Từ ngày 15-8 tới đây, Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu chính thức có hiệu lực. Ông Lê Văn Tăng (ảnh), Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dành cho phóng viên Báo SGGP cuộc trao đổi về vấn đề này.
* Phóng viên: Thưa ông, trong số rất nhiều nội dung của luật, Nghị định 63 đã tập trung hướng dẫn việc lựa chọn nhà thầu. Ông có thể nói rõ hơn về những điểm mới trong công tác này?
* Ông LÊ VĂN TĂNG: Việc Chính phủ ban hành Nghị định 63 thay thế Nghị định 85/2009/NĐ-CP, Nghị định 68/2012/NĐ-CP, Quyết định 50/2012/QĐ-TTg trước đây, là rất cần thiết và kịp thời trong bối cảnh hiện nay, nhằm đảm bảo tính liên tục, thống nhất của hệ thống pháp luật về đấu thầu. Lựa chọn nhà thầu xưa nay vẫn ẩn chứa nhiều yếu tố nhạy cảm, có thể gây nguy cơ thất thoát, tham nhũng ngân sách nhà nước. Ước tính, mỗi năm, con số ngân sách nhà nước đầu tư vào các lĩnh vực không hề nhỏ, lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng.
Trong khi đó, cơ chế thực hiện giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động đấu thầu trước đây chưa được quy định cụ thể, chặt chẽ, dẫn đến chất lượng, hiệu quả thực hiện một số công việc chuẩn bị cho hoạt động đấu thầu chưa cao; vấn đề quản lý sau đấu thầu chưa được thực hiện thường xuyên và quan tâm đúng mức… Nghị định 63 gồm 15 chương với 130 điều, có rất nhiều điểm mới. Tôi cho rằng một điểm mới mà chắc hẳn các nhà thầu Việt Nam sẽ quan tâm là chính sách ưu đãi trong đấu thầu.
Để cụ thể hóa quy định các đối tượng được hưởng ưu đãi khi tham gia đấu thầu của Luật Đấu thầu năm 2013, Nghị định 63 đã quy định chi tiết về cách tính ưu đãi cho nhà thầu trong nước khi tham dự đấu thầu quốc tế và đấu thầu trong nước, ưu đãi cho hàng hóa trong nước. Với quy định mới, hàng hóa và nhà thầu trong nước sẽ được hưởng lợi thế hơn so với hàng hóa nhập khẩu và nhà thầu nước ngoài.
Bên cạnh đó, khi Nghị định 63 có hiệu lực, các gói thầu dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp và hỗn hợp khi tổ chức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế được áp dụng theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ; tức nhà thầu chuẩn bị hồ sơ đề xuất về kỹ thuật và hồ sơ đề xuất về tài chính riêng biệt, việc mở thầu sẽ được tiến hành 2 lần, lần thứ nhất mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật để đánh giá mà không bị ảnh hưởng bởi đề xuất tài chính của nhà thầu. Chỉ những hồ sơ đề xuất kỹ thuật vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật mới được mở hồ sơ đề xuất về tài chính để đánh giá.
Quy định này sẽ khắc phục tình trạng nhà thầu có hồ sơ dự thầu không đáp ứng đủ yêu cầu về kỹ thuật (kinh nghiệm, năng lực, chất lượng…) nhưng vẫn trúng thầu vì bỏ giá thấp dẫn đến chất lượng các công trình không đáp ứng được yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Một điểm nổi bật nữa của Nghị định 63 là hạn mức chỉ định thầu. Theo đó, hạn mức chỉ định thầu đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn có giá gói thầu không quá 500 triệu đồng, gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có giá gói thầu không quá 1 tỷ đồng thuộc dự án đầu tư phát triển (thấp hơn nhiều hạn mức chỉ định thầu tại Nghị định 85/2009/NĐ-CP).
* Như vậy, đây là quy định được thiết kế để hạn chế chỉ định thầu tràn lan?
* Đúng vậy. Qua tổng kết công tác đấu thầu giai đoạn 2009 - 2012, chúng tôi cho rằng quy định như vậy thì không những hạn chế được sự tùy tiện trong chỉ định thầu, mà còn khuyến khích được các nhà thầu tự nâng cao năng lực, kinh nghiệm, uy tín, tính cạnh tranh… Cụ thể, Nghị định 63 đã giảm hạn mức chỉ định thầu, đồng thời mở rộng hạn mức chào hàng cạnh tranh (gói thầu dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp đơn giản, thông dụng có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng) để giúp chủ đầu tư, bên mời thầu thuận lợi hơn trong việc áp dụng hình thức này, đồng thời góp phần đơn giản thủ tục hành chính, nâng cao tính cạnh tranh trong việc lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu thông dụng.
* Ông vừa nhắc đến phương thức “một giai đoạn hai túi hồ sơ”. Cách chuẩn bị hồ sơ thầu khác trước, vậy phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu có khác?
* Ngay trong Luật Đấu thầu năm 2013 đã bổ sung một số phương pháp mới trong đánh giá hồ sơ dự thầu so với Luật Đấu thầu năm 2005. Nghị định 63 cụ thể hóa các phương pháp đánh giá này, nêu rõ tiêu chuẩn đánh giá tương ứng với từng loại phương pháp đánh giá, để giúp chủ đầu tư, bên mời thầu có thêm các công cụ lựa chọn nhà thầu linh hoạt, hiệu quả hơn, phù hợp với tính chất, quy mô của từng gói thầu. Nghị định 63 cũng cụ thể hóa nhiều quy định mới của Luật Đấu thầu năm 2013 về mua sắm tập trung, đấu thầu qua mạng, bổ sung nhiều quy định mới để giảm thiểu thủ tục hành chính cho nhà thầu - doanh nghiệp, tăng tính trách nhiệm của các đối tượng được phân cấp trong đấu thầu…
* Ông có thể cho biết rõ về ý nghĩa, tác dụng của việc áp dụng hình thức mua sắm tập trung và đấu thầu qua mạng?
* Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị định 63 trình Chính phủ ban hành, chúng tôi đã tổ chức nhiều hội thảo để lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời, đúc kết kinh nghiệm của thực tiễn đấu thầu tại Việt Nam thời gian qua và tham khảo, học hỏi các kinh nghiệm tốt của quốc tế. Từ đó, các khâu trong quy trình lựa chọn nhà thầu đã được tính toán kỹ để đảm bảo tính khả thi và hạn chế tối đa các thủ tục không cần thiết, nhưng vẫn bảo đảm tính chính xác cũng như hiệu quả trong hoạt động lựa chọn nhà thầu.
Tôi cũng cho rằng việc thực hiện mua sắm tập trung tới đây sẽ làm tăng tính chuyên nghiệp trong hoạt động mua sắm, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian và chi phí tổ chức mua sắm, vừa giúp tiết kiệm cho ngân sách nhà nước, vừa làm tăng hiệu quả sử dụng vốn nhà nước trong mua sắm hàng hóa, dịch vụ. Việc áp dụng đấu thầu qua mạng sẽ tiết kiệm chi phí trong đấu thầu, tăng cường mục tiêu của công tác đấu thầu là cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
DiaOcOnline.vn - Theo SGGP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: