Hàng loạt dự án giao thông đang “đắp chiếu”, nhiều dự án tiến độ chậm như “rùa”, trong khi nhiều Tổng Công ty xây dựng giao thông lao đao vì nợ nần... Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Làm thế nào để có thể đẩy nhanh tiến độ các dự án, PV có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng.
Xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu nhà thầu
Ông Dũng cho biết: Việc các dự án xây dựng hạ tầng giao thông chậm, theo tôi có một số nguyên nhân chính: Thứ nhất, từ đầu năm tới nay, tất cả các loại VLXD như sắt thép, xi măng, nhựa đường, đá, cát,… đều tăng khoảng 50 đến 90%, thậm chí 100- 200%.
Hiện có rất nhiều dự án giao thông chỉ sau 1, 2 năm khởi công, giá VLXD đã tăng hơn 3 lần so với giá bỏ thầu buộc nhà thầu phải dừng thi công hoặc thi công cầm chừng vì càng thi công càng lỗ.
Do biến động giá, công tác đấu thầu, tuyển chọn các nhà thầu trong những tháng vừa qua gặp rất nhiều khó khăn. Rất nhiều cuộc đấu thầu do không đủ nhà thầu tham dự theo quy định...
Bên cạnh đó, việc chậm ban hành các văn bản, thông tư hướng dẫn hoặc ban hành những văn bản không khả thi, việc ban hành thông báo giá VLXD chậm và lạc hậu... đã gây chậm tiến độ dự án.
Sự chậm trễ thực hiện dự án còn có nguyên nhân chính từ việc GPMB chậm, năng lực của các nhà thầu yếu kém, công tác tổ chức thực hiện dự án của một bộ phận chủ đầu tư, ban quản lý dự án thiếu tính chuyên nghiệp, trình độ chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu.
* Trong hàng loạt khó khăn mà các chủ đầu tư, nhà thầu gặp phải dẫn đến các dự án có tiến độ “rùa” có những khó khăn xuất phát từ việc giải ngân chậm. Thực tế là thủ tục hành chính rườm rà, thậm chí có cả “nhũng nhiễu” làm chậm tiến độ các dự án?
Bộ GTVT đã chủ động tháo gỡ các khó khăn: yêu cầu các chủ đầu tư, Ban QLDA đẩy nhanh quá trình thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán, nghiệm thu khối lượng hoàn thành; thanh toán giải ngân vốn cho nhà thầu; phát hiện kịp thời và xử lý các trường hợp nhà thầu yếu kém, không đảm bảo năng lực thực hiện gói thầu.
Bộ cũng chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu gây khó khăn cho các nhà thầu, yêu cầu các chủ đầu tư cần phối hợp chặt chẽ hơn với các địa phương để đẩy nhanh tiến độ GPMB, chỉ đạo nhà thầu huy động lực lượng đẩy nhanh tiến độ thi công..
Nhờ có nhiều giải pháp, tình hình giải ngân tại các dự án do Bộ quản lý trong tháng 7 và tháng 8/2008 đã có nhiều chuyển biến tích cực, các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách cũng như trái phiếu Chính phủ giải ngân tăng hơn 50% so với tháng 5, tháng 6.
Không có doanh nghiệp nào bên bờ vực phá sản
* Thưa Bộ trưởng, các dự án giao thông chậm tiến độ còn do sự yếu kém về năng lực, đặc biệt là năng lực tài chính của các nhà thầu, trong đó có nhiều nhà thầu lao đao bên bờ vực phá sản?
Bộ GTVT hiện đang quản lý 7 Tổng Công ty 90 thuộc khối xây lắp. Đúng là một số Tổng Công ty còn có lỗ lũy kế, tình hình tài chính khó khăn. Tuy nhiên không có công ty nào bên bờ vực phá sản.
Nguyên nhân khó khăn chủ yếu tập trung vào một số vấn đề như: Vốn Nhà nước đầu tư cho doanh nghiệp xây lắp quá thấp (bảo đảm khoảng dưới 8% so với tổng số nguồn vốn kinh doanh của doanh nghiệp). Phần lớn các doanh nghiệp xây lắp đi vay để sản xuất kinh doanh. Do tình hình lạm phát, lãi suất vay cao, đồng thời ngân hàng xiết chặt cơ chế cho vay nên doanh nghiệp càng khó khăn...
* Nhưng tình trạng thiếu vốn của các doanh nghiệp trong ngành còn do các doanh nghiệp bị nợ đọng lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Bộ GTVT sẽ có hướng xử lý thế nào đối với các khoản nợ đọng khổng lồ này?
Đúng là tổng số nợ Bộ GTVT phải trả các doanh nghiệp là hàng ngàn tỷ đồng. Đây là những khoản nợ “Nhà nước nợ Nhà nước” tức là những khoản tiền Nhà nước ứng trước cho ngành GTVT đầu tư vào các công trình giao thông nhưng đến nay Nhà nước vẫn chưa bố trí đủ vốn để trả nợ hoặc những khoản nợ Nhà nước vay từ ngân hàng đầu tư vào giao thông. Bộ đã kiến nghị và Chính phủ đã từng bước bố trí vốn để trả nợ dần.
Tuy nhiên, còn nhiều doanh nghiệp trong ngành tham gia các dự án do địa phương làm chủ đầu tư, dùng vốn ngân sách địa phương bị nợ đọng nhiều. Có thời điểm lên tới 3.000 tỷ đồng.
Chúng tôi đã có công văn gửi Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh đề nghị có biện pháp trả nợ cho doanh nghiệp, đồng thời Bộ GTVT cũng có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đôn đốc các địa phương sớm trả nợ các doanh nghiệp giao thông, tạo điều kiện để họ đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình.
Đến nay, các địa phương đã giải quyết được phần lớn khối lượng hoàn thành các dự án nói trên.
* Xin cảm ơn Bộ trưởng.
"Trong các yếu tố kìm hãm tiến độ thực hiện dự án, thiếu mặt bằng thi công là trở ngại lớn nhất, gần như tất cả các dự án trọng điểm đều gặp vướng mắc về GPMB như: Dự án đường vành đai 3 (Hà Nội) đoạn Mai Dịch - Pháp Vân, gói thầu 3 dự án cầu Thanh Trì, QL32 đoạn Cầu Diễn - Nhổn, Dự án Nam sông Hậu,… Do chậm GPMB khiến dự án phải chịu thêm tác động của biến động giá VLXD, phá vỡ tổng mức đầu tư, tiến độ thực hiện dự án, dẫn tới việc chậm đưa công trình vào khai thác, ảnh hưởng xấu tới ATGT, môi trường và làm giảm hiệu quả đầu tư".
(Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng)
DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: