Top

Phân khúc lệch pha: Cơ hội cho thị trường bất động sản

Cập nhật 25/07/2009 13:30

Phân khúc nhà ở cá nhân đang là trụ đỡ cho thị trường bất động sản.

Nhiều phân khúc bất động sản Việt Nam vẫn cho thấy sự lệch pha cung - cầu, đặc biệt tại các khu vực trung tâm của TP. HCM và Hà Nội. Tuy nhiên, chính sự lệch pha này giúp thị trường bất động sản Việt Nam hấp dẫn cho những nhà đầu tư có sự hiểu biết về thị trường trong nước và kinh nghiệm quản lý phát triển các dự án quốc tế…

Đó là nhận định của ông Peter Ryder, Tổng giám đốc Indochina Capital Corporation, tại Hội nghị đầu tư 2009 được tổ chức tại TP. HCM vào ngày 23/7. Theo Indochina Capital Corporation, tốc độ đô thị hóa đang làm tăng nhanh mật độ dân số tại các đô thị lớn, trong đó tầng lớp trung lưu đang lên thuộc thành phần dân số trẻ tuổi và có trình độ cao (70% dân số Việt Nam dưới 35 tuổi) đang tạo ra những nét văn hóa mới. Đó là ngày càng nhiều người trẻ tuổi thích sở hữu căn hộ riêng và có điều kiện để sở hữu do thu nhập ngày càng tăng. Cùng với đó là những chính sách cởi mở hơn trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản. Nhà nước đã cho phép nhà đầu tư 100% vốn nước ngoài có thể thuê bất động sản dài hạn (ít nhất 50 năm) và Luật Nhà ở cũng cho phép doanh nghiệp bất động sản được huy động vốn ứng trước của khách hàng với mức tối đa không quá 70% giá trị hợp đồng mua hoặc thuê nhà khi thiết kế đã được phê duyệt và thi công xong phần móng. Đồng thời, Việt kiều cũng có thể đứng tên sở hữu bất động sản và một số đối tượng người nước ngoài cũng được sở hữu nhà ở Việt Nam… Những điều kiện này chính là cú hích cho thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian tới.

Trên thị trường bất động sản thời gian vừa qua, không phải phân khúc thị trường nào cũng tăng trưởng. Thậm chí, ở mảng đầu tư văn phòng cho thuê còn gặp khó khăn khi giá thuê được ghi nhận giảm 20 - 30% tại Hà Nội và TP. HCM.

Ông Peter Ryder cho rằng, phân khúc nhà ở là một trong những động lực chính thúc đẩy sức cầu trên thị trường bất động sản hiện nay. Tỷ trọng người mua có nhu cầu thực sự về nhà ở đang áp đảo lượng đầu cơ, vì những tháng đầu năm 2009, nhu cầu mua căn hộ tăng lên nhờ lãi suất cho vay trở nên hấp dẫn.

Nhận định của các chuyên gia kinh tế cho thấy, nhu cầu sở hữu nhà cá nhân tăng cũng kéo theo thị trường cho vay thế chấp của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng với các dịch vụ thế chấp đa dạng của các ngân hàng như HSBC, Standard Chartered…, cho phép hàng triệu người dân có thể vay tiền mua nhà.

Trao đổi với báo giới mới đây, ông Ngô Xuân Dũng, Giám đốc điều hành Ngân hàng Quốc tế (VIB) - Chi nhánh TP. HCM cho rằng, cho vay mua bất động sản, mua căn hộ, sửa chữa nhà… từ lâu là các sản phẩm cốt lõi, truyền thống của nhiều ngân hàng thương mại. Tùy từng thời điểm khác nhau mà ngân hàng đẩy mạnh hoặc thu hẹp các sản phẩm này. Giai đoạn hiện nay là cơ hội khởi sắc của thị trường bất động sản vì nhu cầu an cư và đầu tư của người dân tăng lên, chính vì thế nhiều ngân hàng liên tiếp đưa các sản phẩm tài trợ mua nhà mới với tiện ích hấp dẫn.

Tuy nhiên, một số tín hiệu gần đây trên thị trường tín dụng đã khiến các chuyên gia kinh tế e ngại, tín dụng bất động sản vừa được các ngân hàng thương mại "hé cửa" có thể sẽ phải khép lại chút ít, bởi chính sách tín dụng đã được điều chỉnh theo hướng co dần để phòng ngừa trước những tín hiệu lạm phát.

Theo ông Peter Ryder, mặc dù nhu cầu vẫn cao nhưng đang có nhiều yếu tố có thể tác động tiêu cực lên thị trường bất động sản Việt Nam. Đó là việc thị trường chứng khoán đang xuất hiện sự điều chỉnh, khiến dòng vốn chảy vào bất động sản có thể chậm lại. Trong khi đó, với những động thái mới đây của các cơ quan chức năng thì có nhiều khả năng sẽ diễn ra một đợt siết chặt tín dụng khác trong tương lai. Đây sẽ là thách thức cho cả doanh nghiệp và người mua bất động sản.

Thực tế thời gian qua, mặc dù các ngân hàng thương mại liên tục cho ra đời những sản phẩm tín dụng bất động sản khá cạnh tranh, nhưng theo ông Dũng, đa số ngân hàng chú trọng đến vấn đề thiết kế sản phẩm tiện ích, phù hợp để thu hút người vay, chứ không nới lỏng điều kiện tín dụng. Bởi mỗi ngân hàng cũng phải chú trọng việc quản trị rủi ro, nhất là trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng. Hiện VIB vẫn tương đối hạn chế cho vay để sở hữu bất động sản. Người vay phải chứng minh được thu nhập ổn định, đáp ứng khả năng trả nợ và có tài sản bất động sản để thế chấp… Hạn mức tín dụng bất động sản vẫn được cân đối hài hòa với các sản phẩm tín dụng và dịch khác, nhằm giúp ngân hàng có thể quản trị được rủi ro trong bất cứ điều kiện biến động nào của thị trường.

 

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán