Top

Năm 2009: Việt Nam vẫn là tâm điểm thu hút FDI

Cập nhật 12/11/2008 11:00

Một nhận định rõ ràng về dòng vốn đầu tư nước ngoài vào VN trong năm 2009 được đưa ra trong Hội nghị "Đầu tư quốc tế tại VN" - diễn ra chiều 11.11 tại TPHCM: VN vẫn là tâm điểm của đầu tư trực tiếp. Tuy nhiên, dòng vốn đầu tư gián tiếp sẽ giảm sút mạnh.

VN vẫn được chọn lựa cho dòng vốn FDI

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng dự báo, đến cuối năm, vốn FDI đăng ký sẽ khoảng 60 tỉ USD, và giải ngân được khoảng 12 tỉ USD. Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính từ Mỹ dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu, lượng vốn FDI đăng ký vào VN có chăng chỉ sau Trung Quốc (TQ) và Ấn Độ. Tuy nhiên, VN đang trở nên hấp dẫn hơn để thu hút vốn FDI chuyển dịch từ TQ sang.

Ông Don Lam - TGĐ VinaCapital - đưa ra hai chi tiết đáng lưu ý: Thứ nhất, trong hội nghị đầu tư do quỹ này tổ chức vào hai ngày 10-11.11 có 100 DN tham gia, các DN cho biết, trong năm tới vẫn tiếp tục quan tâm tới việc đầu tư FDI vào VN. Điều này phù hợp với nhận định của các nhà nghiên cứu kinh tế Anh khi cho rằng "VN là nước có môi trường đầu tư hấp dẫn nhất".

Thứ hai, "tại một hội nghị đầu tư quốc tế tôi vừa tham dự, có 30% nhà đầu tư FDI tại TQ cho biết, nếu vì khó khăn, phải chuyển địa điểm đầu tư thì họ sẽ đến VN vì chi phí rẻ và vận chuyển gần" - ông Don Lam nói.

Chứng khoán VN đã sụt giảm mạnh, nhưng Hãng tin Bloomberg vẫn cho rằng "VN tiếp tục là một trong số ít nền kinh tế mới nổi nhận được dòng vốn đầu tư ròng vào danh mục đầu tư chứng khoán năm nay".

Theo nhận định của ông Alain Cany (Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Châu Âu, nguyên Chủ tịch Ngân hàng HSBC), VN chỉ bị ảnh hưởng gián tiếp bởi cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ, vì "hệ thống tài chính VN chưa thực sự kết nối với thị trường tài chính và dòng vốn quốc tế".

Sẵn sàng đón nhận cơ hội và đương đầu thách thức

Trên thực tế, nhiều tổ chức quốc tế có những báo cáo nghiên cứu đánh giá về tình hình kinh tế, tài chính, đầu tư tại VN vẫn có độ chênh nhất định. Ông Alain Cany nhận định: "Các báo cáo phân tích đúng mực vẫn đánh giá rằng, VN đã được chuẩn bị tương đối tốt để vượt qua giai đoạn đầy khó khăn và thách thức sắp tới".

Điển hình theo ông, quý II vừa qua, VN đã vượt qua những khó khăn tạm thời - thể hiện ở các chỉ số sản lượng thóc thu hoạch, lạm phát, tỉ giá USD/VND, vốn FDI, dự trữ ngoại tệ và tỉ giá USD/VND.

Trong bối cảnh VN bị ảnh hưởng do suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng việc cần làm để nâng cao hiệu quả đầu tư được Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ định hướng lại thu hút đầu tư. Các lĩnh vực SX vật liệu, năng lượng mới; công nghệ cao; cơ khí chế tạo; bảo vệ môi trường sinh thái; xây dựng hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực... sẽ được ưu tiên.

Đặc biệt, sự lo ngại về vấn đề gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu, sử dụng không hiệu quả tài nguyên đất, năng lượng, cấp phép ồ ạt phá vỡ quy hoạch... trở thành mối quan tâm hàng đầu, cần phải chấn chỉnh trong việc thu hút đầu tư FDI.

"Dòng vốn đầu tư gián tiếp vào VN sẽ ngừng trong năm 2009" - ông Don Lam thuật lại ý kiến từ hội nghị đầu tư do VinaCapital tổ chức. Theo ông Alain Cany, tốc độ giải ngân vốn FDI cũng "có thể chậm lại". Thị trường chứng khoán khó phục hồi nhanh do tác động của cuộc suy thoái kinh tế thế giới; nhưng theo ông, thị trường trái phiếu "sẽ có nhiều lợi thế".

Dự báo, chỉ tiêu XNK có thể phải điều chỉnh giảm từ 10%-15%. Song trong sự lo lắng về sụt giảm XK trong năm tới, ông Cany nhấn đến một điểm sáng là "VN có nhiều mặt hàng XK giá rẻ, có thể thay thế những mặt hàng XK giá cao hơn của khu vực Đông Á".

Bộ KHĐT: Tùy theo từng thời kỳ, vốn đầu tư FDI chiếm tỉ trọng từ 16,2%-29,9% vốn đầu tư xã hội, đóng góp khoảng từ 16%-24,2% GDP. Tính đến nay, đầu tư FDI chiếm khoảng 45% kim ngạch XNK, tạo ra việc làm cho khoảng 1,42 triệu lao động trực tiếp. Từ năm 1987 đến nay, đã có 82 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào VN, với gần 10.000 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 144,5 tỉ USD.


DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động