Top

Quản lý lòng đường, vỉa hè: Quy định “treo”, người dân thiệt

Cập nhật 05/03/2009 14:50

Quy định về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè đã được UBND TP.HCM ban hành từ nhiều tháng qua. Dù chưa được hướng dẫn thực hiện ra sao nhưng các cơ quan chức năng cứ thẳng tay phạt.

Theo quy định mới (có hiệu lực từ ngày 3-11-2008), vỉa hè có bề rộng trên 3m, người dân được sử dụng tạm thời (ngoài mục đích giao thông) để xe cho gia đình và khách hàng trong phạm vi 1,5m. Quy định cũng giao UBND quận, huyện có trách nhiệm cấp phép sử dụng vỉa hè cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Nếu không cấp phép phải nêu rõ lý do từ chối. Thế nhưng suốt thời gian qua, nhiều người dân đến cơ quan chức năng xin phép sử dụng vỉa hè đều bị lắc đầu với lý do: đề xuất quy hoạch các tuyến đường chưa được các cơ quan chức năng thông qua.

Bị phạt liên tục


Chỉ trong vòng một tháng, chị L.Q. - chủ cửa hàng kinh doanh trên đường Trần Quốc Thảo, Q.3 - đã bị lập bốn biên bản xử phạt vì để xe trên lề đường. Chị L.Q. cho biết vỉa hè trước nhà chị rộng hơn 5m và chỉ bố trí giữ một hàng xe cho khách không thu phí. Nhưng mỗi lần bị lập biên bản, công an phường xử phạt mỗi xe 80.000 đồng. Rồi công an quận cũng đến lập biên bản, xử phạt. “Cứ hết phường rồi đến quận xử phạt như vậy làm sao người dân yên ổn kinh doanh”. Chị L.Q. nói biết quy định mới cho phép người dân được bố trí một hàng xe gắn máy trên lề đường rộng trên 3m nên chị đến phường, quận hỏi thủ tục xin phép để xe nhưng cả hai nơi này đều bảo chưa có.

Luật sư Phạm Minh Tâm (Đoàn luật sư TP.HCM) có văn phòng tại đường Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận cho biết chỉ cần để 2-3 xe gắn máy trước cửa văn phòng, dù không gây cản trở người đi bộ cũng bị cơ quan chức năng “thổi còi”. Mỗi lần như vậy bị phạt 150.000 đồng/xe. Luật sư Tâm cho rằng TP đã ban hành quy định về quản lý, sử dụng vỉa hè nhưng các cơ quan chức năng sao chưa triển khai thực hiện mà xử phạt người dân?

Trong khi đó, theo anh Nguyễn Lê (có cửa hàng kinh doanh trên đường Dương Tử Giang, Q.5), vỉa hè trước nhà anh rộng chưa đủ 3m, khi để xe đã bị lực lượng trật tự của UBND phường lập biên bản xử phạt. Khi tự nguyện đóng phạt hai lần mỗi tháng thì anh vẫn được để xe như cũ. Anh Lê nói vẫn chưa yên tâm vì mới chỉ đóng phạt ở phường, còn khi cơ quan chức năng quận ra quân dọn dẹp lề đường thì nhiều khả năng anh cũng sẽ bị phạt.

Cũng có một thực tế khác: nhiều bãi giữ xe chiếm dụng vỉa hè, gây cản trở lối đi vẫn tồn tại. Cách chỗ chị L.Q. không xa, vỉa hè đường Nguyễn Thị Diệu (đoạn từ Bà Huyện Thanh Quan đến Trương Định) rộng chưa đến 3m vẫn được một số hộ dân bố trí giữ xe gắn máy có thu phí. Tương tự, trên địa bàn Q.1 tồn tại hàng loạt bãi giữ xe hai bánh có thu phí ở vỉa hè của không ít tuyến đường.

Những bãi giữ xe này thậm chí để 2-3 hàng xe khiến người dân không còn lối đi. Chỉ một đoạn ngắn trên đường Nguyễn Du, từ Hai Bà Trưng đến ngã ba Chu Mạnh Trinh, có đến 3-4 bãi giữ xe hai bánh thu phí, kéo theo hoạt động buôn bán hàng quán (khu vực gần Bệnh viện Nhi Đồng 2), khiến khu vực này trở nên bát nháo. Hàng loạt bãi giữ xe khác cũng chiếm gần hết vỉa hè các tuyến đường Lê Văn Hưu, Nguyễn Du, Hải Triều, Thi Sách...

Còn chờ quy hoạch


Hiện nhu cầu giữ xe hai bánh trên địa bàn TP rất lớn nhưng bãi giữ xe chỉ đếm trên đầu ngón tay. Không chỉ ở khu trung tâm Q.1 mà nhiều nơi khác người dân đến liên lạc, giao dịch công việc... muốn tìm chỗ gửi xe cũng không dễ dàng, đậu trên lề đường thì bị phạt. Điều người dân muốn là phải có quy hoạch rõ ràng, vỉa hè nào được sử dụng, vỉa hè nào cấm để chấp hành.

Chính vì vậy ngay khi có quy định quản lý lòng đường và vỉa hè, Q.1 là một trong những quận sớm nhất đề xuất quy hoạch các tuyến đường giữ xe hai bánh trên vỉa hè như công trường Quách Thị Trang (đoạn Hàm Nghi - Huỳnh Thúc Kháng), một số đoạn trên các đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Pasteur, Lê Văn Hưu, Nguyễn Du, Nguyễn Trung Trực...

Theo quy định của UBND TP, quy hoạch này phải có ý kiến của hai cơ quan liên quan là Sở Giao thông vận tải và Phòng cảnh sát giao thông đường bộ, sau đó mới trình UBND TP thông qua. Tuy nhiên, Phòng cảnh sát giao thông đường bộ không đồng ý với đề xuất quy hoạch của Q.1 vì cho rằng không phù hợp với điều kiện hiện nay và có nguy cơ gây ùn tắc giao thông. Và như vậy danh mục các tuyến đường sử dụng vỉa hè, lòng đường của Q.1 đến nay vẫn chưa được thông qua.

Tại Q.11, ngày 12-2 đã hoàn tất quy hoạch sử dụng vỉa hè gửi các cơ quan chức năng góp ý. Ông Nguyễn Hoàng Thái, phó chủ tịch UBND Q.11, cho biết hiện quận vẫn tiến hành xử phạt đối với các trường hợp buôn bán, đậu xe lấn chiếm lòng đường, vỉa hè... Đối với trường hợp người dân để xe của gia đình hoặc của khách hàng trước cửa hàng nhưng còn chừa lối cho người đi bộ thì quận chưa xử phạt.

Tương tự, theo ông Phan Thế Huy - trưởng Phòng quản lý đô thị Q.3, đơn vị này đang chờ ý kiến từ các cơ quan chức năng thông qua quy hoạch sử dụng vỉa hè trên địa bàn. Tạm thời Q.3 chỉ xử phạt đối với các trường hợp để xe lấn chiếm vỉa hè dưới 3m.

Như vậy đến thời điểm này, chưa có quận huyện nào ở TP được thông qua quy hoạch sử dụng lòng đường, vỉa hè. Trong khi đó, Chính phủ vừa ban hành nghị định 23 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật...

Một trong những nội dung của quy định nêu rõ: tổ chức, cá nhân sử dụng vỉa hè, đường để họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày hàng hóa, tổ chức giữ xe đạp, xe gắn máy, ôtô... sẽ bị xử phạt từ 20-30 triệu đồng, bắt đầu áp dụng từ 1-5-2009. Mức phạt này tăng hàng chục lần so với quy định hiện hành. Khi đó, người dân sẽ tiếp tục chịu thiệt thòi chỉ vì quy định... “treo”.

DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO