Top

“Mốt” xây nhà chọc trời

Cập nhật 11/09/2010 14:30

Xu hướng xây nhà chọc trời mới xuất hiện ở VN nhưng chỉ trong thời gian ngắn, liên tiếp các kỷ lục về tòa nhà cao nhất nước bị xô đổ.

Kỷ lục liên tiếp bị xô đổ

Kể từ ngày khởi công (năm 2007) đến nay, Keangnam Hanoi Landmark Tower luôn chiếm vị trí số 1 trong danh sách các công trình cao nhất Việt Nam. Tòa nhà này cao 336m, với 70 tầng, hiện đã hoàn thành phần xây thô với lễ cất nóc diễn ra vài tháng trước.

Để trở thành “tòa nhà cao nhất Việt Nam”, Keangnam Hanoi Landmark Tower đã phải chinh phục độ cao 262,5m, với 68 tầng của Bitexco Financial Tower (TP.HCM) được khởi công từ năm 2005.

Tuy nhiên, “ngôi vị” của Keangnam Hanoi Landmark Tower hiện đang bị lung lay, khi các chủ đầu tư khác mới đây liên tiếp công bố các dự án nhà chọc trời đều cao trên 100 tầng. Cụ thể, Tập đoàn Kinh Bắc vừa xin ý kiến UBND TP Hà Nội thay đổi số tầng, công năng sử dụng của dự án khách sạn Lotus dự kiến lên tới 100 tầng, cao 400m. Trong khi đó, Tập đoàn dầu khí VN dự kiến sẽ khởi công xây dựng tòa nhà cao trên 500m với 102 tầng vào năm 2011 trên khu đất 25 ha thuộc huyện Từ Liêm (Hà Nội).

Tòa nhà Bitexco
Trước đó, những cuộc “lật đổ” không đình đám nhưng cũng là các cột mốc đáng nhớ cho xu thế “lên trời” của các tòa nhà tại các thành phố lớn. Bitexco Financial Tower đã phải vượt qua những tên tuổi thuộc dạng “khủng” về chiều cao công trình như: Saigon Trade Center (33 tầng), Vietcombank Bonday - Benthanh Tower (35 tầng) và Saigon Pearl (37 tầng)… để trở thành “tòa nhà cao nhất TP.HCM”. Khi còn là đương kim “tòa nhà cao nhất thủ đô”, tòa nhà 34 tầng của Vinaconex tại Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính cũng mới chỉ cao 136m. Kỷ lục này nhanh chóng bị xô đổ bởi tòa nhà Ha Noi City Complex với 65 tầng (cao 195m).

Các tòa nhà chọc trời không chỉ “đỉnh” về chiều cao công trình mà còn được thiết kế hiện đại, cung cấp những căn hộ hạng sang, những khu mua sắm cao cấp, khu sinh hoạt cộng đồng đẳng cấp.

“Lên trời” để marketing?

Các kiến trúc sư cho rằng, nhà chọc trời được ví như là một trong những biểu tượng của những thành phố hiện đại. Theo TS Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Mỹ là nước đầu tiên trên thế giới xây dựng nhà “siêu cao”. Sau đó, xu hướng này lan rộng ra nhiều nước trên thế giới với sự xuất hiện hàng loạt các công trình cao hàng trăm mét. “Hiện nay, trong mỗi một nước, mỗi khu vực và thậm chí là trên toàn thế giới đang có phong trào lập ra những kỷ lục về độ cao. Các công trình cao kỷ lục này đã góp phần tạo nên tên tuổi cho mỗi thành phố và mỗi đất nước. Nói đến tòa tháp đôi Petronas, người ta biết ngay đến Malaysia; nhắc đến Shanghai World Financial Centre thì mọi người nghĩ đến Trung Quốc…”, ông Liêm nói.

Tại Việt Nam, theo các chuyên gia quy hoạch và kiến trúc, xu hướng xây tòa nhà “siêu cao” mới chỉ xuất hiện cách đây trên dưới chục năm, chủ yếu tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội, ông Nguyễn Lân cho rằng, trình độ kỹ thuật, khả năng chống động đất, mưa bão… hạn chế là những nguyên nhân khiến ta bắt nhịp chậm so với các nước trong việc xây dựng nhà cao tầng. Gần đây, khi kinh tế đất nước phát triển, trình độ kỹ thuật xây dựng được nâng cao đã cho phép chúng ta từng bước chinh phục chiều cao của các công trình để đáp ứng nhu cầu thực tế của cuộc sống hiện đại.

Với những tòa nhà cao kỷ lục đã xây dựng và sắp sửa được khởi công như nêu trên, TS Phạm Sỹ Liêm nói rằng, Việt Nam đang từng bước tiếp cận với độ cao kỷ lục của các công trình trên thế giới. Thậm chí, chúng ta hoàn toàn có thể có những công trình được xếp vào “top” cao nhất thế giới. Nhận định này hoàn toàn có cơ sở nếu biết rằng, ngoài tòa nhà Burj Khalifa (Dubai) là công trình do con người xây dựng cao tới 828m thì một loạt các công trình nằm trong “top” những tòa nhà cao nhất thế giới và khu vực châu Á như Taipei 101 (Đài Loan), Shanghai World Financial Centre (Trung Quốc) cũng chỉ cao lần lượt là 508m và 492m, hay tháp đôi Petronas của Malaysia cao 88 tầng...

Theo TS Liêm, về phương diện lợi ích, các tòa nhà chọc trời này có ưu điểm là tận dụng đất đai và biến không gian trên trời vốn là của chung thành tư mà không mất tiền. Xây nhà chọc trời cũng có tác dụng thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật xây dựng bởi mỗi một lần “lên cao” như thế, đều đòi hỏi phải có những giải pháp kỹ thuật mới, tiến bộ hơn. Và không phải ai cũng có thể xây nhà chọc trời vì kinh phí đầu tư cao, thời gian thu hồi vốn kéo dài. Đó chỉ có thể là các chủ đầu tư có tiềm lực kinh tế thuộc vào hạng “khủng”.

Việc các “đại gia” liên tiếp chinh phục các đỉnh cao mới về chiều cao công trình cộng với thiết kế độc đáo và hiện đại của các công trình, theo ông Liêm, chính là một chiêu đánh bóng thương hiệu. “Phá kỷ lục về chiều cao chính là điểm nhấn quan trọng và phục vụ đắc lực cho chiến dịch marketing của chủ đầu tư. Vì chiều cao đặc biệt, nhiều người sẽ biết đến tòa nhà đó, biết đến chủ đầu tư, biết đến đơn vị thi công và những ai thiết kế ra nó. Vì lợi thế về chiều cao đặc biệt, chủ đầu tư cũng dễ dàng thu hút khách hàng đến với mình hơn, nhất là trong việc bán các căn hộ trong tòa nhà đó”, ông Liêm nói.

Ông Nguyễn Lân lưu ý, tuy nhà chọc trời có ưu việt là chiếm đất không nhiều nhưng nếu xây nhiều nhà siêu cao vào một khu vực sẽ dẫn đến sự quá tải về hạ tầng, khiến chất lượng cuộc sống của cư dân ở đó bị ảnh hưởng không ít. Vì thế, các thành phố cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định phê duyệt các dự án xây nhà chọc trời, tránh những hệ lụy đáng tiếc về sau.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động