Nhật ký nhà mẫu
Con đường dẫn vào dự án X đã tương đối bằng phẳng, một lớp đất và đá mi trải lên kéo dài tới tận nhà mẫu; cờ phướng treo dọc chào dọc hai bên, những em út xinh như mộng đứng đợi sẵn, nhoẻn nụ cười và cài hoa cho quan khách. Kế đó là màn múa lân, trống vang ì đùng. Phần lễ bắt đầu phát biểu của chủ nhà, khách mời, rồi khách hàng…
Cuối cùng, công đoạn quan trọng nhất diễn ra hết sức long trọng: cắt băng khánh thành nhà mẫu, tất cả quan khách được vào xem, chụp ảnh, bình chọn. Lối bài trí nhà mẫu thật sang trọng, nền nã: những lẵng hoa, bông hoa đặt trên bàn làm việc, giường ngủ; loại hàng trang trí nội thất thật đắt tiền đều có mặt từ của đi vào, đến phòng ngủ, kể cả toa lét - kèm theo đó là dòng chữ “hàng không bao gồm”. Đoạn kết cũng là mục đích của buổi lễ sẽ là tiến hành thu tiền đặt cọc của khách hàng. Vị trí của nhà mẫu có khi nằm bên trong khuôn viên dự án, đôi khi thuộc phần đất khác. Nơi sẽ xây dựng cao ốc là bãi đất trống đã san ủi bằng phẳng, có khi là đang ép cọc, hoặc có xe cẩu, xe ben nổ máy chạy rì rì.
Đó là quang cảnh tương đối hoàn chỉnh một buổi lễ khai trương nhà mẫu của các dự án cao ốc, đã và đang diễn ra tại TPHCM. Như vậy, khi bắt tay đặt tiền cọc, khách hàng đã mua một căn hộ của thì tương lai, tức là mua nhà trên giấy. Còn sau khi tiến hành xây, hoặc xây xong cao ốc, căn hộ mẫu sẽ bị đập bỏ, do đó sẽ khó đối chứng với căn hộ thật. Khi cơn sốt nhà đất xảy ra vào đầu năm nay, có ít nhất 4 dự án đã bán hàng theo kiểu trên.
Hành lang pháp lý chỉ có một!
Pháp luật hiện nay quy định về việc bán nhà đất đã tương đối ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư và người mua. Trước đây, Nghị định 181 hướng dẫn Luật Đất đai đã quy định xây xong nhà mới được bán. Sau đó, Nghị định 02 cũng khẳng định: lần đầu chỉ huy động vốn khi chủ đầu tư đã giải phóng mặt bằng và bắt đầu triển khai hạ tầng kỹ thuật. Khi Luật Nhà ở có hiệu lực ngày 1 - 7 - 2006 đã quy định khá hoàn chỉnh về các trường hợp xây nhà, chuyển nhượng.
Đặc biệt, khoản 1, Điều 39 đã quy định hết sức rõ ràng: “Trường hợp chủ đầu tư huy động vốn từ tiền ứng trước của người có nhu cầu mua hoặc thuê nhà ở thì chỉ được áp dụng trong trường hợp thiết kế nhà ở đã được phê duyệt và đã được xây dựng xong phần móng. Tổng số tiền huy động trước khi bàn giao nhà ở cho người có nhu cầu không được vượt quá 70% giá trị nhà ở ghi trong hợp đồng”. Mới nhất là Nghị định 153 hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản, vừa được Chính phủ ban hành. Theo đó, việc ứng tiền phải chia nhiều lần, nhưng lần đầu chỉ được huy động khi chủ đầu tư đã triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật dự án.
Rõ ràng, với hành lang pháp luật xuyên suốt của các đạo luật trong việc chuyển nhượng đất đai, nhà ở đều quy định rành mạch, không thể chấp nhận việc bán nhà trên giấy! Đương nhiên, các quy định trên đều hướng tới mục đích bảo vệ khách hàng khi rủi ro xảy ra, ổn định thị trường, phát triển lành mạnh. Như thế, hành vi chỉ xây nhà mẫu rồi bán, thu tiền khách hàng đi kèm với bất cứ cam kết nào đều sai luật. Vấn đề đặt ra, tại sao luật đã có nhưng sai phạm vẫn diễn ra, cơ quan nào chịu trách nhiệm “huýt còi”? Điều này đã khiến dư luận đặt nghi vấn, tại sao hiện nay xảy ra quá nhiều sai phạm các công trình xây dựng cao ốc, nhưng khi phát hiện ra thì việc đã rồi?
Theo Sài Gòn Giải Phóng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: