Ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (ảnh: Phạm Huyền) |
Trong bối cảnh kinh tế còn bất ổn hiện nay, doanh nghiệp phải coi thận trọng là số 1 nhưng không án binh bất động mà nên "đánh nhanh, rút gọn". - Ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch UB Giám sát tài chính quốc gia nhận định.
Hầu hết, các dự báo của các tổ chức quốc tế đều đã thống nhất, năm 2012 kinh tế thế giới sẽ còn khó khăn hơn nữa. Còn chính sách kinh tế trong nước vẫn theo đuổi chiến lược thắt chặt chi tiêu, hạn chế và con số doanh nghiệp phá sản, giải thể, dừng hoạt động vẫn gia tăng.
Bên lề cuộc hội thảo bàn về giải pháp tài chính cho doanh nghiệp xuất khẩu hôm 9/11, Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, Hà Huy Tuấn đã chia sẻ quan điểm về vấn đề này.
Muốn xử lý nợ xấu, phải đánh giá thực trạng
* Thưa ông, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã công bố nợ xấu trong hệ thống ngân hàng lên tới 75.000 tỷ đồng, trong đó bất động sản chiếm 47%. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã đề xuất giải pháp gì để xử lý tình trạng nợ xấu này?
Ông Hà Huy Tuấn: Nợ xấu luôn là vấn đề rất quan trọng và cần quan tâm. Diễn biến kinh tế thời gian qua đã thay đổi rất nhanh, gây khó khăn cho doanh nghiệp nên đòi hỏi các cơ quan liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và Ủy ban giám sát tài chính quốc gia phải đặc biệt quan tâm vấn đề này. Tuy nhiên, chúng tôi đang phải có đánh giá tổng thể, rõ nét hơn về thực trạng đã rồi mới có đề xuất cụ thể.
Trước mắt, điều quan trọng là phải ổn định thị trường tài chính và tiền tệ để từ đó ổn định tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và khối ngân hàng, đồng thời, phải xử lý mặt trái của các giải pháp thắt chặt tiền tệ, hạn chế tín dụng, trong đó có nợ xấu.
* Thưa ông, mới đây, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính đã kiến nghị nên sáp nhập, cắt giảm 15-20% các ngân hàng thương mại cổ phần. Ông đánh giá thế nào về đề xuất này và có thể cho biết thêm về sức khỏe của các ngân hàng hiện nay?
Tôi chưa rõ cơ quan đề xuất giảm 15-20% căn cứ trên cơ sở nào nhưng theo tôi, trước đó, phải quay về câu chuyện đánh giá bức tranh thực tế trước đã. Vì thế, còn quá sớm để nói về tiêu chí nào cho sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng.
Trong hệ thống ngân hàng, có nơi tình hình vẫn tốt, có nơi tình hình lại xấu nhưng theo số liệu chúng tôi có được, cơ bản bức tranh đang vẫn tốt, cả về lợi nhuận, hệ số sinh lời trên tài sản, hệ số sinh lời trên vốn và cả về nợ xấu vẫn trong kiểm soát. Các số liệu của chúng tôi và của Ngân hàng Nhà nước là thống nhất với nhau.
Thận trọng là số 1
* Thưa ông, Chính phủ đã yêu cầu phải hạ lãi suất xuống 17-19% nhưng các doanh nghiệp vẫn kêu là cao, khó tiếp cận. Liệu, thời gian tới, mục tiêu giảm dần lãi suất cho thực hiện được?
Tôi tin là lãi suất sẽ phải giảm dần. Bởi vì doanh nghiệp đã gần đến giới hạn hết sức chịu đựng rồi. Kể cả, nếu doanh nghiệp vay được đúng như tuyên bố của Ngân hàng Nhà nước là lãi suất 17-19% thì tôi cũng chưa biết kinh doanh cái gì mà ra lãi được để đủ trả lãi vay đó. Trong khi đó, đầu ra không tiêu thụ được, bất động sản đình trệ, tồn kho hàng hóa tháng vừa qua lại tăng.
Thông thường các doanh nghiệp có vốn chiếm 30%, còn lại họ vay 70% để hoạt động. Nhưng tôi được biết vừa rồi, hầu như không có doanh nghiệp nào đạt mức này mà tỷ lệ vay trong cơ cấu vốn đầu tư còn cao hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, việc giảm lãi suất còn phụ thuộc lạm phát, tiền tệ sẽ định lượng như thế nào. Nếu lạm phát cao thì không thể giảm lãi suất được.
* Thưa ông, việc hạn chế tín dụng quá sẽ làm cho doanh nghiệp ngạt thở, ông nhìn nhận vấn đề này ra sao và cần lưu ý gì cho mặt trái của chính sách này?
Đúng là chúng ta đang sống trong một gia đình mà khó khăn, con cái nào cũng cần phải có vốn đầu tư. Giải pháp sẽ phải nhìn tổng thể. Việc đầu tiên là bản thân mức cân đối trong tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán phải hợp lý.
Sản xuất đóng tàu càng lao đao khi tín dụng bị hạn chế (ảnh: Phạm Huyền)
Hạn chế tín dụng là đúng nhưng phải chú ý mấy đặc thù. Nên chăng, cần có sự phân biệt khách hàng giữa doanh nghiệp quản trị tốt và doanh nghiệp quản trị kém trong việc cung ứng tín dụng? Các ngân hàng phải cố gắng đánh giá khả năng sinh lời hay rủi ro của từng doanh nghiệp, làm sao các khoản vốn đến được những doanh nghiệp tốt thực sự, ngân hàng tốt cũng được hưởng những khoản tín dụng chính đáng.
Điểm thứ hai là chúng ta cần lưu ý tính thời vụ trong chu kỳ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như chu kỳ phát triển kinh tế quốc gia trong một năm. Ví dụ như, vào thời vụ của các doanh nghiệp cần xuất khẩu hàng hóa mà tín dụng vẫn cứ đổ tiền đồng ra, là khó rồi. Đến lúc các doanh nghiệp quay về, cần mua bán đổi ngoại tệ thì chính sách lại theo hướng không bán ngoại tệ ra, không mua ngoại tệ nữa.
Nếu chúng ta xử lý được 2 đặc thù đó thì tôi tin là các tác dụng của việc hạn chế tăng trưởng tín dụng sẽ tốt hơn. Trong thời buổi này, tôi không nghĩ là nên kỳ vọng tăng tín dụng cao rồi lại đẩy lạm phát lên, ta sẽ lại rơi vào vòng luẩn quẩn.
* Năm 2012, ông có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp xuất khẩu?
Trong năm 2012, ta nên thận trọng trong mọi việc. Các nhà kinh tế có thể nói phải mở rộng thị trường, đa dạng hóa hàng hóa... nhưng tôi lại có quan điểm khác.
Chúng ta vẫn nên ổn định thị trường cũ, bởi các bạn hàng cũ của các doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn và có thể sẽ thay đổi cách kinh doanh và trong một tình thê nào đó, họ có thể buộc thay đổi đối tác. Nếu ta không nhanh nhạy, chủ động thì ta mất đối tác.
Trong điều kiện hiện nay, hãy hạn chế mở rộng thị trường mới vì các kế hoạch này đòi hỏi phải gia tăng thêm chi phí. Việc này không hề đơn giản trong bối cảnh thắt chặt tín dụng, tiền tệ.
Về hàng hóa, tôi theo quan điểm bảo thủ, các doanh nghiệp vẫn phải tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, phấn đấu giảm giá bán trước đã. Chi phí ở khâu trung gian của các doanh nghiệp rất cao, đặc biệt, khâu phân phối lưu thông đang có vấn đề làm cho chính sách của Chính phủ rất khó thực hiện. Ví dụ như Chính phủ tài trợ cho nông dân thì rơi vào thương lái chẳng hạn, muốn tài trợ cho nhà xuất khẩu có khi lại rơi vào người đi thu gom hàng xuất khẩu. Các mặt hàng xuất khẩu cần giảm giá trên cơ sở giảm chi phí để tăng tính cạnh tranh.
Động thái đầu tiên trong lúc này là cần tiết kiệm, hạn chế sử dụng vốn vay và đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư mới và dàn trải.
Trong bối cảnh kinh tế 2012 còn sẽ bất ổn, phương châm kinh doanh tốt nhất theo tôi là nên đánh nhanh, thắng nhanh, cắt lỗ nhanh, rút gọn nhanh. Đầu tư phải có trọng điểm và thu hồi vốn nhanh chóng.
DiaOcOnline.vn - Theo VEF
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: