Trước tình trạng “đất chật, người đông”, các thành phố lớn ngày càng có nhiều dự án xây dựng chung cư giúp người dân “an cư lạc nghiệp”. Tuy nhiên, sự nhếch nhác ở không ít chung cư khiến người dân không mấy thỏa mái khi sống ở những tòa nhà chung này.
Khu đô thị mới Xa La (Hà Nội). Ảnh minh họa- H.Dịu
|
Nhếch nhác
Tại Khu đô thị mới Xa la (Hà Đông, Hà Nội), theo quan sát của phóng viên, do mới đi vào hoạt động từ năm 2011 nên các tòa nhà nhìn bên ngoài còn khá mới, cây xanh được chăm sóc gọn gàng. Tuy nhiên, chính vì mới nên nhiều chỗ vẫn còn xây dựng sửa chữa, cát đá, gạch vữa để tràn ra lòng đường và vỉa hè. Bên cạnh đó, vỉa hè tại một số tòa nhà khá nhếch nhác, gạch lát bị vỡ, trồi sụt, người dân còn tận dụng vỉa hè trống để bày la liệt thùng xốp trồng rau, trông rất mất mỹ quan.
Chị Trần T.D., trú tại tòa CT5 cho biết, vệ sinh tòa nhà cũng như khuôn viên xung quanh kém, tường gạch loang lổ, trời mưa nhiều là bị thấm và ẩm mốc, hành lang và cầu thang vừa bẩn vừa hôi.
Đến Khu đô thị mới Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội), nhìn bề ngoài, khu đô thị có khuôn viên xung quanh sạch đẹp với nhiều thảm cỏ, cây xanh mát mắt, trường học, nhà sinh hoạt đầy đủ. Nhưng vẫn còn một số nhà, PV quan sát thấy tường gạch bong tróc loang lổ, đường vào chung cư lồi lõm, khó đi…
Nói về thực trạng bên trong khu mình ở, anh Lê M.H., cư dân sống tại tòa CT7B cho biết, đi vào hoạt động từ năm 2007, đến nay thang máy của tòa nhà đã rất cũ, hay bị hỏng hóc, thế nhưng Ban Quản lý (BQL) tòa nhà rất chậm sửa chữa và thay thế. Về vấn đề vệ sinh, theo anh H., BQL chỉ thuê 1 người làm vệ sinh cho cả khu chung cư nên mọi chỗ đều bẩn, bể nước ngầm và bể tầng thượng mới đầu còn 6 tháng thau rửa 1 lần, đến bây giờ thì không thấy làm nữa nên ai nấy đều lo ngại nước không đủ vệ sinh.
Báo chí gần đây đã lên tiếng nhiều về những sự cố tại các chung cư, có thể thấy vấn đề của 2 khu đô thị trên vẫn còn “kém xa” những gì mà cư dân ở khu đô thị Đại Thanh (Thanh Trì, Hà Nội) gặp phải với tình trạng mất nước kéo dài đã 3 tháng (đến nay vẫn chưa có phương án giải quyết rõ ràng). Hay mới đây, ngày 30-6, tại khu nhà tái định cư N5A (Thanh Xuân, Hà Nội), bảo vệ tại khu nhà là ông Trần Huy Tuấn đã bước hụt vào thang máy và rơi từ tầng 7 xuống đất, tử vong…
Quản lý cần chuyên nghiệp
Trước thực tế như trên, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, hiện nay việc đánh giá về chất lượng chung cư vẫn còn nhiều lúng túng, chưa tìm ra được những yếu tố chuẩn, cơ bản để xác định chung cư đạt chất lượng, đây là vướng mắc của cả người tiêu dùng, nhà đầu tư và dư luận xã hội.
Một trong những nhược điểm của chung cư nước ta là chất lượng các công trình tiện ích, công trình công cộng như: chỗ để xe, vườn hoa, cây xanh, nhà sinh hoạt cộng đồng, siêu thị, trường học…
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Thành, hiện phần lớn chung cư vẫn còn thiếu các công trình này, hoặc không cân đối làm nảy sinh nhiều bất cập, gây mẫu thuẫn trong khối cộng đồng dân cư. Đây là vấn đề đang bị phê phán rất nhiều, khi mà người dân mua chung cư thấy được bản thiết kế rất đẹp, rất “hoành tráng” nhưng sự thực khi đi vào sử dụng lại không được như vậy.
Điểm yếu nhất của chất lượng chung cư, vị chuyên gia này cho rằng đó là chất lượng dịch vụ và quản lý vận hành, nhiều quy định được các BQL tòa nhà đưa ra rất khiên cưỡng, BQL chưa làm hết trách nhiệm trong việc vận hành hay ứng xử với người dân.
Về vấn đề quản lý và vận hành, ông Nguyễn Ngọc Thành kêu gọi chủ đầu tư phải nâng cao trách nhiệm khi lập dự án đầu tư, đừng tiết kiệm quá thì sau này đi vào khai thác sử dụng mới bộc lộ những khiếm khuyết. Vấn đề này còn đòi hỏi người thẩm tra, thẩm duyệt dự án cũng phải luôn chú ý đến những công trình tiện ích, hệ thống vận hành để đặt bút ký phê duyệt.
Đặc biệt, BQL mỗi tòa nhà cần phải nâng cao tính chuyên nghiệp, phải được đào tạo về kỹ thuật, kỹ năng chuyên môn để vận hành chung cư một cách “trơn tru”, đáp ứng được yêu cầu của cư dân.
DiaOcOnline.vn - Theo Hải Quan
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: