GS Đặng Hùng Võ: "Cơ chế này mang trong nó nguy cơ tham nhũng cực kỳ lớn" |
"Tại sao tham nhũng trong đất đai ở Việt Nam lại rất lớn? Tôi muốn bắt đầu bằng câu chuyện này vì nó là bản chất tại sao vấn đề đất đai nước ta vẫn cứ lủng củng" - GS Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ TN&MT trao đổi với KH&ĐS.
Cơ chế tạo nên nguy cơ tham nhũng
* Thưa GS, tôi nghe nói ông cho rằng cơ chế quản lý đất đai hiện nay rất lủng củng?
Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai của nước ta đang cho phép cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận được phép thu hồi lại giấy chứng nhận nếu tự thấy mình cấp sai hoặc được cơ quan khác phát hiện là cấp sai. Nghị định đó cũng cho phép cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước được quyết định thu hồi đất của người đang có quyền sử dụng để giao cho nhà đầu tư thực hiện dự án vì mục tiêu lợi ích của nhà đầu tư, không vì mục tiêu lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Như vậy, nước ta đang vận hành một số quy định làm mất quyền của người sử dụng đất.
Cơ chế này mang trong nó nguy cơ tham nhũng cực kỳ lớn. Một cán bộ dù trong sạch đến đâu, được lựa chọn kỹ lưỡng đến đâu, có thể không muốn tham nhũng, nhưng cơ chế dễ dàng như vậy thì dục vọng dễ nổi cơn. Lòng người đâu có phải ai cũng giữ mãi là gỗ đá, dục vọng sẽ bào mòn để tan chẩy. Cần phải dẹp đi các cơ chế tạo nên nguy cơ tham nhũng.
* Vậy các nhà quản lý ở đâu, luật pháp ở đâu mà lại "buông lỏng" cơ chế cho tham nhũng nó hoành hành vậy?
Ở nước ta, chưa có quy định chi tiết về ranh giới giữa cơ chế Nhà nước thu hồi đất với cơ chế nhà đầu tư phải thương thảo. Nhiều địa phương vận dụng thực tế còn buông thả hơn cả những điều mà luật pháp qui định. Ở hầu hết các địa phương đều đang có biểu hiện rõ là cơ quan Nhà nước các cấp đều đứng về phía nhà đầu tư, rất bực tức với dân không chịu giao đất. Người dân luôn cảm thấy cô đơn.
Nghịch lý
* Nhưng nhiều người lại cho rằng, cơ chế thu hồi đất hiện nay chính là động lực rất lớn để chúng ta thu hút đầu tư, tạo ra một nguồn lực cho phát triển?
Có rất nhiều ý kiến muốn bảo vệ cơ chế này được tiếp tục, bằng cách bảo đảm về nguyên lý đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước giữ vai trò quyết định của chủ sở hữu. Nghe có vẻ rất đúng, nhưng thực ra cũng chứa đầy nghịch lý ở bên trong.
"Các nhà nghiên cứu trên thế giới khái quát được phương trình tham nhũng là: "Tham nhũng = Độc quyền của cơ quan + Cửa quyền của người quản lý + Độ minh bạch của quản lý + Trách nhiệm giải trình của người quản lý".
Cơ chế cơ quan hành chính quyết định thu hồi đất của một hay một số người rồi giao cho một người khác; giá đất trả cho những người bị thu hồi đất, giá đất thu của người được giao đất cũng do cơ quan hành chính đó tự quyết định. So với phương trình tham nhũng ở trên, chắc chắn tham nhũng sẽ xảy ra".
GS Đặng Hùng Võ |
Cơ chế này nó cho phép các đại gia thu siêu lợi nhuận từ đất đai trong thị trường bất động sản, tạo nên bong bóng bất động sản, đóng góp phần quan trọng gây ra lạm phát trong vài năm nay. Cách thức thu hồi đất hiện nay cũng đang gây ra thiếu bền vững xã hội trong quá trình phái triển, người bị thu hồi đất bực tức, lòng tin mất mát dần, khoảng cách giàu - nghèo, nông thôn - đô thị ngày càng xa.
Cũng chính cơ chế này tạo nguy cơ tham nhũng rất lớn, làm cho tình trạng tham nhũng trong quản lý đất đai luôn đứng đầu.
* Có bằng chứng gì minh chứng cho những điều ông vừa nói không?
Năm 2005, số liệu tổng kết sau khi tổng kiểm tra thi hành Luật Đất đai cho thấy, khiếu kiện của dân về đất đai chiếm 70% tổng khiếu kiện của dân. Đến nay, sau khi đi khảo sát các địa phương thì rất nhiều địa phương cho rằng con số 70% nói trên đã được thay bằng 90%. Nhưng với cơ chế quản lý như vậy thì tình hình khiếu kiện tăng cũng đúng quy luật, không có gì là lạ.
Ví dụ như ở Hà Nội, giá đất ở Hàng Ngang, Hàng Đào đã lên tới con số 800 triệu đồng/m2 nhưng giá đất do UBND TP Hà Nội quy định vẫn là 81 triệu đồng/m2. Người bị thu hồi đất sao chịu thấu.
Khoảng cách giữa văn bản và thực tế
* Tức là chúng ta cần có những cơ chế tạo ra sự minh bạch hơn trong hệ thống quản lý, sử dụng đất?
Nếu đánh giá sòng phẳng, hiện nay chúng ta cũng đã đạt tiến bộ khá nhiều trong quản lý đất đai. Nguyên lý quản trị tốt trong cơ chế thị trường mà thế giới hiện nay dùng đặt trên 3 nền tảng: Tính minh bạch trong toàn bộ hệ thống quản lý và thực tế triển khai; Người quản lý phải có trách nhiệm giải trình cao nhất về mọi quyết định của mình, thu nhập riêng và mức sống hiện tại; Cộng đồng được tham gia nhiều nhất, chủ động nhất trong vai trò tác động tới thành công cũng như vai trò người giám sát thực thi pháp luật.
Người quản lý của chúng ta nhận thức được các nguyên lý này nhưng thực hiện vẫn đang còn nhiều ngần ngại. Nhà nước ta xác lập rất cao nguyên tắc vai trò làm chủ của nhân dân với nền tảng Nhà nước của dân, do dân, vì dân nhưng đối với người dân bị thu hồi đất thì có vẻ như bị vênh ở đâu đó. Khoảng cách giữa văn bản và thực tế như vẫn còn khá đáng kể.
* Giáo sư nói rằng những phàn nàn của dân lớn nhất là về giá đất, nhưng thực ra chúng ta đã có quy định rất rõ giá đền bù phải ngang bằng giá thị trường?
Theo đúng quy định thì bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định phải phù hợp với giá đất trên thị trường. Thế nhưng, thực tế điều này không được thực hiện ở hầu hết các địa phương.
Trên thực tế, đến 2011 thì giá đất do UBND cấp tỉnh quy định đều chưa đạt mức giá trên thị trường. Nơi cách nhau xa nhất có đến 90%. Nơi gần nhất khoảng cách đó cũng khoảng 30%. Sự lệch lạc giá trị như vậy gây thiệt hại nặng cho người bị thu hồi đất và ngân sách Nhà nước, làm lợi rất nhiều cho nhà đầu tư. Nhưng mọi việc vẫn cứ trôi đều chẳng ai vi phạm pháp luật cả. Hỏi chuyện nhiều nhà đầu tư, họ nói rằng nhà đầu tư cũng chẳng được lợi nhiều vậy đâu, rất nhiều chi phí "khó đọc tên".
* Nhưng trong khi giá đền bù chưa thỏa đáng, người dân nghèo đi vì bị thu hồi đất thì nhiều đại gia lại giàu lên nhanh chóng từ bất động sản?
Đây chính là một sự bất công rất lớn, trái với định hướng xã hội chủ nghĩa của đất nước ta. Các đại gia làm được như vậy là do cơ chế. Cơ chế nhiều nghịch lý như vậy mà vẫn sống khoẻ!
DiaOcOnline.vn - Theo Bee.net
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: