Top

Nhà đất “nhảy dù” có được công nhận không?

Cập nhật 14/11/2014 10:35

Vấn đề sở hữu liên quan đất đai trong Bộ Luật dân sự sửa đổi được Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội và nhiều đại biểu quan tâm thảo luận hôm nay, trong đó có câu chuyện lấn chiếm đất đai diễn ra khá phổ biến thời gian qua.

Bí thư Thành Ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị. Ảnh: Như Ý

Đề cập vấn đề lấn chiếm đất đai ở ngay Thủ đô, Bí Thư Phạm Quang Nghị cho biết, có 3 vấn đề khá phức tạp nổi lên, đang chờ lời giải.

Trường hợp thứ nhất, nhà nhảy dù mặc nhiên được công nhận như nhà chính chủ. Đó là những nhà đất lấn chiếm đất công.

“Cho dù họ không có tranh chấp với ai, nhưng nhà đấy, đất đấy lại là từ việc chiếm của nhà nước, thuộc sở hữu toàn dân. Nếu bây giờ cho tất cả những người nhảy dù được sổ đỏ như mặc nhiên cái quyền họ được hưởng, như đất thổ cư, đất ông bà để lại, thì tôi cho rằng là không hợp lý” - Bí thư Phạm Quang Nghị cho biết.

Những trường hợp nhảy dù như vậy, theo Bí thư Thành Ủy Hà Nội, ở Thủ đô rất nhiều. Ban đầu cứ liều nhảy vào chiếm đất, rồi ở, rồi cắt ra bán, hưởng lợi rất lớn. Họ chỉ cần không tranh chấp với ai, nhưng thực tế đó là đất của nhà nước. Khi đền bù lại phải thực hiện ngang với giá đền bù đất tổ tiên ông bà. Việc đó, vô hình chung lại thừa nhận quyền cho những người chiếm đất bất hợp pháp.

Trường hợp thứ hai là mua bán nhà ngay trên đất lấn chiếm, tức là tài sản không được pháp luật thừa nhận hợp pháp. Ví dụ quy hoạch công viên Đống Đa, vốn trước đây là bãi rác Thành Công, giờ bị lấn chiếm, xây thành nhà ở hết.

Những người đến đầu tiên chỉ là người nhặt rác. Cứ nhặt mãi, không thấy ai quản lý thì dựng lều tạm trên đất mà nhà nước quy hoạch, bỏ hoang mãi. Rồi từ lều tạm thành nhà Phibrô xi măng, thành nhà kiên cố. Nhà xây bất hợp pháp vì nhà nước quản lý chưa tốt, sau này, người này bán cho người kia. Đó là nhà vi phạm trên đất đã quy hoạch công viên mà không biết bao giờ nhà nước mới làm.

“Việc bán là ngay tình, chính chủ, hợp lệ, tiền trao cháo múc. Nhưng sau này làm công viên Đống Đa, Hà Nội sẽ phải đền không biết bao nhiêu tiền. Mà không đền thì dân không chịu đi, nói là ứng xử với dân thế này thế khác. Những trường hợp mua bán ngay tình nhưng không hợp pháp như thế, phải xử thế nào?” - Ông Phạm Quang Nghị nêu vấn đề.

Trường hợp thứ ba là cư dân phía ngoài đê sông Hồng. Theo quy hoạch và Luật đê điều không cho phép xây nhà, nhưng con đê xây sau này, có sau dân chứ không phải có trước.

Khi xây đê sông Hồng, các làng Tứ Liên, Yên Phụ đã tồn tại rồi. Đê xây sau, ngăn đôi làng thành dân trong và ngoài đê. Trong đê được xây theo luật xây dựng, ngoài đê thì mình nói theo luật đê điều không cho xây.

Không cho xây mới thì còn hiểu được. Nhưng những nhà đã xây rồi lại nói chuyện trong đê, ngoài đê, rồi người dân có nhu cầu sinh con cái, nhu cầu sửa chữa cơi nới để có chỗ ở.

“Vì dân, vì những nhu cầu thiết yếu và tối thiểu của dân mà giờ Hà Nội đang thực hiện theo kiểu làm ngơ. Hoặc làm giấy cam kết xây nhưng sau này phá thì không đền bù. Tức là chấp nhận việc lách luật” - Bí thư Phạm Quang Nghị nói.

Rồi ông đưa ra một ví dụ để so sánh: Công trình nhà tiếp dân của Quốc hội đang xây dở ngoài đó, bao năm nay phải để chơ vơ, không dám hoàn thiện vì Quốc hội thì không thể lách luật.

“Tức là người làm nghiêm theo luật không dám làm gì cả, còn người khác thì ứng phó, vẫn cứ xây. Mà thời hạn cho linh hoạt không phải một vài tháng, một vài năm mà cho lâu dài. Giờ nếu phá dỡ cũng thiệt hại cho dân chứ...” – Ông Nghị chia sẻ.

Theo Bí thư Phạm Quang Nghị, những sự vướng mắc của Hà Nội như thế, đều liên quan nhà đất, đến quyền lợi của người dân, của nhà nước. Vì vậy, việc sửa đổi Bộ luật Dân sự phải xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, cần tính tới những trường hợp cụ thể. Luật phải giải được những bài toán đó, vì nhà đất đó đều là tài sản, có khi mỗi ngôi nhà, mỗi tài sản trị giá hàng triệu đô la.


DiaOcOnline.vn - Theo Tiền phong