Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 sẽ chính thức có hiệu lực, nhưng nhiều quy định tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành luật hiện vẫn còn gây nhiều tranh cãi.
Ngày 1/7/2015, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 sẽ chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, đến thời điểm này, một số quy định tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành luật này vẫn còn gây tranh cãi.
Cụ thể, tại khoản a, tiết 1, Điều 3, Chương II của Dự thảo quy định điều kiện tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải có vốn pháp định không thấp hơn 50 tỷ đồng đối với các trường hợp đầu tư dự án bất động sản để kinh doanh thuộc diện phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư (chủ đầu tư cấp I - PV); có vốn pháp định không thấp hơn 20 tỷ đồng đối với các trường hợp đầu tư dự án bất động sản để kinh doanh không thuộc diện quy định tại điểm a khoản này (chủ đầu tư cấp II - PV). Đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản, không yêu cầu phải có vốn pháp định (khoản b, tiết 2, Điều 3, Chương II).
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Dầu khí toàn cầu (GP Invest), các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tham gia thị trường hiện nay có thể được chia thành 2 nhóm chính. Nhóm thứ nhất là các doanh nghiệp đầu tư dự án. Nhóm thứ hai là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản.
Đối với doanh nghiệp đầu tư dự án, theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Luật Đầu tư đã quy định, doanh nghiệp phải có vốn không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư mới được thực hiện dự án. “Vì thế, quy định vốn pháp định 50 tỷ đồng dựa theo tiêu chí đầu tư dự án thì không có ý nghĩa gì”, ông Nguyễn Quốc Hiệp phân tích.
Liên quan vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, nếu Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bất động sản 2014 được ban hành thì gần như toàn bộ doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đều phải có mức vốn pháp định không thấp hơn 50 tỷ đồng (bởi lẽ, ít có dự án nào không phải thông qua cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư). Theo ông Châu, quy định vốn pháp định như Dự thảo không phù hợp với thực tiễn hiện nay và là một rào cản đối với nhiều doanh nhân, nhất là doanh nhân trẻ muốn khởi nghiệp.
Góp ý với Ban Soạn thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi), luật sư Phan Hải Anh, đại diện pháp lý Tập đoàn Vingroup cho rằng, quy định nhiều mức vốn pháp định như trong Dự thảo sẽ gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật của cơ quan đăng ký kinh doanh, mà thực chất là gây khó khăn cho doanh nghiệp khi phát sinh thêm nhiều thủ tục trong đăng ký đầu tư. Trong khi đó, việc quy định doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản không cần vốn pháp định khiến nhiều doanh nghiệp bằng cách này hay cách khác “ẩn” đi hoạt động đầu tư bất động sản để tránh khoản vốn pháp định. “Do đó, chỉ nên đưa ra một mức vốn pháp định chung là 20 tỷ đồng đối với tất cả các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản”, luật sư Phan Hải Anh khuyến nghị.
Theo luật sư Trương Thanh Đức (Công ty Luật Basico), việc quy định vốn pháp định 50 tỷ đồng như trên là “trái luật”, bởi theo Luật Kinh doanh bất động sản 2014, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chỉ cần quy định “vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: