Khu đô thị Việt Hưng (Q.Long Biên) với hàng trăm căn hộ ưu tiên cho người có thu nhập thấp. |
Mặc dù Bộ Xây dựng khẳng định đã “mở cửa hết cỡ” về cơ chế, chính sách cho các chủ đầu tư, doanh nghiệp để tăng nguồn cung nhà ở giá rẻ, song trên thực tế việc triển khai vẫn còn nhiều bất cập.
Cho đến thời điểm này, theo Bộ Xây dựng, cả nước đã có 33 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp đã khởi công xây dựng, dự kiến đáp ứng chỗ ở cho khoảng 55.000 người, với vốn đầu tư khoảng 2.500 tỉ đồng.
Đã có nhà giá rẻ
Hà Nội - địa phương đi đầu trong việc phát triển nhà ở xã hội với dự án xây dựng 800 căn hộ theo hình thức cho thuê, thuê mua tại khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên. Trong đó, khoảng 500 căn cho thuê bằng vốn ngân sách thành phố, thời gian thu hồi vốn trong 30 năm với kinh phí 109,5 tỉ đồng; 300 căn hộ cho thuê mua do doanh nghiệp đầu tư, thời gian thu hồi vốn trong 20 năm với kinh phí 63 tỉ đồng.
Sở Xây dựng HN cho biết, đến tháng 10 năm nay, dự án sẽ xây dựng xong, đưa vào khai thác sử dụng. HN cũng đang xây dựng thí điểm khu nhà ở cho công nhân thuê tại KCN Bắc Thăng Long (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, HN), xây dựng nhà ở cho khoảng 9.100 công nhân thuê với diện tích sàn là 95.000m2, tương đương 864 căn hộ, đầu tư bằng vốn vay từ Quỹ Đầu tư và phát triển thành phố với kinh phí thực hiện là 317 tỉ đồng.
Hiện trên cả nước đã triển khai xây dựng khoảng 33 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, dự kiến đáp ứng chỗ ở cho khoảng 55.000 người, với số vốn đầu tư khoảng 2.500 tỉ đồng. Ngoài HN, Vĩnh Phúc, TPHCM, Bình Dương... là những địa phương có nhiều dự án nhà ở xã hội được triển khai. Bộ Xây dựng cũng thống kê được hiện có tới 263 dự án nhà ở thu nhập thấp trên cả nước đã đăng ký triển khai, với tổng mức đầu tư khoảng 72.710 tỉ đồng, số căn hộ dự kiến cần đầu tư khoảng 205.380 căn hộ, nhằm đáp ứng cho khoảng 821.520 người.
Doanh nghiệp tham gia xây nhà ở xã hội sẽ được mở hết cỡ như miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; được tăng mật độ xây dựng gấp 1,5 lần so với quy chuẩn về quy hoạch xây dựng; được áp dụng thuế suất VAT 0%; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm... Các DN tham gia xây nhà ở xã hội còn được vay vốn ưu đãi hoặc bù lãi suất; được vay quỹ phát triển nhà ở của địa phương; được Nhà nước bố trí các khu đất đã bồi thường, giải phóng mặt bằng để triển khai dự án...
Bộ Xây dựng khẳng định: Việc xác định giá bán, cho thuê, thuê mua nhà ở thu nhập thấp sẽ do chủ đầu tư (CĐT) tự định giá, nhưng giá này sẽ được UBND tỉnh (cụ thể là Sở xây dựng) thẩm định nhằm đảm bảo tính đúng, tính đủ các chi phí đầu tư xây dựng và lợi nhuận định mức tối đa không vượt quá 10% chi phí đầu tư. Thực tế cho thấy, một căn hộ diện tích 50m2 với mức giá bán bình quân từ 300 - 500 triệu đồng là hoàn toàn trong tầm tay người mua nhà.
Vẫn còn khó khăn
Trên thực tế, các dự án xây nhà cho người thu nhập thấp vẫn rất chậm triển khai so với nhu cầu và với tiến độ phải đưa vào hoạt động. Khó khăn đầu tiên là vốn đầu tư. Ngoài những dự án được vay từ nguồn vốn ngân sách, từ Quỹ Đầu tư phát triển với lãi suất thấp, đa phần các dự án vay vốn theo lãi suất thương mại đều không thể triển khai được do tính chất đầu tư nhà ở xã hội không thể bán với giá nhà ở thương mại, trong khi các dự án nhà ở thương mại vẫn hấp dẫn và dễ tìm đầu ra hơn.
Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ một Cty có thâm niên xây dựng nhà giá rẻ cho biết: Để xin được một dự án đầu tư bất động sản đã khó và chi phí khá tốn kém, song điều quan trọng là nếu xin được đất, chúng tôi đầu tư vào dự án nhà ở thương mại có lãi gấp hàng chục lần, tính thanh khoản cũng cao hơn so với làm nhà ở xã hội.
Song vấn đề không chỉ nằm ở đó, hiện các thủ tục để vay được vốn làm nhà ở xã hội cũng hết sức khó khăn và ngặt nghèo. Các DN đều thắc mắc, chính sách thì khá rõ, song để được ưu tiên vay vốn ưu đãi, hoặc được bù lãi suất... thì DN phải được chỉ ra cụ thể ngân hàng nào cho vay, thủ tục thế nào, chứ không dưng thì chẳng ai cho vay.
Bên cạnh đó, quy định về lợi nhận định mức 10% chi phí đầu tư mà Bộ Xây dựng ban hành chưa thực sự khuyến khích các doanh nghiệp tính toán để hạ thấp giá thành xây dựng. Giả sử, chi phí cho một m2 xây dựng của DN khoảng 6 triệu đồng/m2, lợi nhuận 10% là 600.000đ/m2; nhưng một DN khác không tiết kiệm chi phí, để giá thành xây dựng đội lên 8 triệu đồng/m2, lại được hưởng lợi nhuận định mức cao hơn là 800.000đ/m2.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng: “Tới đây sẽ phải sửa, thay vì quy định lợi nhuận định mức cố định 10%, Bộ Xây dựng sẽ quy định mức lợi nhuận linh hoạt hơn để khuyến khích DN áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tiết kiệm chi phí, giảm giá thành xây dựng.
Để tháo gỡ khó khăn về vốn đầu tư, Bộ Xây dựng đang phối hợp cùng Ngân hàng Phát triển VN nghiên cứu hỗ trợ cho các DN vay tối đa 70% tổng mức đầu tư của dự án, với lãi suất ưu đãi (khoảng 6-7%/năm), thời hạn vay từ 10-15 năm. Dự kiến trong giai đoạn 2009-2011, NH Phát triển sẽ chi khoảng 10.000 tỉ đồng cho vay lãi suất ưu đãi để làm nhà ở xã hội. Năm 2010, sẽ có khoảng 20-30 dự án được triển khai thí điểm từ nguồn vốn này.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: