Mỗi công dân chỉ được đăng ký thường trú tại một chỗ ở hợp pháp và là nơi thường xuyên sinh sống. Đối với chỗ ở do thuê, mượn hoặc ở nhờ tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh phải bảo đảm diện tích tối thiểu là 5m2 sàn/người.
Luật Cư trú và những Nghị định hướng dẫn đã góp phần giải quyết nhanh chóng quyền lợi của nhân dân liên quan đến hộ khẩu, thường trú, tạm trú... |
Đây là những nội dung quan trọng được Chính phủ quy định tại Nghị định số 56/2010/NĐ-CP ngày 24/5/2010 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2007/NĐ-CP ngày 25/6/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Cư trú. Các quy định mới này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/7/2010.
Cụ thể, các hành vi lạm dụng quy định về hộ khẩu làm hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân bị nghiêm cấm trước đây gồm 5 trường hợp, nay được sửa đổi, bổ sung thêm 2 trường hợp: Cho người khác nhập hộ khẩu vào sổ hộ khẩu, chỗ ở của mình để trục lợi hoặc cho nhập hộ khẩu vào cùng một chỗ ở, nhưng không đảm bảo diện tích sàn tối thiểu trên đầu người theo quy định; ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với người lao động không thuộc doanh nghiệp của mình để nhập hộ khẩu.
Theo đó, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh hành vi lạm dụng quy định về hộ khẩu làm hạn chế, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Đây cũng là nội dung mới được sửa đổi, bổ sung tại Điều 3 của Nghị định 107/2007/NĐ-CP trước đây.
Về nơi cư trú của công dân, trước đây chỉ quy định: "Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu, sử dụng của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật". Nay, Nghị định mới đã bổ sung thêm quy định: Mỗi công dân chỉ được đăng ký thường trú tại một chỗ ở hợp pháp và là nơi thường xuyên sinh sống. Đối với chỗ ở do thuê, mượn hoặc ở nhờ tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh phải bảo đảm diện tích tối thiểu là 5m2 sàn/người.
Quy định mới này có thể thấy là rất phù hợp với thực tiễn tại 2 thành phố lớn. Vì đã có trường hợp diện tích nhà quá nhỏ nhưng chủ nhà vẫn đồng ý cho thêm người lấy địa chỉ nhà mình làm nơi thường trú.
Giấy tờ chứng minh để đăng ký thường trú, tạm trú
Ngoài 10 loại giấy tờ khác đã được quy định tại khoản 1 Điều 5 thì giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký thường trú còn bao gồm cả giấy tờ chứng minh việc cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp là cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở, nhà khác của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân (trường hợp hợp đồng cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở, nhà khác của cá nhân phải được công chứng hoặc chứng thực của UBND cấp xã).
Đối với nhà ở, nhà khác tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh trong hợp đồng phải ghi rõ diện tích cho thuê, mượn, ở nhờ.
Đối với giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký tạm trú chỉ cần là một trong những giấy tờ quy định tại khoản 1 nói trên, trừ trường hợp giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp là hợp đồng cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở, nhà khác của cá nhân thì hợp đồng đó không cần công chứng hoặc chứng thực của UBND cấp xã. Ngoài ra, cần văn bản cam kết của công dân về việc có chỗ ở thuộc quyền sử dụng của mình và không có tranh chấp về quyền sử dụng nếu không có một trong các giấy tờ quy định nói trên.
Tạm trú liên tục 1 năm tại chỗ ở hợp pháp là điều kiện để đăng ký thường trú
Đối với điều kiện công dân tạm trú được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương, trước đây quy định tạm trú liên tục tại một chỗ ở tại thành phố trực thuộc Trung ương mà thời hạn tạm trú tại chỗ ở đó từ một năm trở lên; hoặc tạm trú liên tục tại nhiều chỗ ở khác nhau tại thành phố trực thuộc Trung ương mà thời hạn tạm trú tại tất cả các chỗ ở đó từ một năm trở lên.
Tại Nghị định mới, công dân sẽ được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương nếu công dân đó đang tạm trú có đủ các điều kiện: Có chỗ ở hợp pháp tại thành phố trực thuộc Trung ương và tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ một năm trở lên; nơi đề nghị được đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú.
Nghị định mới cũng quy định rõ, giấy tờ chứng minh thời hạn tạm trú là một trong các giấy tờ sau: Sổ tạm trú cấp cho hộ gia đình hoặc cấp cho cá nhân theo mẫu quy định của Bộ Công an; xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn về thời gian và nơi đăng ký tạm trú (đối với các trường hợp đăng ký tạm trú nhưng không cấp sổ tạm trú).
Luật Cư trú đã được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29/11/2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007. Chính phủ cũng đã có Nghị định số 107/2007/NĐ-CP, ngày 25/6/2007, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Cư trú.
DiaOcOnline.vn - Theo Website Chính Phủ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: