Năm 2011 đầy sóng gió vì ế ẩm, giảm giá chưa khép lại, các chuyên gia dự báo năm 2012 bất động sản sẽ tiếp tục đào thải mạnh, các dự án căn hộ càng thêm gánh nặng do mất thanh khoản và việc bán chung cư chỉ thu về tiền lẻ.
So với 6 tháng đầu năm 2011, cách đánh giá về sự khởi sắc của thị trường bất động sản của các chuyên gia đã thay đổi theo chiều hướng bi quan và giảm dần các kỳ vọng trong ngắn hạn hoặc trung hạn. Giới kinh doanh địa ốc đang có xu hướng kỳ vọng thị trường bật dậy theo năm chứ không tính theo tháng hay theo quý như trước đây. Nhiều chuyên gia cho rằng năm 2011 xem như "thua" còn năm 2012 phải lên kế hoạch phòng thủ, tái cấu trúc, liên doanh liên kết để bảo toàn lực lượng. Năm 2013-2014 mới là giai đoạn bất động sản bắt đầu cựa mình và có đủ nội lực để tìm được sự cân bằng sau cuộc khủng hoảng từ năm 2009 đến nay.
Giám đốc bộ phận nghiên cứu cứu thị trường bất động sản Công ty GIBC, Huỳnh Phước Nghĩa dự báo: "Thị trường căn hộ chung cư năm 2012 chỉ có thể lượm tiền lẻ. Kinh tế khó khăn, thu nhập của người dân sụt giảm, tiền sẽ được dùng vào các nhu cầu thiết yếu trong ngắn hạn hoặc kênh đầu tư có tính thanh khoản cao, rất khó chảy vào phân khúc căn hộ đang chịu áp lực giảm giá".
Theo ông Nghĩa, thị trường căn hộ năm 2012 có dấu hiệu rơi vào viễn cảnh đào thải mạnh mẽ hơn 2011 vì những doanh nghiệp yếu, thấm đòn thắt chặt tín dụng sẽ phải rời cuộc chơi. Ông nhận xét, hiện doanh nghiệp địa ốc bị nợ chồng nợ, nếu không nợ ngân hàng thì cũng nợ lẫn nhau. Chủ đầu tư nợ nhà thầu, nhà đầu tư thứ cấp nợ ngược lại chủ đầu tư, và doanh nghiệp nào cũng có khoản nợ bị nhà băng xét vào diện xấu.
"Những cuộc mua bán căn hộ rẻ dưới giá thành vẫn âm thầm diễn ra là cơ sở cho những dự báo xấu về năm 2012", ông Nghĩa phân tích.
Năm 2012 thị trường căn hộ TP HCM được dự báo chỉ thu về tiền lẻ. Ảnh: Vũ Lê
Tổng giám đốc Công ty phát triển nhà Thủ Đức (Thuduchouse) Lê Chí Hiếu nhận định: "Thị trường căn hộ đang chịu căn bệnh khủng hoảng thừa giả tạo. Mâu thuẫn là nguồn cung căn hộ đang thừa so với khả năng thanh toán của thị trường song nhu cầu về nhà ở vẫn lớn hơn nguồn hàng đang có". Theo lãnh đạo Thuduchouse, trong hai quý đầu năm 2012, bất động sản tiếp tục bước bào thời kỳ "ngột ngạt" với nhiều áp lực như: chịu tác động kép của suy thoái kinh tế quốc tế và trong nước, thắt chặt tín dụng, lãi suất còn cao, đưa lạm phát về dưới 10% là nhiệm vụ hết sức khó khăn...
"Tôi kỳ vọng sáu tháng cuối năm 2012 tình hình kinh tế vĩ mô ổn định để bất động sản dễ thở hơn một chút. Tuy nhiên, năm 2013-2014 mới thực sự là chu kỳ phục hồi của thị trường bất động sản", ông Hiếu dự báo.
Nhận xét thị trường Hà Nội, Cố vấn cấp cao của Bộ Tài nguyên môi trường, Đặng Hùng Võ cho rằng: " Năm 2012, phân khúc căn hộ sẽ không thể có giá trên trời như trước đây nữa. Đã qua rồi chuyện chủ đầu tư bán cả lố căn hộ và năm tới thị trường này chỉ thu được lợi nhuận dè dặt từ những người có nhu cầu thực".
Năm 2012, thị trường chung cư Hà Nội bị đánh giá chỉ thu được lợi nhuận dè dặt từ những người có nhu cầu thực. Ảnh: Hoàng Lan
|
Chuyên gia này nhấn mạnh, bấy lâu nay, thị trường chung cư được tô vẽ bởi những mỹ từ “cao cấp”, “hạng sang” nhưng thực tế đây là cuộc sống chung trong tòa nhà, không gian tự do bị bó hẹp. Vì vậy, không thể có chuyện giá chung cư lên tới 2.000- 3.000 USD mỗi m2. Đất dự án, biệt thự, liền kề có thể giữ nguyên ở trong nội thành, và giảm ở vùng ven. Riêng chung cư, càng ngày càng nhiều, giá cạnh tranh nên sẽ còn giảm mạnh. Theo ông Võ, năm 2012 bong bóng bất động sản sẽ xẹp dần và địa ốc không còn mang lại siêu lợi nhuận như trước.
Cũng không kỳ vọng nhiều cho thị trường bất động sản năm 2012, Giám đốc Công ty tư vấn Bất động sản Navigat, Đặng Văn Quang dự báo: “Bức tranh địa ốc sẽ còn màu xám trong nửa đầu năm 2012. Thị trường chung cư sẽ phải cần biện pháp mạnh như thay đổi cơ cấu hàng hóa, hạ giá thì mới có thể bán được hàng”,
Theo ông Quang, thông điệp của ngân hàng và thủ tướng chỉ mang tính chất khích lệ về tinh thần, và khó tác động mạnh đến thị trường bất động sản. Nhà đầu tư và cả người có nhu cầu thực sẽ cân nhắc quyết định mua nhà để chờ thị trường chạm đáy.
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng, tình hình kinh tế năm 2012 có thể còn nhiều khó khăn, Chính phủ không đặt mục tiêu tăng trưởng cao mà tăng cường kiềm chế lạm phát. "Năm tới, điểm sáng của thị trường là phân khúc nhà cho người thu nhập thấp. Tuy nhiên, giá phải phù hợp với khả năng thanh toán của người dân”, ông Dũng nói.
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: