Top

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.Hồ Chí Minh: Không thể để nhà ở tồn kho

Cập nhật 12/04/2013 16:08


Giải quyết tồn kho bất động sản - không thể chần chừ
Ảnh: HOÀNG LONG

Triển khai Nghị quyết 02 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, Sở Xây dựng TP.HCM đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS) trên địa bàn thành phố, trong đó tập trung cho các giải pháp giải quyết tồn kho BĐS, thời gian hoàn thành là trong năm nay. Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã phỏng vấn ông Trần Trọng Tuấn- Giám đốc Sở Xây dựng về vấn đề này.

* Giải quyết tồn kho BĐS bằng cách chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội là nội dung được các DN BĐS rất quan tâm, việc này đang được tiến hành ra sao?

Ông Trần Trọng Tuấn: Hiện nay có 20 hồ sơ của 20 dự án chung cư nộp đến Sở Xây dựng để xem xét chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Trong đó có 2 dự án đã hoàn chỉnh căn hộ, 6 dự án đang trong quá trình thi công, các dự án còn lại mới xong phần mặt bằng hoặc chưa khởi công. Quan điểm chỉ đạo của thành phố là xét và ưu tiên những dự án đã hoàn chỉnh căn hộ, còn các dự án nhà ở thương mại đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, chưa khởi công chỉ xem xét chuyển đổi khi các chủ đầu tư chứng minh được năng lực, hiệu quả, tính khả thi của dự án và phù hợp với kế hoạch phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố. Sở Xây dựng sẽ làm việc với từng chủ đầu tư dự án và chọn một số dự án làm thí điểm, sau 3 tháng sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm báo cáo UBND thành phố hướng xử lý tiếp theo để áp dụng chung cho các dự án nhà ở thương mại chuyển sang nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố.

* Mặc dù Nghị quyết 02 cho phép dùng vốn ngân sách mua nhà ở thương mại làm nhà ở xã hội, nhưng được biết thành phố sẽ không áp dụng phương thức này. Vì sao ? 

Theo kế hoạch đến năm 2015 TP.HCM xây dựng 20 dự án nhà ở xã hội, quy mô 21.070 căn hộ. Hiện có 4 dự án đang thi công với quy mô 1.822 căn, 3 dự án chuẩn bị khởi công với quy mô 4.315 căn và 13 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư với quy mô 14.920 căn.

TP. HCM không thể cùng một lúc bỏ vốn ngân sách ra đầu tư các dự án nhà ở xã hội vừa bỏ vốn ngân sách mua nhà ở thương mại chuyển thành nhà ở xã hội, đó là lý do thứ nhất. Lý do thứ hai là nếu dùng vốn ngân sách để mua nhà ở thương mại chuyển sang nhà ở xã hội thì nhà ở xã hội chỉ được cho thuê hoặc thuê mua, do đó thành phố áp dụng giải pháp linh hoạt là không bỏ vốn ngân sách ra mua mà căn cứ các đối tượng được mua nhà ở xã hội đã được hội đồng nhà ở xã hội quận huyện, thành phố xét duyệt, trên cơ sở đó tổ chức việc ký kết hợp đồng trực tiếp giữa chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được lựa chọn với các đối tượng được mua nhà ở xã hội. Việc mua trực tiếp như thế này thì không trái với Nghị quyết 02, phù hợp với luật pháp và tình hình thực tế của thành phố.

* TP. HCM hiện có 14.490 căn hộ chung cư tồn kho, trong đó trên 60% căn hộ có diện tích trên 70m2, như thế sẽ không đủ điều kiện để chuyển đổi thành nhà ở xã hội. Giải pháp nào cho những trường hợp này, thưa ông? 

Theo quy định việc chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội chỉ áp dụng đối với những căn hộ dưới 70m2 và giá bán dưới 15 triệu, nhưng thực tế thì có khoảng 60% căn hộ tồn kho có diện tích trên 70m2. Có hai vấn đề đặt ra: nếu chia nhỏ căn hộ thì một số trường hợp không chia nhỏ được hoặc có thể chia nhỏ nhưng việc chia nhỏ cũng bất hợp lý như những căn 75m2, 80m2 nếu chia nhỏ thì các tiêu chuẩn kỹ thuật không đảm bảo. Mặt khác nếu chia nhỏ căn hộ thì nhà đầu tư cũng phải bỏ chi phí ra để cải tạo, chia tách căn hộ như vậy đơn giá căn hộ chắc chắn sẽ tăng lên. Từ hai vấn đề này Sở Xây dựng đề xuất giải pháp linh hoạt để vẫn có thể chuyển căn hộ trên 70m2 từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội bằng cách: phần diện tích 70m2 trở xuống được tính theo giá nhà ở xã hội còn phần diện tích từ 71m2 trở lên được tính bằng giá bán, thuê, thuê mua nhà ở xã hội cộng thêm tiền sử dụng đất. Áp dụng giải pháp linh hoạt như vậy sẽ không máy móc loại bỏ những căn hộ trên 70m2. Ngoài ra, TP. HCM không áp dụng điều chỉnh căn hộ có diện tích lớn sang căn hộ có diện tích nhỏ thuộc khu trung tâm thành phố. Giải pháp đối với căn hộ diện tích trên 70m2 là nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, của xã hội và của doanh nghiệp.

Trân trọng cảm ơn ông!


DiaOcOnline.vn - Theo Đại Đoàn Kết