Top

Nhà đất cuối năm: Quản lý lạc quan, doanh nghiệp thấp thỏm

Cập nhật 05/11/2010 15:30

Những dự báo về viễn cảnh của thị trường bất động sản cuối năm nay của giới đầu tư, doanh nghiệp bất động sản lại có phần trái ngược với những gì các nhà quản lý đưa ra.

Thực tế đó phần nào cho thấy, việc tung tiền, rút vốn hay ngồi yên nghe ngóng của giới kinh doanh địa ốc vẫn luôn là những động thái được cân nhắc kỹ lưỡng, cho dù những thông điệp đưa ra luôn có vẻ ủng hộ họ... vung tiền.

30 năm nữa vẫn đắt hàng?

Theo thông lệ, dự báo kịch bản cho thị trường bất động sản cuối năm luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư, đầu cơ bất động sản, dù thực tế nó chỉ kéo dài trong thời gian 2 -3 tháng. Song với giới đầu tư, đây lại chính là khoảng thời gian được mong đợi nhất trong năm bởi nó có thể cứu vãn được cả một thời gian dài “thất bát” trước đó.

Ngoài những diễn biến thực tế của thời gian trước đó, giới đầu tư cũng “chịu khó” lắng nghe những bình luận, nhận định của giới chuyên gia, những thông điệp từ nhà quản lý về diễn biến thị trường cuối năm sẽ ra sao để từ đó đưa ra những quyết định mang tính “sống còn”.

Trong một cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo Bộ Xây dựng với hàng trăm doanh nghiệp bất động sản vào cuối tháng 10 vừa qua, dạng câu hỏi theo kiểu “dự báo diễn biến trong thời gian tới” vẫn chiếm phần đa trong số câu hỏi gửi đến lãnh đạo Bộ.

Và thật bất ngờ, trái với tâm lý e dè, thận trọng của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, một người vừa nhà quản lý vừa là một chuyên gia uy tín về bất động sản, lạc quan cho rằng thị trường bất động sản thời gian tới sẽ ấm lên và càng ngày càng phát triển.

Ông Nam cho hay, khác với một số chuyên gia, nhà quản lý khác cho rằng thị trường cuối năm nay khó khăn, nhưng cá nhân ông thì ngược lại. Với cái nhìn của một người lạc quan, ông luôn nhìn thị trường sẽ diễn biến theo chiều hướng tích cực không chỉ cuối năm 2010 mà cả thời gian dài tiếp theo.

Vị Thứ trưởng cũng khẳng định, dự báo lạc quan của ông không phải theo cảm tính, duy ý chí mà là có cơ sở khoa học, đặc biệt là căn cứ trên số liệu về thu nhập GDP/người.

Theo ông, ở các nước thị trường bất động sản thường phát triển mạnh cho đến khi thu nhập vượt trên 10.000 USD/người. Trong khi ở Việt Nam hiện nay thu nhập mới chỉ hơn 1.000 USD/người, nên nhu cầu về nhà là câu chuyện không phải quá bận tâm.

Dẫn chứng cho nhận định trên, Thứ trưởng Nam nói, theo dự tính đến năm 2020 thu nhập của người dân Việt Nam cũng mới chỉ 2.000 USD/người, đến năm 2030 là 6.000 USD, năm 2040 là 9.000 USD/người... thì cũng có nghĩa là trong vòng 30 năm nữa, nhà ở vẫn đắt hàng, chỉ sau 2040 thì nhu cầu mới chững lại và bão hòa.

“Ngay cả ở Mỹ, dân chúng giàu rồi nhưng thị trường bất động sản vẫn phát triển mạnh, họ mua thêm hoặc dân các nước vào mua nhà vẫn rất lớn nên hàng năm nước này xây thêm hàng triệu m2 nhà ở những vẫn bán tốt”, ông Nam nói.


"Thị trường ấm lên hay không còn tùy thuộc vào các chủ thể trên thị trường là người bán hay người mua" (Ảnh: Bảo Anh)
 
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cũng cho hay, thị trường còn nhiều tiềm năng vì còn phát triển theo kiểu tự phát, thể hiện qua những con số thống kê “hết sức bất hợp lý”: nhà ở thành thị rộng hơn nông thôn, bình quân nhà ở/người khu vực thành thị lớn hơn nông thôn, thậm chí nhà ở nông thôn kiên cố hơn nhà ở thành thị, số hộ gia đình sống 5 - 6m2/người chiếm hơn 50%...

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cũng cho rằng thị trường bất động sản vừa qua có những diễn biến phức tạp, thất thường, song sẽ ấm dần lên vào những tháng cuối năm.

Lãnh đạo Cục Quản lý nhà cũng nhìn nhận, thị trường sẽ diễn biến theo chiều tích cực bởi lẽ, có không ít chính sách liên quan đến nhà, đất, đầu tư xây dựng... đã và đang được điều chỉnh theo hướng có lợi cho các chủ đầu tư. Đặc biệt, cơ quan này cũng đang hoàn tất thông tư hướng dẫn mới thay thế cho Nghị quyết 34 của Chính phủ về cải tạo chung cư cũ để tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư.

Trao đổi với chúng tôi về chủ đề trên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho rằng, thị trường bất động sản sẽ phát triển và diễn biến tích cực trong những tháng cuối năm. Đặc biệt, vừa qua hàng loạt các công trình, dự án hạ tầng, đường, cầu đã được hoàn thành càng tạo ra sức hút hấp dẫn cho nhiều khu vực, giá đất theo đó cũng đang nhích dần lên.

Thị trường có thể “trùng” xuống

Trái với cái nhìn lạc quan của giới quản lý, một số doanh nghiệp bất động sản vẫn tỏ ra khá thận trọng và thấp thỏm khi nói về xu hướng thị trường cuối năm cũng như những quyết định mà họ có thể phải đưa ra cho thời gian sắp tới.

Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Xây dựng Cường Phát cho rằng, từ giờ đến cuối năm, sẽ có các mốc để hâm nóng thị trường lên. Tuy nhiên không phải là tất cả các phân khúc đều sốt nóng mà trên thị trường vẫn luôn có những chỗ đóng băng, trừ những khu vực có cơ hội biến hàng hoá thông thường thành hàng hoá siêu lợi nhuận.

Theo ông Cường, hiện nhiều nhà đầu tư đang hy vọng thị trường sẽ khởi động lại sau một thời kỳ im ắng, tuy nhiên khởi động như thế nào còn là câu hỏi lớn liên quan đến những động thái của cơ quan quản lý, đặc biệt là có hay không phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô trong năm nay.

Do đó, theo vị này, từ nay đến cuối năm để xuất hiện làn sóng đầu tư trên thị trường là hơi khó, đó là chưa kể đến nhiều nhà đầu tư còn e dè, thấp thỏm chờ đợi những quyết định liên quan đến quy hoạch, cho hay dừng hàng loạt dự án bất động sản trong năm tới.

Còn theo ông Lê Quyết Công, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Bất động sản An Việt (AnViet Land) cho rằng, từ nay đến cuối năm, thị trường nhà đất nhiều khả năng sẽ bị “trùng” xuống. Bởi lẽ, nếu lướt qua thị trường chung như vàng lên cao, chứng khoán thì sụt giảm, còn thị trường bất động sản dường như vừa đi qua một cơn sóng và hiện nay đang tạo lập nên một mặt sàn mới và có thể bị trồi sụt.

Do đó, đến cuối năm thị trường sẽ có thể phân chia thành hai dạng sản phẩm: sản phẩm mới của dân đầu tư mua được giá gốc thì dễ tạo nên sóng và sản phẩm cũ hiện đang được góp vốn hoặc đóng tiền vào các giai đoạn sâu của dự án thì sẽ là những sản phẩm đi ngang làm ổn định cho thị trường.

Ngoài ra, theo ông Công, thực tế trên thị trường chỉ có một tỷ lệ nhất định sản phẩm “cựa quậy” được như dự án Gleximeco, An Hưng... Còn các sản phẩm khác thì đã đi qua 1, 2 lớp giá gốc, qua tay những nhà đầu tư nên tới điểm nào đó nó sẽ dừng lại.

“Từ nay đến cuối năm cơ hội cũng không nhiều bởi trên thị trường bất động sản nói riêng hay vàng, chứng khoán, ngoại tệ nói chung cũng đang chờ một thông tin gì đó từ phía cơ quan nhà nước mang tính hỗ trợ. Những thông tin mang tính hai chiều sẽ khiến các nhà đầu tư co cụm, không dám tung hàng, tung tiền”, vị này nói.

Còn theo một đại diện của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, việc thị trường ấm lên hay không còn tùy thuộc vào các chủ thể trên thị trường là người bán hay người mua. Nếu bên bán vẫn giữ giá ‘trên trời’ như hiện nay thì không khí giao dịch có thể được dự báo là vẫn èo uột.

”Thị trường bất động sản chỉ khởi sắc khi cung gặp cầu, trong khi cung hàng hiện nay phần lớn lại đang vượt khả năng chi trả của nhiều người, nên nếu có có một vài cơn sốt thì cũng chỉ là sự đảo hàng kiếm lời của cục bộ giới đầu cơ hay nhóm người có thu nhập cao mà thôi”, vị này nhận định.

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy