Bộ Xây dựng cho rằng, thị trường bất động sản (BĐS) những tháng đầu năm 2014 đã ấm lên, tồn kho nhà đất đang giảm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến nghi ngờ sự “ấm lên” này khi chứng kiến rất nhiều doanh nghiệp BĐS vẫn đang nợ đầm đìa.
Giao dịch nhà đất tại các dự án ngoại thành, xa trung tâm còn hết sức khó khăn
|
Ấm lên theo khu vực
Theo Bộ Xây dựng, đầu năm 2014, thị trường BĐS đã có dấu hiệu khởi sắc. Lượng giao dịch tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước, giá nhà có dấu hiệu chững lại không giảm liên tiếp như năm ngoái. Thậm chí, có dự án còn tăng giá nhẹ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Bộ Xây dựng thống kê: “Từ đầu năm tới nay, Hà Nội có khoảng 2.300 giao dịch thành công. Riêng quý I-2014 có trên 1.500 giao dịch, gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, giao dịch tăng cao tại những dự án nhà ở thương mại có giá bán phù hợp, diện tích nhỏ, giao thông thuận lợi, đã bàn giao hoặc đang hoàn thiện...”.
Ghi nhận “niềm tin của khách hàng đối với thị trường đang dần được hồi phục”, đại diện Bộ Xây dựng nói: “Tại Hà Nội, đầu tháng 4-2014, một số dự án có vị trí tốt, diện tích nhỏ có xu hướng tăng giá nhẹ như các dự án chung cư Khu đô thị Cổ Nhuế (Nam Từ Liêm) gần đường Phạm Văn Đồng giá khoảng từ 24-26 triệu đồng/m2 tăng khoảng 1 triệu đồng/m2; Khu Đô thị Đại Thanh cũng có giá giao dịch trên thị trường tăng khoảng 1-2% so với năm 2013...”. Theo Bộ Xây dựng, giá trị tồn kho BĐS trên toàn quốc đã giảm dần từ tháng 3-2013 (giảm trên 26%). Lượng tồn kho căn hộ chung cư giảm khá nhiều, đặc biệt là chung cư có diện tích nhỏ.
Không có cái nhìn lạc quan như trên, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Nguyễn Hữu Thắng nhìn nhận, thị trường ấm lên không thực: “Tôi cho rằng nguy cơ đối với BĐS lúc này còn rất lớn bởi hàng tồn kho còn rất nhiều trong khi lượng cung ra thị trường vẫn không ít. Sức chịu đựng của doanh nghiệp gần như đã cạn kiệt. Ngân hàng cũng sắp hết chịu nổi”. Thừa nhận ảnh hưởng rất lớn của thị trường BĐS tới kinh tế - xã hội của TP Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Thắng cho rằng, cần phân tích, giải mã thông tin về thị trường BĐS một cách cẩn thận, chính xác, để có cơ sở định hướng cho doanh nghiệp vượt khó, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Chia sẻ quan điểm này, ông Phi Vân Tuấn, Cục trưởng Cục thuế TP Hà Nội nói: “BĐS có ấm lên nhưng chỉ theo khu vực. Những dự án sát trung tâm ở Cầu Giấy, Long Biên có lượng giao dịch tăng, song khu vực ngoại thành như Quốc Oai, Thạch Thất, Hà Đông... vẫn suy giảm. Đáng chú ý, dù không bán được nhưng một số dự án vẫn giữ giá như năm 2011, chứ không chịu giảm”.
Vẫn nợ như chúa Chổm
Minh họa cho sự khó khăn của thị trường, ông Phi Vân Tuấn nói: “Tình trạng doanh nghiệp nợ đọng thuế, trong đó có doanh nghiệp BĐS chưa hề giảm, thậm chí có chiều hướng tăng. Hiện nay, tại các dự án BĐS, nhất là ở xa trung tâm, tiền sử dụng đất nợ đọng rất nhiều. Ngành thuế và quận, huyện đưa ra nhiều giải pháp nhưng quan trọng là chủ đầu tư các dự án phải bán được nhà đất thì mới có tiền nộp thuế”.
Để gỡ khó cho doanh nghiệp, ông Phi Vân Tuấn cho rằng, TP Hà Nội cần tiếp tục kiến nghị với Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét giãn, khoanh nợ tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp BĐS. “Tiền phạt về nộp thuế chậm đang ngày càng chồng chất. Hiện nay, chuyện chủ đầu tư dự án nợ vài ba trăm tỷ đồng tiền sử dụng đất là thường. Với mức phạt chậm nộp 0,07%/ngày, có dự án nếu để thêm 1-2 năm nữa thì số tiền nộp phạt sẽ bằng tổng giá trị của cả dự án...” – ông Phi Vân Tuấn cảnh báo.
Nhìn lại sự phát triển nóng của thị trường, ông Lê Văn Hoạt, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cho rằng, thị trường đóng băng lâu nay do ta quá quan tâm đến phân khúc nhà biệt thự, chung cư cao cấp, khiến tồn kho ngày một lớn. Trong khi đó, đa số doanh nghiệp không quan tâm đến nhà xã hội, nhà thu nhập thấp. Ông Lê Văn Hoạt kiến nghị, TP cần phải điều chỉnh ngay cơ cấu đầu tư xã hội đối với các dự án BĐS: “Gần đây, mảng nhà cho thuê phát triển khá tốt, ta cần bàn kỹ để khuyến khích làm nhiều các dự án này, định hướng thị trường phát triển hợp nhu cầu thực tế”- ông Lê Văn Hoạt nói.
Cũng có cái nhìn tương tự, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương và doanh nghiệp tập trung phát triển các dự án nhà ở xã hội; nhà ở thương mại có diện tích dưới 70 m2 , giá bán dưới 15 triệu đồng. Cùng với đó, cần rút ngắn thời gian xem xét, thẩm định để cho phép các chủ đầu tư dự án điều chỉnh cơ cấu căn hộ, chuyển đổi dự án nhà thương mại sang nhà xã hội...
DiaOcOnline.vn - DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ đô
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: