Top

Nhiều dự án đầu tư nước ngoài bị "tắc" do cơ sở hạ tầng?

Cập nhật 07/07/2009 15:15

Tại TP HCM, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản chiếm tỷ lệ cao với 792 dự án, tổng vốn đầu tư 7,2 tỷ USD. Ảnh: T.H.

Nhiều dự án đầu tư nước ngoài không được triển khai thực hiện vì nhiều nguyên nhân. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng kỹ thuật yếu và thiếu đồng bộ nên việc hấp thụ nguồn vốn đầu tư nước ngoài còn hạn chế…

Kể từ ngày nhà đầu tư nước ngoài được phép tham gia hoạt động đầu tư tại Việt Nam đến ngày 31/12/2008 số dự án còn hiệu lực là hơn 3.000 dự án (chiếm 87% tổng dự án đã đăng ký) với tổng vốn đầu tư đăng ký 25,604 tỷ USD. Dự án thực hiện được đạt 10,1 tỷ USD (gần 39,62% so với tổng vốn đầu tư đã đăng ký).

Nhiều dự án không được triển khai thực hiện vì nhiều nguyên nhân. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng kỹ thuật yếu và thiếu đồng bộ nên việc hấp thụ nguồn vốn đầu tư nước ngoài còn hạn chế…

Tại sao nhiều dự án đầu tư nước ngoài bị "tắc"?

Theo ông Lê Hoàng Quân - Chủ tịch UBND TP HCM thì qua hơn 20 năm, TP đã có 3.141 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư khoảng 25,68 tỷ USD. Riêng năm 2008, số vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 8 tỷ USD, cao hơn tổng vốn tính chung từ năm 2002 đến 2007.

Các dự án tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dịch vụ (chiếm 48,5%) và công nghiệp (chiếm 36,3%), còn lại là các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Đặc biệt, xu hướng những năm gần đây, đầu tư nước ngoài trên địa bàn TP tập trung vào các lĩnh vực: Giáo dục - đào tạo, y tế, công nghệ cao với quy mô đầu tư ngày càng lớn.

Ông Thái Văn Rê - Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư cũng cho biết, kể từ ngày 1/1/1988 nhà đầu tư nước ngoài được phép tham gia hoạt động đầu tư tại Việt Nam và tính đến ngày 31/12/2008 số dự án còn hiệu lực là 3.128 dự án (chiếm 87% tổng dự án đã đăng ký) với tổng vốn đầu tư đăng ký 25,604 tỷ USD.

Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản chiếm tỷ lệ cao với 792 dự án với tổng vốn đầu tư 7,2 tỷ USD và các ngành dịch vụ khác với 952 dự án với tổng vốn là 11 tỷ USD…

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, một số dự án trên địa bàn TP HCM của các nhà đầu tư nước ngoài không triển khai thực hiện được do nhiều nguyên nhân: Chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng quá cao do ảnh hưởng giá nhà đất trong những năm qua. Nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được nhu cầu. Môi trường đầu tư không còn thuận lợi, cơ hội có khả năng sinh lời không cao và thời gian thu hồi vốn không còn nhanh như trước nữa…

Cũng để tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp nước ngoài, ông Nguyễn Ngọc Anh - Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC) cho biết, từ năm 2000 - 2008, ITPC cũng đã tổ chức 62 cuộc họp tháo gỡ khó khăn trực tiếp cho doanh nghiệp với sự tham gia của 6.252 doanh nghiệp. Qua đó, ITPC cũng đã nhận và giải quyết 3.601 câu hỏi/vướng mắc của doanh nghiệp…

Cần sự cải cách đồng bộ

Trong giai đoạn 2008 - 2010, TP HCM tập trung ưu tiên phát triển các lĩnh vực gồm: Công nghiệp (cơ khí chế tạo, điện tử - viễn thông - tin học, công nghiệp hóa chất và dược phẩm công nghiệp chế biến tinh lương thực - thực phẩm có giá trị cao); dịch vụ (tài chính - tín dụng -ngân hàng - bảo hiểm, thương mại, vận tải kho bãi - dịch vụ cảng…) nông nghiệp và đô thị.

Nhìn lại quá trình đầu tư nước ngoài tại địa bàn TP HCM và để phát triển các lĩnh vực ưu tiên đạt được hiệu quả, ông Thái Văn Rê - Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư đưa ra kiến nghị: Tập trung đầu tư giải quyết các vấn đề về giao thông đô thị, cải cách thủ tục hành chính, đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động… cũng như kịp thời giải quyết các phát sinh, vướng mắc cho doanh nghiệp để tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho doanh nghiệp.

TP cũng cần nhanh chóng hoàn thành quy hoạch về đất đai, thống kê quỹ đất trống trên địa bàn TP với thông số cụ thể về hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, chỉ tiêu quy hoạch, hình thức đầu tư và các cơ chế ưu đãi khác…

Đồng thời tăng cường công tác quản lý sau cấp phép, công tác xúc tiến đầu tư, tập trung thu hút đầu tư đối với tập đoàn đa quốc gia cũng như có chính sách riêng đối với từng tập đoàn và mỗi nước thành viên EU, Hoa Kỳ. Khuyến khích đầu tư các dự án công trình phúc lợi như nhà ở, trường học, bệnh viện… Tích cực tạo quỹ nhà tái định cư để đẩy nhanh quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các dự án đã được cấp và sắp cấp phép đầu tư.

 

DiaOcOnline.vn - Theo Công An Nhân Dân