Top

Nhà ở xã hội: Tiếp tục mở rộng cửa

Cập nhật 23/10/2014 10:38

 Với nhiều đổi mới mang tính chiến lược, Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 07/2013/TT-BXD và Thông tư số 18/2013/TT-BXD về hướng dẫn việc xác định các đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/ 01/2013 của Chính phủ sẽ tạo bước đột phá.


Hỗ trợ vay vốn

Sau hơn một năm đi vào cuộc sống, Nghị quyết 02/NQ-CP đã góp phần tháo gỡ khó khăn, giải quyết được phần lớn về nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp tại nhiều địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, để đại đa số người nghèo, người thu nhập thấp được hưởng lợi, cần phải sửa đổi một số tiêu chí.

Dự thảo đã mở rộng thêm về đối tượng cho vay. Theo đó, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và đối tượng thu nhập thấp vay vốn để thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đ/m2; cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động thu nhập thấp nhưng khó khăn về nhà ở, khi mua nhà ở thương mại tại các dự án phát triển nhà ở có tổng giá trị hợp đồng mua bán (kể cả nhà và đất) không vượt quá 1,05 tỷ đồng; cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động tại đô thị đã có đất ở phù hợp với quy hoạch đang khó khăn về nhà ở nhưng chưa được Nhà nước hỗ trợ dưới mọi hình thức, vay vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình.

Việc nới lỏng các điều kiện cho vay, cụ thể là điều kiện được vay vốn để mua nhà ở thương mại có tổng giá trị hợp đồng mua bán (kể cả nhà và đất) không vượt quá 1,05 tỷ đồng đã được đông đảo dư luận hưởng ứng và quan tâm.

Mở rộng đối tượng

Theo dự thảo sửa đổi lần này, để thuộc đối tượng được vay số vốn trên, đối tượng được vay vốn phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện như: Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, hoặc có nhà ở nhưng diện tích quá chật chội; phải có hộ khẩu thường trú tại tỉnh, thành nơi có dự án nhà ở. Trường hợp tạm trú thì phải có đóng bảo hiểm xã hội từ 1 năm trở lên tại tỉnh, thành đó (có thể không liên tục) và có giấy xác nhận của cơ quan bảo hiểm. Trường hợp đối tượng làm việc tại chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại địa phương nơi có dự án mà việc đóng bảo hiểm thực hiện tại địa phương nơi Cty có chi nhánh hoặc văn phòng đại diện thì cũng được áp dụng nhưng phải có giấy xác nhận của Cty về việc đóng bảo hiểm…

Ông Trịnh Trường Sơn - Trưởng phòng Phát triển nhà, Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, căn cứ vào Nghị quyết 02/NQ-CP và Nghị quyết 61/NQ-CP về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện một số điều cho phù hợp. Trong đó, phía Ngân hàng Nhà nước sẽ nới các điều kiện cho vay về mặt tín dụng còn Bộ Xây dựng sẽ mở rộng hơn về các đối tượng được hỗ trợ ưu đãi. Đây là một thay đổi mang tính chiến lược, góp phần hoàn thiện, đưa Nghị quyết 02 mà cụ thể là chương trình nhà ở xã hội đến gần hơn với người thu nhập thấp thực sự có khó khăn về nhà ở. Trong Luật Nhà ở dự kiến sẽ được trình Quốc hội lần này cũng có cả một chương riêng về phát triển nhà ở xã hội, trong đó quy định rõ các chính sách hỗ trợ đối với những người có khó khăn về nhà ở và quy định cụ thể các đối tượng được hỗ trợ… Do vậy, dự thảo cũng một phần nhằm cụ thể hóa tính thống nhất giữa các Nghị quyết, Luật và Thông tư.

Với trách nhiệm là cơ quan của Chính phủ phụ trách về lĩnh vực phát triển nhà ở, cùng với Luật Nhà ở, các dự thảo bổ sung sửa đổi, Bộ Xây dựng đang từng bước tháo gỡ khó khăn, giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp, người có khó khăn về nhà ở trên cả nước.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng