Tên doanh nghiệp nội trở thành hiếm hoi trong danh sách đảm nhận các dự án khủng. Nhà thầu trong nước bị định vị yếu thế trên chính sân nhà và có nỗi khổ riêng ít ai thấu hiểu.
Năm 2006, tòa nhà cao nhất Hà Nội 34T Trung Hòa Nhân Chính do Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex), một công ty trong nước, triển khai. Vài năm sau, Hà Nội chuẩn bị mọc lên hàng loạt công trình chọc trời như dự án ứng cử công trình cao nhất Việt Nam Lotus, Tổ hợp công trình Vietinbank Tower nhưng chủ yếu do các nhà thầu ngoại đảm nhiệm. Tên nhà thầu nội trở nên hiếm hoi trong bảng danh sách đưa ra.
Trong lĩnh vực xây dựng, các chuyên gia nhận định, nhà thầu nội có nguy cơ thua trên sân nhà và có nỗi khổ riêng ít ai biết đến. Một trong những vấn đề lớn nhất mà nhà thầu phụ phải đối mặt là bị o ép giá. Ông Nguyễn Thanh Sử, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Khang Thông, (chủ đầu tư dự án Happyland) chia sẻ với phóng viên, chủ đầu tư trả khoản tiền kếch xù cho các tổng thầu là các đơn vị nước ngoài song họ chi cho nhà thầu phụ rất ít. Thêm vào đó, chính các nhà thầu phụ lại cạnh tranh với nhau, sẵn sàng chấp nhận giá thấp để được dự án.
Giám đốc của một công ty xây dựng tâm sự, theo quy định của Luật Đấu thầu, giá bỏ thầu của doanh nghiệp trúng thầu là giá thấp nhất và không cao hơn dự toán đã được chủ đầu tư phê duyệt. Để thắng thầu công ty ông đã phải "bấm bụng" bỏ giá thấp nhất trong số các đơn vị bỏ thầu song niềm vui chưa được bao lâu thì đối mặt với cơn bão giá vật liệu xây dựng.
Trong khi chi phí nguyên vật liệu của công trình chiếm 40-70% tổng dự toán, cả công ty ông đã phải chạy vạy khắp nơi để vay vốn ngân hàng và chịu gánh nặng lãi suất hơn một năm trời. Cố đeo bám hoàn thành đúng tiến độ nhưng cuối cùng công ty ông đã gần như không có lãi sau khi bàn giao hạng mục công trinh.
"Chúng tôi vẫn may mắn vì còn hòa được vốn. Nhiều nhà thầu bị lỗ nặng không thể tiếp tục thi công đành chấp nhận bị phạt", vị giám đốc chia sẻ.
Tòa nhà 34T Trung Hòa Nhân Chính xếp vào hạng cao nhất Hà Nội vào năm 2006 do Vinaconex thi công. Ảnh: Hoàng Hà. |
Bỏ thầu giá thấp, doanh nghiệp nội lại có nguy cơ bị phạt nặng khi vi phạm các điều khoản trong hợp đồng nên đồng lãi chẳng đáng bao nhiêu. Tâm lý người Việt vốn không quen kiện tụng nên thường chịu nhiều thiệt thòi trong quá trình triển khai dự án. Hợp đồng do các đối tác ngoại soạn thảo thường có các điều khoản rất chặt chẽ, tính hiệu lực cao. Nếu có các sai phạm, dù là rất nhỏ, chế tài của nhà thầu ngoại đưa ra sẽ rất nặng. Ngược lại, các nhà thầu nội thường linh động bỏ qua các lỗi nhỏ của nhà thầu ngoại vì không muốn thưa kiện.
"Nhà thầu Việt Nam rất du di các điều khoản và họ chủ yếu sử dụng phương pháp hòa giải. Ngược lại, khi có mâu thuẫn, nhà thầu ngoại căn cứ vào hợp đồng phạt nhà thầu trong nước rất nặng", ông Sử nói.
Ông Đỗ Công Hiển, Giám đốc ban xây dựng Tổng công ty cổ phần Vinaconex, bổ sung, nhân công lao động theo mùa vụ cũng là một trong những khó khăn đáng kể. Vào đợt mùa, lao động lại bỏ về quê làm ruộng bỏ mặc công trường loay hoay tìm người thay thế là thực tế nhiều dự án gặp phải. Dù biết đó là cách làm việc không chuyên nghiệp song các doanh nghiệp cũng đành "ngậm ngùi" vì thực tế công nhân của Việt Nam số đông xuất thân từ nhiều làng quê.
Thêm vào đó, các nhà thầu nội đang đối mặt với việc công nghệ chưa bắt kịp nước ngoài. Ông Hiển đưa ra minh họa, một số công ty lớn uy tín trong lĩnh vực xây dựng có thế mạnh về công nghệ nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với máy móc của nước ngoài. Thậm chí, chủ đầu tư có cả công ty chuyên về quản lý dự án, thiết bị sử dụng hệ thống trượt khung, trượt lõi và các đầu lắp ráp hiện đại vẫn chưa thể đạt tiến độ thi công 4-5 ngày một sàn như công trình Keangnam.
Ông Vũ Gia Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội nhà thầu Việt Nam thẳng thắn nhìn nhận thực tế ở Việt Nam chưa có nhà thầu nào nổi hẳn lên xứng đáng làm kim mũi nhọn mặc dù lĩnh vực xây dựng của Việt Nam không kém. Nguyên nhân sâu xa, theo ông Quỳnh, là chính sách trong nước chưa hỗ trợ doanh nghiệp nội và họ khó có cơ hội vươn lên. Ông Quỳnh đưa ra minh họa, trong khi nhiều quốc gia có chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp nội với quy định bất cứ doanh nghiệp ngoại nào thắng thầu đều phải sử dụng nguyên vật liệu, nhân công của quốc gia đó thì Việt Nam lại chưa làm được.
Không có chính sách bảo hộ, nếu các dự án xây dựng thuộc về tay các nhà thầu Trung Quốc thì cơ hội làm thầu phụ cũng tuột khỏi tay các nhà thầu Việt bởi nước bạn đi đến đâu đều mang nhân công của mình đến đó. Cùng với chiến thuật "xuất khẩu công nhân thông qua xuất khẩu xây dựng", nửa triệu số công nhân của nước láng giềng này đang nằm rải rác ở các quốc gia. Trong đó, lao động Trung Quốc chiếm tỷ lệ không nhỏ ở Việt Nam. "Khi đó, cơ hội làm thầu phụ Việt Nam cũng không còn", ông Quỳnh lo ngại.
Một thực tế là cho dù nhiều dự án do các nhà thầu ngoại thiết kế thì đơn vị thi công vẫn là người Việt Nam đảm nhiệm. Ông Hiển cho rằng, đây chính là cơ hội để các nhà thầu nội nỗ lực vươn lên dành quyền chủ động trên sân nhà. Thực tế nhiều doanh nghiệp đã rút ngắn khoảng cách giữa nhà thầu nội và ngoại. Cụ thể, ông Hiền dẫn chứng, phía công ty ông và Tập đoàn Posco (Hàn Quốc) đang phối hợp thực hiện dự án ở Bắc An Khánh. Nếu so sánh về chất lượng, tiến độ thi công hai bên đều như nhau.
Trước đây với công nghệ cũ, Vinaconex chỉ thi công được các tòa nhà khoảng 40 tầng nay công ty này đang tiếp thu công nghệ mới của Hàn Quốc và có thể triển khai những công trình không giới hạn chiều cao. "Trước mắt Vinaconex sẽ triển khai xây dựng công trình hơn 70 tầng ở Bắc An Khánh, và sắp tới sẽ là tòa nhà cao hơn nữa", ông Hiển tiết lộ.
Tuy nhiên, theo ông Hiển, không nên quá câu nệ về chuyện nhà thầu nội và ngoại. "Điều quan trọng là sản xuất ra cái gì và chất lượng ra sao chứ không phải mác nội hay ngoại gắn vào dự án", ông Hiển nhận định.
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: