộ đang ở, với các thiết bị nội thất đầu tư thêm. Chủ nhân này cho hay, đã có người trả tới 720 triệu - đó là cái giá bạn phải chấp nhận dù leo bộ tới năm tầng cầu thang.
Với thiết kế chạy dọc, 40m2 được chia cho phòng khách - kệ bếp + nhà tắm - phòng ngủ, căn hộ của anh Đ. được thiết kế ngăn nắp, các thiết bị chủ yếu… bám vào hai bên tường, chồng lên cao, cái gì cũng siêu mỏng, siêu nhỏ để tiết kiệm tối đa diện tích.
Những người dân sống ở đây cũng ra sức “quảng cáo” cho tòa nhà, “yên tâm có giấy tờ tin tưởng, chưa kể chủ tòa nhà còn là quan chức to lắm mới về hưu”, “từ ngày anh về ở đây hợp làm ăn lắm”, “với giá này có mơ mới mua được chung cư”, “an ninh tốt”, “không mua nhanh là không còn”, “anh tiếp tục đi săn lùng mua thêm phòng nữa để bán sang tay”…
Ông K. cho biết, công ty sẽ tiến hành khởi công một khu nhà nữa ở Hạ Đình, Thanh Xuân, nhưng phải sang năm mới có nhà.
Trung tâm nhà đất: Nên nói không
Theo tìm hiểu, loại hình chung cư mini được xây dựng chủ yếu tại quận Cầu Giấy, Thanh Xuân và lác đác ở các quận khác. Hoạt động của các chung cư mini cũng giống như các chung cư lớn khác, chỉ có điều diện tích có thể bé hơn và quy mô của khu nhà chỉ vài chục phòng. Có tòa nhà bạo miệng còn hứa sẽ có sổ hồng cho các căn hộ, còn đa phần khẳng định chung chung, có giấy tờ hợp pháp!
Tuy vậy, chính các trung tâm môi giới, dù được hưởng 1% từ việc giới thiệu khách mua nhà, nhưng lại thành thật khuyên các “thượng đế” không nên đầu tư.
“Làm gì có sổ đỏ cho những căn hộ như chung cư như thế? Họ chỉ có một sổ đỏ chung cho toàn bộ tòa nhà, còn sổ hồng – giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà thì cũng còn phụ thuộc vào chủ tòa nhà đó” - một nhân viên tên Thủy - trung tâm bất động sản Nguyễn Sơn, phố Nguyễn Phong Sắc kéo dài, tư vấn qua điện thoại.
Cô nhân viên này còn cho biết, mua bán chung cư mini toàn là giấy tờ trao tay, không biết các căn cứ có chính xác hay không và khẳng định đầu tư như thế là rủi ro.
Một văn phòng tư vấn và môi giới bất động sản khác tại số 68, đường Cầu Giấy cũng cho rằng, nếu có tiền thà tìm mua nhà tập thể cũ còn tốt hơn là mua chung cư mini. “Sau này bạn muốn cầm sổ đỏ để vay ngân hàng chẳng hạn, thì liệu có mà vay không?” - chị Hoa hỏi và tự đáp rằng, thà mười mấy mét vuông có số đỏ của tập thể cũ thì cũng tốt hơn nhiều lần so với mua chung cư mini.
Một vấn đề đặt ra nữa, khi xảy ra tranh chấp, sai phạm, thậm chí là hỏa hoạn… thì liệu những người dân ở tại đây có được đảm bảo quyền lợi với những bản hợp đồng trao tay như thế?
Tuy vậy, với đa phần các gia đình trẻ, người ngoại tỉnh làm việc tại Hà Nội, với mức tiền dưới một tỷ đồng, không muốn ra quá xa trung tâm thành phố thì việc họ mạnh tay mua những căn hộ chung cư mini trong ngõ ngách, chấp nhận sự rủi ro cũng là điều dễ hiểu.
Không có ông chủ nào lại trả lời là không đảm bảo quyền lợi cho người mua, trong khi nhu cầu nhà ở thực tế thì vẫn sôi sùng sục, Hà Nội giờ còn xuất hiện các công ty chuyên đi săn các khu đất thổ cư trong ngõ ngách để xây chung cư mini.
Sự gặp nhau giữa một bên là lãi lớn, ít trách nhiệm – một bên là nhu cầu “cháy bỏng” về nhà ở, vậy cơ quan chức năng Hà Nội sẽ quản lý “sự gặp nhau” này như thế nào? Báo Điện tử Tổ Quốc xin trở lại vấn đề này sau.
DiaOcOnline.vn - Theo Tổ Quốc
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: