Top

Những cái "ao" khổng lồ trên quốc lộ 1A

Cập nhật 16/10/2007 10:00

20km quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn tỉnh Long An (km1925 - km1945) xuất hiện không dưới 100 cái "ao" khổng lồ ở cả hai bên đường. Nước ứ đọng không thoát được, đường xuống cấp rất nhanh.

Ông Võ Đức Hải, giám đốc Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ 714 (gọi tắt là Công ty 714), nói suốt mùa mưa này ngày nào công nhân cũng phải ra đường dặm vá. Nhưng vá chỗ này thì chỗ khác bong ra.

Ngày nào cũng có người sụp hố

Chỉ tay ra "ổ voi" trước nhà, cạnh đèn tín hiệu giao thông đang bị ngập, anh Lê Phi Hổ ở khu phố 9, thị trấn Bến Lức, nói: "Chỗ này ngày nào cũng có người chạy xe gắn máy bị sụp hố té nhào. Riêng thứ bảy và chủ nhật chừng một giờ lại nghe tiếng xe máy bị ngã cái rầm. Có khi đang ngủ nghe có tiếng người kêu cứu vì bị thương nặng. Ngày nào ở chỗ này không có người bị té xe mới lạ”.

Xung quanh khu vực đèn tín hiệu giao thông thị trấn Bến Lức hiện có gần chục điểm bị ngập nước. Trên mặt đường vương vãi đá. Chị Kim Oanh, một người dân địa phương, cho biết có rất nhiều xe tay ga lật ngang vì thắng gấp khi gặp "ổ voi" và đá dăm. Số đá này được Công ty 714 đổ lấp những chỗ ngập nước, sau đó bị bong lên tiếp tục trở thành những cái "bẫy". Mỗi bên đường có ba làn xe, nhưng hiện chỉ còn lưu thông được 1,5 làn. Ngoại trừ ôtô con chạy đúng làn đường qui định, hầu hết xe tải và xe gắn máy từ TP.HCM đi miền Tây và ngược lại do phải tránh những điểm ngập nước và những "ổ voi" nên đã chạy chung làn đường dành cho ôtô rất nguy hiểm.

Ông Lưu Đình Khẩn, giám đốc Sở Giao thông vận tải Long An, bức xúc: "Khó có thể thống kê chính xác được đoạn quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh Long An có bao nhiêu điểm ngập, bao nhiêu "ổ voi" vì từ khu vực giáp ranh với huyện Bình Chánh (TP.HCM) tới thị xã Tân An gần như chỗ nào cũng hư hỏng hết. Tuy nhiên tôi biết chắc chắn số "ao" trên quốc lộ không dưới... 100 cái. Có quá nhiều "bẫy" trên đoạn đường này".

Ông Võ Đức Hải thừa nhận 20km quốc lộ qua tỉnh Long An đã xuống cấp rất nhiều, nghiêm trọng nhất là đoạn từ khu vực Gò Đen (km1925) đến Bến Lức (km1932) dài 7km. Tính cả hai bên đường có tới 14km đường đã bị xới tung lên vì bị ngập nước.

40 năm nữa mới hết ngập!

Vì sao đoạn quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh Long An xuống cấp nhanh như vậy? Ông Võ Đức Hải nói nguyên nhân do bị ngập nước, mà nguyên nhân chính là hai bên đường không có hệ thống thoát nước dọc. Năm 2000 và 2005 khi Bộ Giao thông vận tải đầu tư nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn tỉnh Long An thì hai bên đường không có nhiều nhà dân, nước mưa thoát xuống ruộng, mương lộ dọc hai bên đường.

Tuy nhiên do tốc độ xây dựng nhà ở cặp quốc lộ quá nhanh nên hai bên đường không còn chỗ thoát nước nữa. Với mật độ khoảng 40.000 ôtô lưu thông trên quốc lộ 1A mỗi ngày như hiện nay, chỗ nào bị ngập sẽ hư hỏng rất nhanh.

Mỗi năm Cục Đường bộ VN cấp cho Công ty 714 khoảng 2 tỉ đồng để xây dựng hệ thống thoát nước và duy tu sửa chữa 100km quốc lộ 1A đoạn Long An - Tiền Giang. Theo ông Võ Đức Hải, chi phí làm 1km rãnh thoát nước dọc quốc lộ hiện khoảng 2 tỉ đồng. Từ năm 2006 đến nay, Công ty 714 đã thi công được... 1,5km rãnh thoát nước dọc khu vực Gò Đen và Bến Lức. "Với kinh phí được cấp quá ít như hiện nay, để làm xong hệ thống thoát nước hai bên quốc lộ ở Long An phải mất... gần 40 năm. Tôi cho rằng nếu không khẩn trương xây dựng rãnh thoát nước thì chỉ vài năm nữa đoạn quốc lộ này sẽ hư hỏng hết" - ông Lưu Đình Khẩn nói.

Để "cứu" quốc lộ 1A, UBND tỉnh Long An đã thăm dò ý kiến của nhiều doanh nghiệp dọc quốc lộ 1A, đa số đều đồng ý cho vay tiền để làm hệ thống thoát nước, Nhà nước sẽ hoàn trả sau. Ông Võ Đức Hải cho biết Bộ Giao thông vận tải rất ủng hộ ý tưởng của tỉnh Long An. Khi tỉnh chính thức có văn bản đề nghị thì bộ sẽ duyệt ngay.

Tuy nhiên nếu có vốn vào đầu năm 2008 thì cũng không thể làm nhanh được vì trung bình phải mất tới ba tháng mới làm xong 1km rãnh thoát nước. Chỉ riêng 14km rãnh ở Gò Đen và Bến Lức phải mất ít nhất 42 tháng mới làm xong. Với thời gian này thì có khi rãnh thoát nước chưa làm xong nhưng đường đã hư hết.

Hư chỗ nào, vá chỗ đó! Ông Lưu Đình Khẩn tỏ ý tiếc rẻ: "Nếu trước đây khi mở rộng quốc lộ 1A, Bộ Giao thông vận tải cho làm luôn hệ thống thoát nước dọc thì bây giờ đường đâu có ngập, đâu có hư hỏng như thế này. Nếu phải đầu tư làm đường mới thì kinh phí sẽ lớn hơn rất nhiều so với làm hệ thống thoát nước". Trong khi chờ vốn, chờ chủ trương "cứu" quốc lộ 1A, Công ty 714 vẫn phải thực hiện giải pháp tình thế: hư chỗ nào, vá chỗ đó.

Theo Tuổi Trẻ