Top

Nhiều người dân Tp.HCM đồng loạt đòi trả “sổ đỏ”!

Cập nhật 17/05/2013 08:17

Trái ngược với hàng chục ngàn hộ dân vì nhu cầu bức xúc về chỗ ở đã bỏ qua quy định, nhắm mắt chuyển nhượng đất chưa có “sổ đỏ” hoặc tự xây cất nhà ở trên đất nông nghiệp, đất đang có dự án quy hoạch... đang ngày đêm mong ngóng được cấp sổ đỏ chính danh cho tài sản của mình, hàng trăm hộ dân tại Tp.HCM đang xếp hàng đòi trả lại “sổ đỏ” chỉ vì lý do: không có tiền để nộp!


Trong khi Cục Thuế Tp.HCM cho biết đang còn tồn đọng khoảng 4.500 hồ sơ chưa xác định nghĩa vụ tài chính nên chưa thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất thì nhiều người dân tại thành phố này đã rất “nhiệt tình” xin được trả lại... “sổ đỏ”.

“Hoảng hồn” vì tiền làm “sổ đỏ”!

Những ngày gần đây tại quận 8, Tp.HCM có vài trăm hộ dân lại yêu cầu được trả lại sổ đỏ cho chính quyền địa phương với lý do không có tiền để nộp khoản tiền sử dụng đất!

Ngay tại khu vực trung tâm thành phố là quận 3, theo một lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường quận này, hiện cũng còn đến 1.800 hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận cần phải bổ sung giấy tờ pháp lý để quận xem xét có đủ điều kiện để tiến hành cấp sổ hay không. Nhưng cũng chẳng được mấy người dân hợp tác.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo phản ánh của nhiều hộ dân là do khoản tiền sử dụng đất quá nặng; ở mức vài chục triệu đến cả tỷ đồng khiến người dân không thể kham nổi. Trong khi đó nhà, đất có sổ hay không được cấp sổ đỏ cũng chẳng ảnh hưởng do người dân không có nhu cầu mua bán, chỉ cần được ở ổn định trên căn nhà hiện hữu.

Ông Chín, một người dân đã sống ở quận 8 vài chục năm nay lo lắng cho hay, làm gần xong "sổ đỏ" mới té ngửa khi được thông báo phải nộp hơn tỷ bạc. Giờ chẳng biết lấy tiền đâu ra, lấy sổ về cũng chỉ để đem cất chứ chẳng biết làm gì... Sở dĩ, nhiều hộ dân ở quận 8 phải nộp khoản tiền lớn khi làm sổ đỏ là do có diện tích đất ở khá lớn. Trong khi hạn mức đất ở tại quận này lại chỉ có 160 m2, nên phần diện tích vượt hạn mức phải nộp gấp 2 lần giá đất do thành phố quy định nếu thuộc khu dân cư hiện hữu.

Ngược lại, khi phần đất vượt hạn mức nằm ngoài khu dân cư hiện hữu, chủ đất sẽ phải nộp đến 4 lần theo giá đất của thành phố.

Về hệ số để tính tiền sử dụng đất với phần diện tích vượt hạn mức theo sát giá thị trường (hệ số K), ông Huỳnh Văn Ba, một người dân ở quận Bình Tân thắc mắc: Bảng giá đất được thành phố ban hành hàng năm, nhưng giá đất thực tế áp dụng ở địa phương cao gấp 4 lần giá đất do thành phố quy định thì liệu có hợp lý?

Đồng quan điểm này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM cũng đã góp ý, bảng giá đất của Thành phố đã không ngừng tăng qua các năm, nên gánh nặng tiền sử dụng đất của người dân cũng tăng.

Với đa số người dân đã mua bán, sang nhượng đất trước đó theo giá thị trường, nay một lần nữa phải đóng tiền sử dụng đất theo giá thị trường cũng chẳng khác nào bắt người dân phải mua đất đến 2 lần.

Cần giải tỏa các vướng mắc về tiền sử dụng đất

Số liệu được Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM đưa ra mới đây cho thấy, trên địa bàn hiện vẫn còn đến 129.000 trường hợp nhà, đất chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận.

Rà soát với 49.000 trường hợp không đủ điều kiện cấp sổ đỏ tại 6/24 quận, huyện, Sở Sở Tài nguyên và Môi trường đã nhận thấy đều do các vướng mắc phổ biến như đất, nhà ở chuyển nhượng bằng giấy tay từ sau năm 2004-2006; nhà đất tạo lập sau thời điểm Luật Đất đai 1993 có hiệu lực nhưng không phù hợp quy hoạch.

Các trường hợp còn lại thuộc diện nhà đất tự chuyển mục đích sử dụng trên đất nông nghiệp không phù hợp quy hoạch; nhà, đất vi phạm xây dựng không được phép tồn tại; vướng mắc tại các dự án phát triển nhà ở do chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, xây sai thiết kế và quy hoạch được duyệt... Những trường hợp này hầu như đều thuộc trường hợp phải nộp 100% tiền sử dụng đất nếu được cấp sổ đỏ.

Vì vậy, để đảm bảo tiến độ cấp sổ đỏ trên địa bàn, đầu tháng 5 này chính quyền Thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện phải xem xét từng trường hợp cụ thể để giải quyết. Hướng xử lý được thành phố đưa ra là những hộ sử dụng đất trước ngày 1/7/2004 vướng quy hoạch, nhưng tại thời điểm xét cấp sổ đỏ chưa xác định được thời gian triển khai dự án thì được cấp sổ đỏ đất ở trong hạn mức; diện tích đất còn lại của thửa đất sẽ được xác định là đất nông nghiệp.

Với các trường hợp sử dụng đất nông nghiệp làm nhà ở cũng sẽ được xem xét, giải quyết theo hướng đất sử dụng trước ngày 1/7/2006 hiện đang sử dụng ổn định, không tranh chấp sẽ xét cấp sổ theo hiện trạng nếu phù hợp quy hoạch.

Về tiền sử dụng đất thành phố cũng tạo điều kiện hỗ trợ cho người dân bằng cách đối với nhà ở riêng lẻ khi được cấp sổ đỏ nhà, đất nếu các hộ dân chưa có điều kiện nộp tiền sử dụng đất thì ghi nợ tiền sử dụng đất trên sổ đỏ...

Như vậy, trong khả năng cho phép, Tp.HCM đã thực hiện tháo gỡ triệt để các vướng mắc nhằm hoàn thành việc cấp sổ đỏ trên địa bàn trong năm nay.

Nhưng ngay cả khi người cho phép ghi nợ tiền sử dụng đất, nhiều người dân vẫn sẽ không hợp tác trong việc cấp sổ đỏ do tiền sử dụng đất quá nặng. Chưa kể tình trạng khi được ghi nợ rồi còn lo bị các chi cục thuế tính lãi do chậm nộp. Vì vậy, để hoàn thành cấp sổ, trước hết, chính quyền Thành phố cần phải giải tỏa được vướng mắc về khoản tiền sử dụng đất với người dân.

* Hệ số K của Tp.HCM rất cao

Một lãnh đạo ngành tài nguyên và môi trường Tp.HCM cho biết, hiện chỉ có Tp.HCM là vướng tiền sử dụng đất vì quá cao. Các tỉnh, thành khác vẫn “chạy” êm vì hệ số K thấp. Ví dụ: tại Hà Nội cũng chỉ 1,5 lần trong khi Tp.HCM lại thu đến 4,5 lần. Do đó, kiến nghị hệ số K giảm là 2 vẫn cao hơn Hà Nội. Nên giảm xuống còn 1 - 1,5 lần để khuyến khích người dân chuyển mục đích, hợp thức hóa nhà đất.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)

DiaocOnline.vn - Theo VnEconomy