Top

Nới lỏng cho vay mua nhà: Liều thuốc tinh thần!

Cập nhật 18/11/2011 15:10

Việc NHNN có văn bản chỉ đạo các ngân hàng thực hiện biện pháp kiểm soát cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất, trong đó loại trừ 4 nhóm đối tượng là BĐS ra khỏi diện phi sản xuất được đánh giá là giải pháp mang tính tinh thần, chứ ít tác động đến thị trường BĐS.

Bởi thực chất những khó khăn hiện nay của thị trường bất động sản là mặt bằng lãi suất quá cao và khan hiếm nguồn vốn.

Rộng cửa vay vốn cho người mua nhà trả bằng lương

Như Lao Động ngày 17.11 đã đưa tin, 4 nhóm đối tượng được thụ hưởng chính sách này tập trung vào nhóm có thu nhập thấp, công nhân tại các khu công nghiệp (KCN) khu chế xuất... Ngoài các nhóm đối tượng trên, NHNN tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thực hiện biện pháp kiểm soát hoạt động cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất. Qua tinh thần chỉ đạo như trên có thể thấy động thái của NHNN là mở rộng các đối tượng có thu nhập ổn định có thể vay vốn NH mua nhà để ở, nguồn tiền trả nợ là thu nhập hằng tháng từ lương.

Ngoài ra, trong công văn 8844, NHNN còn yêu cầu các NH đáp ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế với mức lãi suất hợp lý trên cơ sở khả năng huy động vốn của NH, bố trí nguồn vốn đáp ứng kịp thời các nhu cầu vay vốn tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, nhất là các hộ dân sản xuất lúa vụ mùa đông xuân, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và cho vay vốn lưu động đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.


Khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản là mặt bằng lãi suất quá cao và khan hiếm nguồn vốn. Ảnh: Kỳ Anh

Liều thuốc tinh thần


Sau khi NHNN ban hành công văn 8844, đã có nhiều luồng dư luận khác nhau về những tác động của tinh thần chỉ đạo của NHNN lên thị trường BĐS. Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM - cho rằng, việc NHNN loại hai nhóm tín dụng gồm cho vay tiêu dùng (sửa chữa, mua nhà để ở trả nợ bằng lương) và nhóm thứ hai đầu tư kinh doanh BĐS (gồm xây nhà để bán cho người thu nhập thấp, cho công nhân khu công nghiệp, dự án hoàn thiện trước 1.12.2012) ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất có giá trị tinh thần, khuyến khích, động viên các doanh nghiệp BĐS trong hoàn cảnh quá khó khăn hiện nay.

Chung cư An Tiến giảm giá khoảng 30%, hỗ trợ lãi suất 2 năm đầu ở mức 8%/năm. Ảnh: Quỳnh Mai

Tuy nhiên, cũng theo ông Lê Hoàng Châu, những giải pháp kể trên là tốt nhưng chưa đủ để giúp các doanh nghiệp BĐS, bởi 2 rào cản lớn nhất hiện nay là doanh nghiệp BĐS khát vốn và mặt bằng lãi suất trên 20%/năm hiện nay là quá cao. Mặt khác, trong số hàng ngàn doanh nghiệp BĐS đang hoạt động ở TPHCM không có được bao nhiêu doanh nghiệp có thể đáp ứng được các điều kiện mà công văn 8844 của NHNN đặt ra. Ông Lê Hoàng Châu kiến nghị: “Theo tôi, NHNH nên mở rộng các đối tượng được vay vốn trong nhóm thứ hai (đầu tư kinh doanh BĐS gồm xây nhà để bán cho người thu nhập thấp, cho công nhân khu công nghiệp, dự án hoàn thiện trước 1.12.2012) là những dự án đã hoàn thành được khoảng 60% trở lên. Riêng đối với những dự án có thể hoàn thành trước 1.12.2012 thực chất chỉ còn có vài chục ngày nữa, như vậy là quá gấp”.

Đánh giá về những tác động của công văn 8844 lên thị trường BĐS, theo một chuyên gia khác thì rất khó có những tác động mang tính đột phá. Bởi, cho dù người làm công ăn lương, có thu nhập ổn định sẽ được vay tiền mua nhà, nhưng với mặt bằng lãi suất như hiện nay sẽ có bao nhiêu phần trăm người có nhu cầu mua nhà dám vay tiền NH.

Chìa khóa của vấn đề nằm ở chỗ, mặt bằng lãi suất hiện nay thấp nhất trên 20%/năm. Vị chuyên gia này đưa ra một ví dụ để minh họa: Một hộ gia đình 2 người đi làm, thu nhập 20 triệu đồng/tháng đã tích lũy được 300 triệu đồng, cần vay thêm 700 triệu để mua một căn hộ. Hộ gia đình này chỉ có thể dành tối đa 50% thu nhập để trả nợ ngân hàng, 50% thu nhập còn lại để chi phí cho cuộc sống. Như vậy, chỉ tính riêng lãi suất phải trả mỗi tháng đã trên 10 triệu đồng. Vì vậy, với mặt bằng lãi suất hiện nay họ sẽ không bao giờ trả được nợ gốc. Trên thực tế, trước tình hình khó khăn của thị trường BĐS, từ đầu năm 2011 nhiều doanh nghiệp đã áp dụng hình thức khuyến mãi hỗ trợ lãi suất cho khách hàng chỉ còn 8%/năm, nhưng trên thực tế không phải dự án nào cũng bán được.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động