Top

Nỗi đau “ba không” về đất đai

Cập nhật 25/04/2014 08:35

“Quy hoạch sử dụng đất là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân. Đây cũng là lĩnh vực mà chúng ta đã và đang phải chứng kiến nỗi đau “ba không” về đất đai”, ông Huỳnh Nghĩa, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nói.

Ông Huỳnh Nghĩa, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

* Luật Đất đai sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực ngày 1/7 tới. Khi luật này đi vào cuộc sống, theo ông có giảm được đáng kể những bức xúc liên quan đến đất đai?

So với Luật Đất đai 2003, Luật Đất đai sửa đổi với nhiều điểm mới, như đã quy định cụ thể hóa các quyền nghĩa vụ của Nhà nước đối với người sử dụng đất, bổ sung những nội dung cơ bản trong việc điều tra, đánh giá về tài nguyên đất đai để phục vụ cho kinh tế - xã hội mà Luật Đất đai năm 2003 chưa quy định cụ thể.

Luật cũng đã quy định cụ thể từ nguyên tắc đến nội dung và mở rộng dân chủ, công khai trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất trong vùng quy hoạch...

Tôi cho rằng, Luật Đất đai sửa đổi có ý nghĩa rất quan trọng góp phần giảm sự bức xúc của nhân dân bị dồn nén về khiếu nại đất đai, mở ra nền tảng pháp lý cho một giai đoạn phát triển mới của đất nước. Tuy nhiên, những bức xúc của người dân liên quan đến lĩnh vực đất đai đều là những vấn đề tích tụ trong nhiều năm qua, nên khó giải tỏa được ngay mà cần có thêm nhiều thời gian sau khi luật đi vào cuộc sống.

* Trong những bức xúc về đất đai, ông thấy “điểm đen” nào cần nhiều thời gian giải quyết nhất?

Theo tôi, việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có lẽ là vấn đề nóng nhất hiện nay và cần nhiều thời gian nhất để đưa công việc này vào minh bạch và quy củ.

Quy hoạch sử dụng đất là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân. Đây cũng là lĩnh vực mà chúng ta đã và đang phải chứng kiến nỗi đau “ba không” về đất đai.

Không ít dự án treo, công bố xong thì bị bỏ quên nhiều năm, có dự án sau khi công bố quy hoạch thì việc triển khai thực hiện cầm chừng... gây bất bình trong nhân dân.

Đất bỏ hoang nhưng không cho dân sản xuất, không cho dân xây nhà ở là hai cái không.

Cái không thứ ba đáng lo hơn cả là không trách nhiệm. Có những dự án lợi ít hại nhiều nhưng cũng không có ai chịu trách nhiệm, bị xử lý kỷ luật, bị truy tố trước pháp luật.

* Với vấn đề thu hồi đất, nguyên nhân được xem là lớn nhất hiện nay gây nên những khiếu kiện, liệu có được thực thi minh bạch và công bằng hơn khi Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực?

Luật Đất đai sửa đổi đã xác định rõ và quy định cụ thể những trường hợp Nhà nước phải thu hồi đất nhằm khắc phục, loại bỏ những trường hợp thu hồi đất làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người sử dụng đất. Đồng thời khắc phục có hiệu quả những trường hợp thu hồi đất mà không đưa vào sử dụng, gây lãng phí, tạo nên các dư luận xấu trong xã hội.

Nhưng tôi vẫn còn những băn khoăn về các trường hợp thu hồi đất.

Nước ta đang trong quá trình vận động phát triển, cơ sở vật chất ban đầu còn quá khiêm tốn, rất cần các dự án phát triển kinh tế - xã hội để làm giàu cho đất nước, sớm hòa nhập cộng đồng quốc tế. Do đó, việc quy định thu hồi đất phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội là đúng đắn và cần thiết.

Vấn đề quan trọng là phải xác định rõ ràng và hợp lý những trường hợp thu hồi đất nào được coi là có mục đích phát triển kinh tế - xã hội để tránh bị lạm dụng nhằm phục vụ lợi ích riêng, lợi ích nhóm. Nếu không, có nhiều trường hợp rất dễ bị lợi dụng khi thi hành luật như thu hồi đất làm khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị mới...

Bên cạnh đó, quy định việc lập và thực hiện dự án tái định cư do UBND cấp tỉnh, huyện là phù hợp với tình hình thực tiễn và mang đầy tính nhân văn sâu sắc. Khi bị thu hồi đất để giải phóng mặt bằng, người dân phải di dời chỗ ở là nỗi gian truân, vất vả của mỗi gia đình. Nếu chưa có khu tái định cư thì họ sẽ gặp khó khăn trong cuộc sống và sinh hoạt.

Nhưng thực tế thời gian qua, rất ít dự án người dân được bố trí tái định cư trước khi bị thu hồi đất, nên quy định này e sẽ khó thực hiện. Vì vậy, điều này cần được rất quan tâm để tổ chức thi hành nghiêm túc, bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người bị thu hồi đất.

* Nút thắt về giá đất liệu sẽ được tháo gỡ không, thưa ông?

Vấn đề giá đất cũng là nguyên nhân cơ bản làm phát sinh những vụ khiếu kiện kéo dài, dai dẳng, gay gắt và vô cùng phức tạp. Luật Đất đai sửa đổi có đề ra nguyên tắc giá đất, nhưng nếu không thận trong khi thực thi quy định này thì đây vẫn là nút thắt khó gỡ. Bởi giá đất trên thị trường không ổn định, luôn thay đổi, thậm chí có thời điểm giá đất thay đổi từng ngày.

Chúng ta cũng biết trong thời gian qua, nhiều nơi khung giá đất do nhà nước quy định không đúng với thị trường, giá đền bù chưa sát với giá “tiền tươi, thóc thật” mà người dân bán đất.

Vì vậy, cùng với quy định về giá đất, Luật Đất đai sửa đổi có quy định về tư vấn định giá đất. Trong thực hiện quy định này, cần khuyến khích việc sử dụng rộng rãi các tổ chức dịch vụ có chức năng tư vấn, định giá đất tham gia vào hoạt động xác định giá. Có như vậy thì việc xác định giá đất mới có căn cứ khoa học, khách quan, trung thực, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy