Top

Nhà trái phép trước 1-5: Đập tha chưa rõ

Cập nhật 22/08/2009 08:05

Huyện Bình Chánh lo ngại dân sẽ so bì vì xây trái phép cùng thời điểm nhưng có nhà đã bị đập, còn nhà chưa kịp đập thì được tạm tồn tại.

“Việc ban hành Thông tư 24 hướng dẫn Nghị định 23/2009 về xử phạt vi phạm trong xây dựng khiến người dân rất phấn khởi mà anh em thanh tra xây dựng (TTXD) cũng rất mừng. Tuy nhiên, nhiều vấn đề cần phải làm rõ thêm để địa phương thực hiện”. Chánh TTXD quận 4 Ngô Anh Phát nhận xét như trên trong buổi giao ban với Sở Xây dựng TP.HCM triển khai việc thực hiện Thông tư 24 vào ngày 21-8.

Tha thế nào phải rõ hơn nữa

Sở Xây dựng đề nghị các quận, huyện có nhiều ý kiến về Điều 15 của Thông tư 24 quy định cách xử lý với những trường hợp vi phạm trước ngày 1-5-2009 (ngày Nghị định 23 có hiệu lực). Theo khoản 2 điều này, công trình vi phạm không nằm trong quy hoạch khu dân cư nhưng quy hoạch chưa thực hiện ngay thì được tạm tồn tại nhưng yêu cầu chủ đầu tư cam kết tự phá dỡ và không được bồi thường khi thực hiện quy hoạch.

Huyện Bình Chánh cho biết huyện có một số điểm nóng về xây nhà không phép, kể cả trong khu vực không phù hợp quy hoạch và chỉ đạo của huyện là hằng tháng phải có kế hoạch phá dỡ các công trình này. “Nay thông tư cho tạm tồn tại, không phá dỡ nữa thì sẽ xảy ra khiếu nại giữa những nhà đã bị phá dỡ với những nhà chưa kịp thực hiện dù xây dựng cùng một thời điểm” - vị này lo ngại.

TTXD quận 4 cũng đề nghị có hướng dẫn thêm về trình tự, thủ tục lẫn hội đồng xét giải quyết các trường hợp này như Thông tư 24 nêu.

Quận Phú Nhuận thắc mắc về quy định tha những trường hợp xây sai số tầng trước ngày 1-5. “Giả sử khu vực đó chỉ được xây năm tầng, giấy phép chỉ xin ba tầng mà xây sáu tầng. Hợp lý là chỉ được tồn tại năm tầng nhưng thông tư không nói rõ, nếu người dân đòi cho tồn tại hết hiện trạng thì sao?” - quận Phú Nhuận phản ánh.

Thoáng quá, coi chừng bị... lợi dụng

Chánh TTXD quận 12 Lê Tấn Tài đề nghị làm rõ quy định không phạt nhà xây sai vị trí hoặc thay đổi diện tích trong giấy phép miễn nằm trong diện tích đất sử dụng hợp pháp của chủ nhà, không bị ai khiếu nại, không lấn chiếm. “Giả sử một căn nhà nào đó xin xây bên phải, sau đó chuyển qua trái, theo quy định này là không phạt. Sau đó, người đó lại xây tiếp bên phải, y như trong giấy phép xây dựng thì giải quyết ra sao?” - ông Tài hỏi.

Ngoài ra, quy định này cũng không nói rõ quyền sử dụng đất hợp pháp là thế nào. “Nếu chủ nhà dời vị trí công trình qua bên phần đất nông nghiệp vẫn thuộc chủ quyền hợp pháp của họ, vịn vào điều này, họ sẽ cãi tới số nếu bị phạt” - ông Tài lo ngại.

Lấn cấn xử phạt công trình gây sự cố

Theo Thông tư 24, nếu phát hiện hoặc có khiếu nại về hành vi làm lún, nứt hoặc gây nguy cơ sụp đổ công trình lân cận thì người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm và yêu cầu ngừng thi công. “Nếu nhà lân cận có nguy cơ sụp đổ hoặc những sự cố quan sát bằng mắt thường là do thi công thì dễ cho TTXD rồi. Nhưng trường hợp công trình đang thi công khẳng định không phải là do lỗi của họ, hoặc nhà lân cận chỉ mới có dấu hiệu bị ảnh hưởng thì giải quyết sao?” - ông Phát hỏi.

Ông Phát dẫn chứng ở quận 4 đã xảy ra trường hợp khi thi công đại lộ Đông Tây, có một số nhà bị lún nứt nên báo quận. Thế nhưng cả đội ngũ kỹ thuật của dự án này khẳng định việc lún nứt đó không phải do thi công dự án này gây ra. Thế là mọi chuyện tắc.

Đại diện TTXD quận 3 cũng băn khoăn tương tự. Theo vị này, TTXD không phải là đơn vị kiểm định. Mới phát hiện có vết nứt và có khiếu nại mà lập biên bản vi phạm, yêu cầu ngừng thi công ngay trong khi chưa xác định được bên thi công có lỗi hay không thì chưa ổn. “Chưa kể là có những người lợi dụng luật để đòi hỏi quá đáng trong khi nhà họ đã cũ, xuống cấp chứ không hẳn là do công trình thi công gây ra” - vị này nói.

Vi phạm lần đầu cũng phạt?

Thông tư 24 quy định khi phát hiện hành vi vi phạm trật tự xây dựng thì người có thẩm quyền phải kịp thời lập biên bản vi phạm (căn cứ để ra quyết định xử phạt) và ngừng thi công. “Trước nay, quận 4 chỉ buộc ngừng thi công trong lần đầu phát hiện vi phạm mà không lập biên bản vi phạm. Nếu họ vẫn tái phạm thì mới lập biên bản vi phạm” - ông Phát cho biết.

Chánh thanh tra Sở Xây dựng Hồ Thị Kim Loan đề nghị các quận, huyện cùng thống nhất thực hiện như quận 4.

Tuy nhiên, ông Tài cho rằng nếu giải quyết như vậy sẽ rất khó cho địa phương vì Nghị định 23 và Thông tư 24 đã quy định rõ ngay lần đầu vi phạm cũng phải vừa lập biên bản vi phạm vừa ngừng thi công. “Mà đã lập biên bản vi phạm thì phải ra quyết định xử phạt. Nếu không, khi thanh tra hỏi, chúng tôi không biết giải thích ra sao. Mức tiền phạt vi phạm hiện nay rất cao càng khiến chúng tôi bị hiểu lầm” - ông Tài lập luận.

Kết thúc buổi họp, vấn đề này vẫn chưa được chính thức gút lại.

Đại diện Sở Xây dựng cho biết hiện đã có dự thảo về trình tự, thủ tục kiểm tra, xử phạt trong xây dựng và dự thảo văn bản triển khai thực hiện riêng Điều 15 về xử lý những trường hợp sai phép, không phép trước ngày 1-5-2009. Sở đề nghị các quận, huyện tiếp tục đóng góp ý kiến gửi về Sở trước ngày 30-8 để Sở tổng hợp và trình TP xem xét trước khi Thông tư 24 có hiệu lực từ ngày 9-9 tới đây.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP