Bộ Xây dựng sắp ban hành quy định mới nhằm tạo thêm sự thông thoáng cho thị trường cũng như mang lại nhiều sự thuận lợi hơn cho NTD, song nhiều ý kiến lo ngại, những “cánh cửa mở” này liệu có tới được tay người dân?
“Rộng cửa” vì có… niềm tin?
Theo Bộ Xây dựng, NHNN đã xác nhận đăng ký hợp đồng cho vay đối với 19 doanh nghiệp (DN) với số tiền 1.701 tỷ đồng, trong đó các ngân hàng đã giải ngân cho 12 DN 566,5 tỷ đồng.
Đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân, đã có 5 ngân hàng cam kết cho vay 2.687 trường hợp với tổng số tiền 1.013 tỷ đồng; trong đó, hầu hết khách hàng đều có “tiền tươi thóc thật” trong tay.
Như vậy, hơn 2.700 tỷ đồng được “lên kệ” , tức là nếu coi gói vay như việc xây một tòa nhà 10 tầng, ta mới xây xong… tầng 2. Cứ tốc độ này, phải mất gần chục năm để “tòa nhà” hoàn thành. So với mục tiêu 3 năm hoàn thành giải ngân, có lẽ ai cũng nghĩ đây là một nhiệm vụ khó khả thi. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế thời điểm tháng 1-2014, chúng ta mới giải ngân hơn 800 tỷ đồng, nghĩa là chưa xây xong tầng trệt của tòa nhà, thì rõ ràng, tốc độ “thi công” đang tăng theo cấp số nhân. Và theo đó, công trình 30.000 tỷ đồng đang “thoát”.
Đồng thời với những chính sách mới về quản lý nhà ở như đề xuất giao dịch không phải thông qua sàn, chính nhu cầu thực tế của người dân là nguyên nhân của sự thay đổi. Theo ông Nguyễn Văn Tùng – Phó TGĐ một Cty CP dịch vụ BĐS, hiện nay, nhu cầu vay từ gói 30.000 tỷ đồng đang rất được nhiều người quan tâm, đợt mở bán căn hộ dự án Cty ông vừa qua đã có hàng trăm khách hàng tiếp cận và hơn 50 khách hàng vay thành công từ gói hỗ trợ này tại dự án. Có thể nói, bây giờ là thời điểm thiên thời, địa lợi và nhân hòa để vay vốn ưu đãi mua nhà thu nhập thấp.
Tuy “thoát” là vậy, song có vẻ vẫn là chưa đủ với các cơ quan chức năng khi mới đây, Bộ Xây dựng tiếp tục ký một Thông tư liên tịch cùng NHNN, Bộ TN-MT và Bộ Tư pháp, theo đó mở rộng hàng loạt cánh cửa gói vay 30.000 tỷ đồng. Do đó, cho phép các đối tượng thu nhập thấp có thể dùng căn hộ mua tại dự án nhà thu nhập thấp, nhà xã hội để thế chấp tại ngân hàng khi vay vốn từ gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở của Chính phủ.
Bộ Xây dựng cho rằng, đây là bước đột phá quan trọng trong các quy định về điều kiện, thủ tục cho người thu nhập thấp khi vay gói 30.000 tỷ đồng để mua nhà. Bởi trước đó, để có thể vay được, các ngân hàng buộc người vay phải chứng minh khả năng trả nợ hoặc phải có tài sản khác thế chấp.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam còn “bật mí”, tới đây, người thu nhập thấp khi vay vốn mua nhà, thay vì phải “hai con dấu” xác nhận của cơ quan đang làm việc và chính quyền địa phương, thì chỉ cần “một con dấu” xác nhận về tình trạng nhà ở và thu nhập là có đủ điều kiện vay vốn mua nhà. Khi chỉ cần “một cửa”, rõ ràng gói vay 30.000 tỷ đồng sẽ có nhiều biến chuyển. Song nhiều người lo ngại, sự biến chuyển ở đây sẽ là những tiêu cực trong công tác khai báo khi chỉ cần “một con dấu” là cơ quan.
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, “sẽ có hậu kiểm” và tin vào sự giám sát lẫn nhau của các đồng nghiệp trong cơ quan người khai báo(?!). Ông Nguyễn Trần Nam cho rằng, quy định như vậy tạo điều kiện tối đa cho người dân về các thủ tục, hồ sơ giấy tờ để họ có thể nhanh chóng có nhà ở. Nhưng thực tế, những cánh cửa mở này sẽ được ai bước vào, người dân hay những kẻ lợi dụng đầu cơ?
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, pháp luật quy định việc người khai báo và lãnh đạo đơn vị khi ký vào bản xác nhận phải chịu trách nhiệm về những thông tin của người vay vốn mua nhà. Tuy nhiên, dư luận lo ngại, việc tạo điều kiện này đồng thời khiến tiêu cực dễ xảy ra. Khi “chuyện đã rồi” lại chạy theo xử lý thì liệu có là “vẽ đường cho hươu chạy”?
Chị Nguyễn Tố Nga, nhân viên một ngân hàng thương mại ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, nêu ý kiến: Bộ Xây dựng vốn không giữ nguồn tiền cho vay mà chỉ là cơ quan thẩm định dự án đủ điều kiện và nhận biết nhu cầu mua nhà của người dân. Thực tế khi cho vay, chuyện có “một dấu, một cửa” hay không chỉ là một điều kiện nhỏ.
Theo Bộ Xây dựng, gần 10% gói vay 30.000 tỷ đồng đã được cam kết cho vay. Ảnh:TL
|
Bộ Xây dựng cho biết, sẽ ban hành quy định người sở hữu nhà ở xã hội không được chuyển nhượng trong 5 năm (quy định hiện hành là 10 năm); hướng dẫn nới lỏng điều kiện mua nhà ở xã hội từ chưa có nhà ở hoặc nhà ở chật hẹp dưới 8m2/người (trước đây là dưới 5m2/người); bổ sung đối tượng công nhân các cơ sở sản xuất ngoài KCN cũng được mua nhà ở xã hội (trước đây chỉ có đối tượng công nhân KCN được thuê nhà ở xã hội)… Dư luận đặt câu hỏi, liệu những chính sách nới rộng này, có tới được tay người dân?
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: