Top

"Phải nói ngôn ngữ chung của thị trường"

Cập nhật 16/07/2013 14:48

Một mặt bằng pháp lý thống nhất cho kinh doanh, đầu tư bất động sản (BĐS) đang được thiết lập. Ông Trần Như Trung, Phó giám đốc Savill Hà Nội, nói: "Sẽ không giải quyết được vấn đề, bởi mỗi bộ, mỗi ngành hiện nay vẫn nói ngôn ngữ riêng".


* Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang có kế hoạch rà soát lại hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến kinh doanh, đầu tư BĐS. Động thái này có quá chậm so với những gì nền kinh tế đang phải trả giá, thưa ông?

- Rà soát, soạn thảo văn bản mới là việc làm hằng ngày của cơ quan quản lý. Tôi nghĩ, việc phục hồi thị trường, sửa chữa lỗi của thị trường không phụ thuộc vào một người, một bộ, một ngành. Các văn bản dưới luật chỉ là phần nhánh, không phải phần lõi, nên khó giải quyết được vấn đề tận gốc.

Vấn đề ở đây là chưa ai xắn tay vào tìm mối quan hệ giữa giá trị sử dụng đất, giá trị quy hoạch và bảo hộ quyền sở hữu, sử dụng đất. Phải giải quyết được cái "tam giác" này thì các chính sách đi kèm mới mang lại hiệu quả.

* Nhưng theo ông thì giải quyết bằng cách nào?

- Đầu tiên, phải xem định hướng đổi mới như thế nào, đặt mục tiêu gì trong giai đoạn phát triển kinh tế hiện nay. Ở góc độ tài nguyên, chính sách đất đai giúp gì trong quá trình phát triển...

Chính sách rõ ràng, các hệ thống pháp luật đi kèm để thực thi chính sách đặt ra, đấy là những việc phải làm. Điều này đã được nói đến nhưng chưa có ai đề cập một cách tổng thể trong khi lại quá mải mê với các giải pháp, chẳng hạn gói hỗ trợ 30 ngàn tỷ đồng, làm loãng sự chú ý của chủ đầu tư và của cả thị trường.

* Vấn đề vốn cho BĐS được bàn thảo nhiều, thậm chí có ý kiến cho rằng cần có thêm các kênh huy động. Theo ông, điều này có cần thiết?

- Vốn là chuyện muôn thủa, kinh doanh thì phải có vốn, nhưng tôi nghĩ đây không phải là bản chất của vấn đề. Bản chất ở đây là sức mua ở ngưỡng nào. Sức mua phụ thuộc vào hệ thống kinh tế. Sức mua của người dân không phải do ai đó chỉ đạo mà do dân có tiền mua nhà không và mua ở ngưỡng nào. Còn cầu là tự nhiên, ai cũng cần có nhà để ở, chuyện đó rất dễ hiểu.

* Kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào ở được một số địa phương, trong đó có TP.HCM, xem là giải pháp phá băng thị trường. Ông nhận định thế nào về giải pháp này?

- Muốn mời gọi đầu tư, đầu tiên phải làm cho việc đầu tư này hấp dẫn. Và hấp dẫn không chỉ bởi thủ tục hành chính, mà vòng đời một dự án phải thể hiện là dễ đầu tư và có lãi.

Dùng những biện pháp mang tính chất hành chính và thủ tục không nhiều ý nghĩa khiến nhà đầu tư không thiện cảm. Đối với chủ đầu tư, không gì quan trọng hơn chỉ số rủi ro và lãi. Họ phải cân nhắc, tránh tình huống xấu là rủi ro cao và lợi nhuận thấp để chuyển sang rủi ro ở mức có thể chấp nhận được và lợi nhuận cao. Người đầu tư chuyên nghiệp quan tâm đến vòng đời dự án như thế nào, có lãi không, khi nào thu hồi vốn.

* Dù sao, một mặt bằng pháp lý thống nhất cho kinh doanh, đầu tư BĐS đang được hướng đến, theo ông, đã đủ để thúc đẩy thị trường BĐS phát triển?

- Về bản chất, nước nào cũng vậy, mỗi bộ, mỗi ngành đều có lĩnh vực riêng nhưng về tổng thể vẫn quy về một thị trường. Tất cả những gì Việt Nam đang làm là hơi tách biệt, một mình Bộ Tài chính không làm được, một mình Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại càng không làm được, vì khi nói đến thị trường thì chỉ có duy nhất một thị trường. Do đó, tất cả các bộ, các ngành đều phải nói ngôn ngữ của thị trường.

* Cảm ơn ông!

DiaOcOnline.vn - Theo Doanh nhân Sài Gòn