Lãi suất cho vay mua nhà đang ở mức cao khiến người dân không dám vay để an cư lạc nghiệp. Khảo sát một loạt nhà băng cho thấy, việc cho vay vốn vẫn rất khó khăn trong khi lãi suất đứng ở mức cao.
Vay mua nhà đang chịu lãi suất cao - T.N
Lãi suất cho vay cá nhân lên đến 17,5%
Chị Lan Anh (ngụ Q.3, TP.HCM) tìm hiểu mua căn nhà trên địa bàn Q.10 với giá khoảng 7 tỉ đồng. Không đủ tiền nên chị ra Ngân hàng (NH) TPBank hỏi vay 2 tỉ đồng, thì được nhân viên cho biết lãi suất (LS) cho vay khoảng 12%/năm. Khảo sát ở một số phòng giao dịch, chi nhánh NH tại TP.HCM hiện cho thấy LS cho vay cá nhân mua nhà vẫn duy trì ở mức cao. Chẳng hạn tại phòng giao dịch của BIDV, nhân viên tín dụng cho hay LS cho vay ưu đãi năm đầu tiên với cá nhân khoảng 10,5 - 11%/năm. Hết thời gian ưu đãi LS sẽ được gia tăng nhưng tùy thời điểm cụ thể, hiện LS không ưu đãi của nhà băng này là khoảng 12,8%. Đối với doanh nghiệp, LS cho vay cũng từ 10 - 11%/năm tùy theo từng hồ sơ, khoản vay.
Trong khi đó, qua điện thoại, nhân viên phòng giao dịch của NH B. nói, hiện hồ sơ cho vay cá nhân liên quan bất động sản (BĐS) vẫn rất hạn chế, phê duyệt cực kỳ khó khăn. Các doanh nghiệp và hộ kinh doanh được giải quyết vay vốn nhanh hơn. Nếu như từ cuối tháng 12.2022 - tháng 1.2023, LS cho vay hộ kinh doanh của nhà băng này là 13,5%/năm thì nay đã giảm xuống còn từ 12 - 12,5%/năm.
Thế nhưng, liên hệ NH S. thì thật sự "sốc" khi LS cho vay đối với cá nhân được thông báo lên đến 17,5% và với các doanh nghiệp cũng ở mức 16 - 16,5%/năm. Theo giải thích của nhân viên NH này, chi phí vốn đầu vào của NH vẫn ở rất cao khi LS huy động tiền gửi tiết kiệm tiếp tục duy trì ở mức 10 - 10,5%. Đáng chú ý, nhân viên này cũng cho rằng LS liên NH đã lên đến 13%/năm thì LS cho vay ra thông thường sẽ cộng thêm 4% để bù đắp nhiều chi phí. NH hiện cũng chỉ cho vay đối với cá nhân có tài sản thế chấp và cũng sẽ phê duyệt hồ sơ vay mua nhà đất khó khăn hơn với việc vay cho mục đích khác.
Chính vì điều này gần đây có một "động thái" lạ từ các NH, đó là một số NH tung ra gói tín dụng hỗ trợ LS vay sau hơn 1 năm vắng bóng trên thị trường. Chẳng hạn, BIDV vừa tung ra gói vay quy mô 130.000 tỉ đồng dành cho khách hàng cá nhân, trong đó ngoài cho vay sản xuất kinh doanh, nhà băng này dành 100.000 tỉ đồng cho cá nhân vay tiêu dùng, phục vụ đời sống như mua nhà, mua ô tô, tiêu dùng. LS cho vay áp dụng 10,3 - 10,9%/năm trong 12 tháng hay 18 tháng vay đầu. Ngoài ra, BIDV còn giảm thêm 0,2% LS đối với khách hàng vay mua nhà qua ứng dụng BIDV Home hoặc khách hàng đổ lương qua BIDV. Hay NH Bản Việt áp dụng lãi suất 10,5%/năm trong 3 tháng vay đầu…
Dù vậy, khách hàng vẫn lo ngại sau khi trả nợ lãi vay sẽ tăng lên cao. Chị Đan Nguyên (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết: "Hai vợ chồng cũng tìm kiếm nhà để mua nhưng vay NH nhiều thì không dám do sợ trả lãi. Thời gian đầu, trả lãi thấp, đến khi điều chỉnh lên 15 - 16%/năm như nhiều người gặp phải gần đây thì tiền lãi vẫn không giảm đi. Công việc ổn định thì không sao chứ lỡ thất nghiệp lấy tiền đâu mà trả". Theo tính toán của chị Nguyên, với số tiền tích lũy khoảng 3 tỉ đồng gửi NH lấy lãi, vẫn có thể thuê nhà và một ít trang trải cho cuộc sống. Nếu vay tiền NH khoảng 2 - 3 tỉ đồng để mua nhà, lúc này áp lực rất lớn, nhất là lãi vay. Thôi thì tiếp tục đi thuê nhà ở! Khảo sát LS cho vay mua nhà của trên 10 NH hiện nay dao động từ 11 - 13%/năm, sau thời gian ưu đãi, LS thay đổi dựa trên lãi huy động cộng với biên độ từ 2,5 - 4,5% tùy NH. Chính vì vậy, LS sau điều chỉnh sẽ vào khoảng 11 - 16%/năm.
Cần kéo giảm lãi vay sớm
So với cách đây 1 - 2 năm, lãi vay mua nhà chỉ từ 7 - 8%/năm thì nay các NH điều chỉnh lên khoảng 12%/năm, thậm chí có nhà băng đẩy lên 16 - 17%, cao gấp 2 - 2,5 lần. Đưa mặt bằng LS cho vay trung bình trên thị trường lên khoảng 12 - 15%/năm.
Lúc này không phải kẹt room như trước nhưng liên quan BĐS thì sẽ khó hơn, phê duyệt kỹ hơn. Khi hồ sơ đã đồng ý thì khách hàng sẽ được giải ngân nhanh. Nhưng LS đang ở mức khá cao nên nhiều cá nhân cũng e ngại để vay.
Một nhân viên tín dụng
Ông Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn tài chính - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng với mức LS cho vay cao như hiện nay, tỷ lệ nợ xấu trong NH tăng lên cũng là điều không tránh khỏi. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, những khoản vay cũ đến hạn tính lại LS lên 13 - 15%/năm, có những khoản vay lãi tăng 50% sau thời gian ưu đãi sẽ quá sức chịu đựng của khách hàng. Điều này xuất phát từ việc nguồn vốn huy động của NH chủ yếu là ngắn hạn, cho vay dài hạn. Nên thời điểm cho vay LS 7 - 8%/năm thì đầu vào ở mức khá thấp. Nay lãi huy động lên 9 - 10%/năm nên lãi vay lên cao. Thế nên, NH cần tính toán lãi vay đối với nhu cầu mua nhà ở sao cho hợp lý, có thể thực hiện giảm lãi vay, giãn nợ nếu không muốn nợ xấu tăng lên.
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, nêu vấn đề: Tại sao các NH lớn chỉ huy động tiền gửi ở mức tối đa 7,5%/năm nhưng vẫn duy trì được nguồn vốn cao trong khi các NH thương mại khác lại phải đẩy LS huy động lên đến 10%/năm hoặc thậm chí cao hơn. Điều đó cho thấy những NH có uy tín, thương hiệu hay quản trị rủi ro tốt thì vẫn đảm bảo về thanh khoản. Từ đó họ sẽ có nhiều dư địa để cho vay với LS thấp hơn các NH đang gặp khó về thanh khoản. Theo ông Đinh Thế Hiển, NH Nhà nước hỗ trợ cho các NH nào mất thanh khoản để từ đó kéo mặt bằng LS đi xuống. Chậm nhất đến quý 2/2023 thì mặt bằng LS sẽ giảm rõ hơn khi nguồn cung tiền dần gia tăng và ổn định.
DiaOcOnline.vn – Theo Thanh niên
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: