Trong thời gian tới Sở Xây dựng sẽ đề nghị UBND TP. Hà Nội chi tiền để tiến hành thẩm định về giấy tờ, giá cả các dự án nhà ở thương mại được chủ đầu tư gửi hồ sơ chào bán. Sau khi đủ điều kiện sở sẽ tiến hành tư vấn cho người dân tái định cư trực tiếp đến mua với giá cả hợp lý.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn.
|
Đây là quan điểm được ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội nêu ra tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội diễn ra chiều ngày 9.4.
*
Hiện nay tổng cầu về nhà ở xã hội của thành phố Hà Nội là bao nhiêu, thưa ông?
Theo tổng hợp của chúng tôi thì hiện nay nhu cầu nhà ở xã hội được 118 đơn vị với 193.161 người đăng kí, trong đó tập trung chính vào đối tượng cán bộ công nhân viên trên địa bàn Hà Nội (chưa có các nhu cầu khác). Về cơ quan trung ương có 35 đơn vị gửi số liệu với 157.053 người có nhu cầu, còn các đơn vị thành phố có 36.108 người có nhu cầu của 83 đơn vị. Đối với dạng nhà ở xã hội và nhà ở thu nhập thấp hiện nay nhu cầu còn tương đối cao. Theo chương trình 06 của Thành ủy đến năm 2015 phải xây dựng 15.500 căn hộ với diện tích 1,2 đến 1,5 triệu mét vuông, đối với nhà công nhân 28.750 căn với 1,6 triệu m2.
*
Nhà ở xã hội và nhà ở thu nhập thấp có gì khác nhau không, thưa ông?
Nhà ở xã hội diện tích nhỏ nhất là 35m2 và phục vụ mục tiêu cho thuê và thuê mua. Còn nhà ở thu nhập thấp diện tích 70m2 nhằm thu hút đối tượng khó khăn về nhà ở nhưng vẫn có khả năng để trả tiền mua nhà, được miễn tiền chuyển quyền sử dụng đất, còn lại doanh nghiệp bỏ tiền ra.
*
Về việc chuyển đổi các dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hộ thì doanh nghiệp cần tuân thủ những tiêu chí nào, thưa ông?
Theo thông tư 10 của Bộ Xây dựng về nguyên tắc chuyển đổi dự án có 3 nguyên tắc: Nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội được điều chỉnh tăng mật độ xây dựng và diện tích sử dụng đất nhưng phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn thiết kế nhà ở xã hội về bán cho thuê mua đúng đối tượng quy định; chuyển đổi nhà ở thương mại sang công trình dịch vụ phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn quy định tối thiểu và thực hiện quản lý khai thác dữ liệu công trình xây dựng; các dự án đã nộp tỷ dụng đấy thì được nhà nước hoàn trả lại số tiền đã nộp hoặc được khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính.
Còn về việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ được tuân thủ theo 5 nguyên tắc:
1. An toàn tiện lợi.
2. Căn hộ diện tích nhỏ sau khi chuyển đổi phải có đủ không gian diện tích sử dụng tối thiểu như bếp công trình phụ khép kín.
3. Diện tích căn hộ sau khi chuyển đổi không thấp hơn tiêu chuẩn tối thiểu về thiết kế nhà ở thương mại theo quy định pháp luật, tối thiểu 45m2.
4. Dự án chỉ được điều chỉnh căn hộ nhưng không thay đổi diện tích sàn xây dựng theo quy hoạnh đã được cấp tổng diện tích sàn thì không phải xem xét chỉ tiêu về dân số và không áp dụng các quy định về diện tích cơ cấu căn hộ.
5. Trường hợp dự án khi điều chỉnh cơ cấu căn hộ mà tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở thay đổi so với quy hoạch đã được cấp chuẩn phê duyệt thì phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/500.
*
Vậy sau khi chuyển đổi, những dự án nào sẽ được hỗ trợ về thuế và tiền sử dụng đất, thưa ông?
Căn hộ sau khi chuyển đổi từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội phải đảm bảo có diện tích dưới 70m2, giá bán cho người dân dưới 15 triệu đồng/m2. Khi doanh nghiệp cam kết thực hiện điều kiện bắt buộc này sẽ được thành phố hỗ trợ về thuế, tiền sử dụng đất.
*
Sau khi thành phố Hà Nội có chủ trương mua lại các dự án bất động sản chậm tiến độ do thiếu vốn, nhiều doanh nghiệp bất động sản đang rất hào hứng. Tuy nhiên, cái vướng hiện nay họ vẫn chưa rõ là thành phố định mua theo những tiêu chí nào và giá thành chào mua là bao nhiêu. Vậy xin ông cho biết Hà Nội có những tiêu chí gì để triển khai chủ trương trên?
Thành phố có chủ trương mua lại các dự án thương mại để phục vụ cho mục đích tái định cư. Nhưng vấn đề hiện nay đặt ra là nhà ở thương mại khi mua cần phải có 2 điều kiện, chủ đầu tư có bán hay không, và thành phố có mua hay không. Bởi vì nếu dự án của anh mà không phù hợp với mục đích tái định cư, giá bán quá cao thì chúng tôi cũng không mua. Để hiện thực hóa điều này sang tuần tới Sở Xây dựng sẽ họp tổ công tác thống nhất các tiêu chí trình UBND thành phố. Lúc đó dự án nào mua, dự án nào không mua sẽ được Sở Xây dựng công bố công khai.
Bên cạnh đó sau khi công bố các dự án có khả năng mua được Sở Xây dựng sẽ đề nghị thành phố chi một khoản tiền để tiến hành thẩm định về giá, thủ tục của các dự án đấy sau đó giới thiệu cho người dân bị thu hồi đất khi giải phóng mặt bằng trực tiếp đến mua. Làm tốt khâu này vừa đảm bảo cho người dân mua được đúng giá, vừa đảm bảo giấy tờ an toàn hợp pháp.
*
Hiện nay thành phố Hà Nội đã quyết định mua một dự án nào chưa, thưa ông?
Chúng tôi đã có chủ trương chào mời các doanh nghiệp bán, nhưng tính cho đến thời điểm này Sở Xây dựng được UBND TP. Hà Nội giao cho làm đầu mối vẫn chưa tiếp nhận được một hồ sơ nào. Tuy nhiên theo tôi trong thời gian tới khi đã có bộ tiêu chí chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp tham gia chào bán.
Xin cảm ơn ông!
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: