UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản “nói không” với chuyển nhượng một phần dự án với lý do luật không có quy định nào cho phép việc chuyển nhượng này, nhưng thực tế, việc chia nhỏ dự án, chuyển nhượng cho nhiều nhà đầu tư thứ cấp đã được các chủ đầu tư, nhất là các “đại gia” trong làng bất động sản thực hiện từ lâu.
Khu đất CC3 A, B, C tại Khu đô thị Mỹ Đình 2 được HUD chuyển nhượng cho các đơn vị thứ cấp và bị sử dụng sai mục đích
|
Từ trường hợp của HUD
Được giao hơn 26 héc-ta đất để thực hiện Dự án Khu đô thị Mỹ Đình 2, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà đô thị (HUD) đã triển khai dự án này rất nhanh. Cụ thể, dự án được khởi công từ năm 2002, đến năm 2006 đã cơ bản hoàn thành nhiều công trình, đón hàng nghìn cư dân chuyển về sinh sống.
Sau gần 10 năm đi vào hoạt động, dù có khá đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và người dân đã chuyển về sinh sống ổn định, nhưng trên thực tế, Dự án Khu đô thị Mỹ Đình 2 vẫn chưa được hoàn thiện và liên tục bị UBND TP. Hà Nội nhắc nhở. Nguyên nhân chính là do HUD chuyển nhượng một phần đất dự án tại vị trí CC3A, B, C, rộng 5.878 m2 từ năm 2003 cho 3 đơn vị thứ cấp. Tuy nhiên, phần diện này bị 3 nhà đầu tư thứ cấp sử dụng sai mục đích, khiến Khu đô thị và bản thân HUD bị UBND TP. Hà Nội nhiều lần tuýt còi.
Cụ thể, vào tháng 7/2012, UBND TP. Hà Nội đã nhắc nhở HUD và dọa sẽ thu hồi lại diện tích này. Đến tháng 3/2014, HUD tiếp tục bị Hà Nội nêu đích danh trong đề xuất thu hồi lại lô đất CC3A, B, C khi các đơn vị thứ cấp tiếp tục sử dụng đất sai mục đích.
Không chỉ tại Dự án Khu đô thị Mỹ Đình 2, HUD còn chia nhỏ và chuyển nhượng cho nhà đầu tư thứ cấp tại nhiều dự án khác được giao làm chủ đầu tư như Linh Đàm, Vân Canh, Định Công.
Tại Dự án Khu đô thị Linh Đàm, HUD chuyển nhượng hạ tầng cho hàng chục đơn vị thứ phát và nhiều sai phạm tại khu đô thị kiểu mẫu này đã bị Thanh tra TP. Hà Nội phát hiện. Tại Dự án Khu đô thị Vân Canh, HUD cũng đã chuyển nhượng lô đất cho CTCP Bất động sản AZ thực hiện 2 khối nhà cao tầng là CT1 và CT2. Trong khi đó, tại Dự án Khu đô thị Định Công, HUD còn chuyển nhượng cả lô đất NT1 cho đơn vị thứ cấp để thu tiền, mặc dù đây là lô đất phục vụ xây dựng công trình công cộng, lẽ ra phải bàn giao (không bồi hoàn) cho UBND Thành phố.
Gần như các dự án mà HUD chuyển giao một phần diện tích cho đơn vị thứ cấp đều gặp vấn đề. Ngoài Dự án Linh Đàm đã bị Thanh tra TP. Hà Nội phát hiện nhiều sai phạm trong quy hoạch, Dự án Mỹ Đình 2 nhiều lần bị đề xuất thu hồi các lô đất ở vị trí CC3A, B, C, Dự án Vân Canh cũng nổi tiếng với tranh chấp giữa khách hàng và AZ Land...
Đến các “đại gia” khác
Tại Hà Nội, việc “xẻ thịt” một phần dự án để chuyển nhượng cho các đơn vị thứ cấp không chỉ có duy nhất HUD thực hiện.
Đơn cử, CTCP Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) đã từng chuyển nhượng một phần Dự án Khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì cho một đơn vị thứ cấp triển khai. Việc chuyển nhượng khi chưa được sự chấp thuận của UBND TP. Hà Nội đã khiến hàng nghìn hộ dân tại phần dự án được đơn vị thứ cấp triển khai không làm được “sổ đỏ” và tranh chấp kéo dài.
Trong khi đó, tại Dự án Khu đô thị Nam An Khánh cũng do Sudico làm chủ đầu tư, Sở Xây dựng Hà Nội từng xác định có đến 13 đơn vị thứ cấp được chủ đầu tư chuyển nhượng đất tại dự án này. Trong đó, có rất ít đơn vị thứ cấp đã triển khai dự án.
Đối với “dòng họ” Vinaconex, CTCP Xây dựng số 2 (Vinaconex 2) cũng đã chuyển nhượng một phần Dự án Golden Silk (Kim Văn - Kim Lũ) cho Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu. Việc chuyển nhượng này dẫn tới việc phá vỡ quy hoạch cũ khi đơn vị thứ cấp xây dựng dự án với số tầng nhiều và diện tích căn hộ nhỏ, khiến mật độ dân số tăng lên.
Trước thực trạng nhức nhối trên, mới đây, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản “nói không” với Dự thảo quy định về chuyển nhượng một phần dự án khu đô thị, dự án phát triển nhà ở trên địa bàn Hà Nội do các ngành liên quan của Thành phố soạn thảo.
Theo Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Hồng Khanh, Luật Kinh doanh bất động sản, Nghị định 153/2007/NĐ-CP và Thông tư 13/2008/TT-BXD đều không cho phép chuyển nhượng một phần dự án khu đô thị, dự án phát triển nhà ở. Vì vậy, UBND Thành phố không đồng ý với Dự thảo trên. Trong khi đó, việc chuyển nhượng toàn bộ dự án nhà ở được Thành phố đồng ý, nhưng phải theo các quy định hiện hành.
Theo đại diện một DN, việc chuyển nhượng một phần dự án có thể giúp DN giảm bớt gánh nặng tài chính trong quá trình thực hiện dự án. Thế nhưng, thực tế cũng cho thấy, nhiều hệ lụy và ảnh hưởng tiêu cực của việc làm này khi các đơn vị thứ cấp thực hiện sai quy hoạch, chậm triển khai dự án...
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: