Top

Mua nhà tái định cư

Cập nhật 04/12/2007 16:00

Có một khoản tiền vừa đủ để nghĩ đến chuyện nhà cửa, chị bạn tôi quyết định ra riêng sau hơn một năm trời sống cảnh ở thuê. Thế nhưng, để sở hữu được một căn nhà đàng hoàng giữa lòng Sài Gòn hoa lệ không đơn giản. Nghe nói mua nhà tái định cư được trả góp, giá rẻ, chị bạn tìm tới.

Chủ nhà ở đâu?

Tiền ít, nhưng thích ở chung cư cao cấp hơn là ở "nhà nát", chị bạn mua vội tờ báo và bị hút hồn ngay bởi những lời quảng cáo hấp dẫn. Đại loại: "Bán nhà C/c Phú Thọ, Cây Mai trả trước 560 triệu, góp tiếp 10 năm...". Hay như: "Bán chung cư cao cấp Lạc Long Quân, Q.11, trả trước 400 triệu, góp 350 triệu trong vòng bảy năm...".

Chọn hai số điện thoại trong những mẩu quảng cáo hấp dẫn, chị bạn liên lạc với người bán, gặp rồi mới biết họ cũng chỉ là người mua nhà của chủ gốc rồi đứng ra bán lại. Khi được hỏi thông tin về người chủ gốc, là ai và đang ở đâu thì họ luôn miệng "đảm bảo cho chị mà, ở đây làm ăn uy tín không như mấy chỗ khác à".

Vài năm nay, nhờ chính sách quy hoạch đô thị, nhiều hộ dân lao động nghèo sinh sống tại những khu nhà tạm, chung cư cũ sắp sập hoặc nhà lấn chiếm, ổ chuột... đã có nhà chung cư khang trang sạch sẽ để ở. Đó chính là diện nhà tái định cư, được Nhà nước hỗ trợ nhiều.

Tuy nhiên, nhiều hộ dân được ưu đãi này không muốn ở hoặc không có điều kiện tiền bạc nên giao lại cho "cò" bán, lấy tiền dọn nơi khác ở. Việc mua bán giao phó cho "cò", người bán - người mua chỉ biết nhau khi ra phòng công chứng ký tên, ủy quyền.

Theo kiểu làm thủ tục này thì chủ gốc viết ủy quyền cho người mua để người mua có quyền thay mặt họ đóng tiền trả góp cho Nhà nước.

Khi nào góp xong, chủ gốc mới có chủ quyền nhà, sau đó sẽ sang tên lại cho người mua! Theo "lộ trình" này thì có vẻ người mua đang phải ở thuê trong chính ngôi nhà của mình - góp tiền để ở trong ngôi nhà không phải do mình làm chủ. Rủi ro của mua nhà tái định cư chính là ở điểm này.

Chị Hoàng, một người dân từng mua nhà tái định cư tại lô 5, chung cư Phú Thọ, Q.11 kể: "Tôi mua lại một suất nhà tái định cư qua cò, giá đã bị đội lên gần 300 triệu đồng. Tính để ở, sau thấy phức tạp quá, bên cạnh lại có công trường đang thi công, ồn ào trong khi con tôi còn nhỏ, buộc lòng phải bán".

Thế nhưng, chuyện bán nhà của chị Hoàng cũng trần ai: "Lặn lội năn nỉ chủ gốc hoài họ mới chịu ký cho mình bán lại. Họ trắng trợn bắt tôi chi tiền mới chịu ký. Mất mấy chục triệu còn thêm bực mình".

Chị Tâm, mới bán căn hộ tái định cư ở chung cư Phan Liêm, Q.1, bức xúc: "Nói chung cư cao cấp nhưng ở mới biết. Môi trường xung quanh phức tạp lắm. Hồi tôi bán, may mà chủ gốc đàng hoàng nên không đòi hỏi gì.

Nhưng cũng phải rước như rước vua từ dưới miệt Tiền Giang lên Sài Gòn để họ ký tên cho mình bán. Lỡ chủ gốc ra tận ngoài Bắc, ở Lào Cai hay Yên Bái gì đó thì mình tìm ở đâu, rước vô như thế nào?".

Trường hợp của anh H. giờ mới dở khóc dở cười: Dù đã được bạn bè cảnh báo về việc mua nhà tái định cư là rất mạo hiểm, giấy tờ phụ thuộc chủ gốc... thế nhưng vì ham mua nhà được trả góp, lại được ở gần trung tâm nên anh H. vẫn quyết mua.

Ở rồi mới bức bối không chịu nổi: Là chủ nhà nhưng đi thang máy phải móc tiền ra trả, mỗi lượt 500 đồng. Khách đến chơi nhà, không biết giá còn bị thu từ 1.000 - 2.000 đồng/lượt đi. Rồi hầm gửi xe chung cư thì bị giao khoán, lệ phí gửi xe 1 tháng 25.000 đồng theo quy định thì bị "quất" lên 30.000 - 50.000 đồng/xe, tùy lớn nhỏ.
 
Xe của người ở chung cư thì bị dồn vô một góc, diện tích còn lại bị trưng dụng để giữ xe cho người nơi khác gửi. Hầm xe chật như nêm, che cả lối dẫn lên thang bộ, lối thoát hiểm, thậm chí để tràn lên khoảng sân trước chung cư. Rồi diện tích công viên chung thì bị các hộ dân bên dưới trưng dụng làm quán cà phê, quán nhậu, hủ tiếu, phở...

Quy lụy những chữ ký giang hồ

Cách đây vài tháng, anh Hải có mua một căn hộ tại chung cư thuộc diện tái định cư sát trường đua Phú Thọ, P.15, Q.11. Anh Hải kể: "Thủ tục mua nhà gần xong thì mới lòi ra việc chủ nhà còn có một người con nghiện ma túy! Vì sợ không bán được nhà nên họ giấu.
 
Chúng tôi yêu cầu phải lấy được chữ ký người này thì mới dám mua. Họ nói, nó đang cai nghiện dưới miền Tây". Quá sợ hãi nhưng đã bỏ cọc nhà, không mua thì mất, anh Hải buộc lòng phải về miền Tây cấp tốc.

Đó là một trung tâm cai nghiện tư, nằm trong hẻm gồm gian nhà 2 tầng lầu có cửa sắt, trong đó, những người cai nghiện đang cởi trần, người nằm, người ngồi, người nghêu ngao hát. Bác sĩ đưa ra "ông chủ nhà" gầy quắt queo, tay chân run rẩy không cầm nổi cây viết.
 
Vừa sợ, vừa mừng vì việc ký tên đã hoàn tất, anh Hải hối hả chạy ra xe, lúc này mới thấy chân mình nhói lên, nhìn xem mới biết đã dẫm vô miểng thủy tinh bể từ ống thuốc. Gọi điện hỏi giám đốc trung tâm mới biết "không việc gì cả".

Một nhà đầu tư khác còn gặp "ông chủ nghiện" đưa ra cái giá cắt cổ mới chịu ký tên. Ngay từ khi khởi công xây dựng chung cư, nhà đầu tư này đã nhanh tay mua được phiếu bốc thăm mua nhà với giá rẻ. Thời gian thi công chung cư này cũng là lúc "chủ nhà" vô trại cai nghiện.

Đến khi chung cư xây xong, nhiều hộ dân đã vô nhận nhà thì nhà đầu tư này méo mặt bởi chủ đầu tư không chịu giao nhà. Họ chỉ đồng ý giao trong trường hợp chủ nhà (đang nằm trong trại cai nghiện) đồng ý ký cam kết "từ chối tài sản".
 
Không biết bằng cách nào, "chủ nhà" từ trong trại bắn tin ra: "Phải đưa 100 triệu tôi mới ký, không bớt một xu." Không thể nhận nhà nếu không có chữ ký của "ông chủ". Cũng không thể bỏ mất số tiền đã bỏ ra để mua nhà.

Nhà đầu tư này buộc lòng phải thương lượng giá để "nộp tiền" cho chủ cũ. Càng sợ hơn, nhà đầu tư đã bị đe dọa: "100 triệu là giá khi còn nằm trong trại. Đến khi tôi ra rồi, giá còn cao hơn, thậm chí làm đơn kiện để lấy lại nhà". Nhà đầu tư này vẫn đang tiến thoái lưỡng nan...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại chung cư Phú Thọ, nhiều người đã mua phiếu bốc thăm nhà nhưng đến nay không thể nhận nhà bởi chủ gốc đòi giá quá cao mới chịu ký tên. Nhiều căn, giá ký tên lên đến 120, 150 triệu đồng.

Ngoài ra, nhiều trường hợp đã mua bán xong, chủ mới muốn bán nhà cho người khác lại phải quay về tìm chủ gốc. Để bán được nhà, phải mất cho chủ gốc từ 20 triệu đồng/một lần ký tên. Ngoài ra, nhiều trường hợp, chủ mới đã trả hết tiền góp cho Nhà nước nhưng vẫn không thể có chủ quyền nhà, tức là nhà vẫn đứng tên chủ gốc.

Việc chậm trễ này, theo lý giải của cơ quan chức năng thì "chỉ khi cả một lầu, hoặc cả một lô góp xong tiền cho Nhà nước mới tiến hành làm sổ chủ quyền một loạt, không làm riêng lẻ từng hộ".

Mua nhà "theo lối chung cư" là thuật ngữ đã trở nên quen thuộc với nhiều văn phòng luật sư, bởi họ đã đối mặt với nhiều trường hợp nan giải mà thân chủ họ bị kẹt vô thế dở khóc dở cười như trên.
 
Thường thì để chắc ăn, nhiều luật sư sẽ tư vấn cho thân chủ mình, yêu cầu chủ gốc phải viết thêm một giấy viết tay nhận nợ, số tiền tương đương với tiền mua nhà. Theo đó, khi người mua đã trả góp hết tiền cho Nhà nước thì chủ gốc bắt buộc phải ra làm chủ quyền, chuyển nhượng mà không được đòi hỏi bất cứ khoản thù lao nào.
 
Để trường hợp xấu nhất xảy ra, khi tranh chấp, tòa sẽ xử những trường hợp mua bán trên không hợp lệ, người mua còn có thêm cơ sở để đòi lại tiền đã trả mua nhà. Tuy nhiên, đa số các luật sư vẫn khuyên rằng không nên mua những dạng nhà bị Nhà nước cấm mua bán như trên, vì có rất nhiều rủi ro, rắc rối khó lường.



Theo Thanh Niên