Những khoản nợ xấu đang đè nặng các ngân hàng Việt Nam hay những ngôi nhà bị bỏ hoang tại Hà Nội là dấu hiệu của một nền kinh tế “ốm”. Nhưng với nhà đầu tư nước ngoài đó lại là một cơ hội, nếu khuôn khổ pháp lý rõ ràng.
Đây là nhận định của phóng viên Chris Brummitt của hãng tin Mỹ AP trong bài phân tích về nợ xấu tại Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, cùng những mong muốn được tạo điều kiện để tham gia mua bán nợ của họ.
Các dự án BĐS bỏ hoang rất có thể lại hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài. |
Tác giả bài báo đã phỏng vấn ông Neil Hagan, một chuyên gia xử lý nợ người Mỹ, người đang muốn mở một công ty xử lý nợ tại Việt Nam để đại diện cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ông khẳng định hàng tuần mình vẫn nhận được những cuộc gọi từ các quỹ đầu cơ tại Singapore và Hồng Kông, đề nghị cho biết liệu đã đến lúc mua nợ tại Việt Nam.
Nhưng đến nay Hagan vẫn khuyên họ chờ đợi. “Họ nhìn thấy cơ hội nhưng họ không thể tham gia”, Neil Hagan, người từng xử lý nợ cho ngân hàng Lehman Brother's và các tổ chức khác tại châu Á sau khủng hoảng tài chính 1998 cho biết. Các nhà đầu tư nước ngoài khi đó đã mua hàng tỷ USD tài sản xấu.
Hagan dự báo rằng, cho đến cuối năm nay một vài thương vụ nhỏ hoặc “tình huống kích thích” có thể xảy ra. Ông điểm danh một số quỹ đầu tư tư nhân lớn như Lone Star hay Fortress có thể sẽ là người mua. Các nhà kinh tế và đại diện ngân hàng đầu tư khác thì ít tin tưởng hơn, do còn muốn chính phủ Việt Nam có những thay đổi đáng kể về luật pháp để cho phép việc này diễn ra một cách suôn sẻ.
Các ngân hàng Việt Nam đã cho vay ra hàng tỷ USD cuối những năm 2000 giữa lúc chính phủ tìm cách kích thích kinh tế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu giảm tốc. Rất nhiều trong số vốn tín dụng này được cho vay các công ty quốc doanh, những người đem vốn đầu tư vào bất động sản (BĐS)
Nhưng nay, khi giá BĐS lao dốc còn kinh tế tăng trưởng chậm nhất hơn 10 năm, các công ty và cá nhân từng vay vốn không thể trả nợ. Nợ xấu khiến không ít ngân hàng nhỏ có nguy cơ phá sản, trong khi khiến các ngân hàng khác hạn chế cho vay. Hệ quả là nền kinh tế càng bị kìm hãm.
Bán một gói các khoản nợ xấu cho các nhà đầu tư nước ngoài là một cách để loại chúng khỏi sổ sách các ngân hàng. Thông thường, nhà đầu tư sẽ mua lại các khoản nợ cùng với tài sản bảo đảm của chúng ở một mức giá thấp hơn đáng kể mệnh giá.
Họ kỳ vọng kiếm lời bằng cách khiến tài sản đảm bảo tăng giá, hoặc chi tiền để “làm đẹp” cho tài sản trước khi bán, hoặc tìm kiếm doanh thu từ tài sản đó. Nhà đầu tư sẽ dùng các công ty xử lý nợ để thực hiện việc này.
Các ngân hàng vẫn muốn găm giữ nợ xấu
Nhưng để công việc này có thể được thực hiện, chính phủ trước hết cần phải buộc các ngân hàng bán nợ xấu. Muốn việc này thực hiện được tại Việt Nam cũng đồng nghĩa với việc khiến chủ tịch và cổ đông của các ngân hàng chấp nhận thua lỗ, cũng như chính phủ phải đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước. Việc tịch biên hàng nghìn căn nhà hoặc doanh nghiệp nhỏ cũng là một nhiệm vụ khó khăn về mặt chính trị.
“Cho dù họ có đi theo hướng nào, cũng sẽ không có giải pháp dễ dàng”, Gareth Leader, chuyên gia về châu Á của công ty Capital Economics có trụ sở tại London nhận định. “Nhưng chừng nào bạn chưa khiến các ngân hàng cho vay trở lại, nền kinh tế sẽ khó lòng tăng tốc”.
Nhiều nhà quan sát cho rằng chính phủ có vẻ đang hy vọng kinh tế toàn cầu phục hồi sẽ khiến giá tài sản tại Việt Nam đi lên. Còn trong lúc này, các ngân hàng có thể che giấu số lượng nợ xấu trên sổ sách, một chiến lược được gọi là “giả bộ và gia hạn”.
Hồi tháng 5, Việt Nam đã thành lập một công ty quản lý tài sản để mua nợ xấu từ các ngân hàng, nhưng vẫn có những hoài nghi về hiệu quả của công ty này. Công ty có số vốn 23 triệu USD. Theo các nhà phân tích các công ty này nên cân nhắc việc bắt tay với một đối tác nước ngoài để bù đắp số vốn thiếu hụt
“Một quỹ đầu cơ của Mỹ có thể chi số tiền bằng toàn bộ công ty quản lý tài sản Việt Nam”, John Sheehan, chuyên gia về nợ xấu tại Capital Services Group, người vừa có chuyến đi tới Việt Nam để gặp gỡ các ngân hàng cho biết. “Nếu họ đưa ra những hạ tầng cần thiết, sẽ có nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng nhập cuộc. Họ làm việc này càng sớm, tình hình sẽ càng sớm tiến triển”.
Hiện có rất nhiều trở ngại cho các nhà đầu tư mua bán nợ xấu: Nhiều con nợ xấu nhất là các công ty nhà nước, do đó việc thu nợ từ những công ty này là đặc biệt khó, nếu không muốn nói là bất khả thi. Lãnh đạo của các công ty đó có thể bị khởi tố hình sự nếu bán tài sản với giá rẻ bởi việc đó “gây tổn thất cho nhà nước”. Người nước ngoài lại không được phép sở hữu BĐS hay tài sản cầm cố.
David Harrison, một luật sư của Mayer Brown tại Việt Nam nhận định, có vẻ chính phủ sẽ sửa đổi luật để cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua tài sản gắn với các khoản nợ, có lẽ là với sự kết hợp cùng công ty quản lý tài sản.
DiaOcOnline.vn - Theo AP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: