Tình trạng "treo" giấy tờ nhà hiện xảy ra đối với tất cả những khu đô thị mới, khu tái định cư ở Hà Nội. Hàng nghìn trường hợp mua nhà ở các khu Nam Trung Yên, khu Đền Lừ, khu Nam Thăng Long... đều phải chờ đợi từ rất lâu.
Tưởng rằng mua nhà dự án sẽ không gặp phiền phức khi đăng ký giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất như cam kêt của các chủ đầu tư. Thế nhưng ông Nguyễn Văn Trường đã chuyển về ở trong dự án tái định cư 5,3 ha Dịch Vọng (Cầu Giấy) gần 4 năm nay vẫn chưa được cấp giấy tờ. Ông Trường phàn nàn: "Tiền chúng tôi đã trả, giấy tờ thủ tục cũng không có vướng mắc vì đây là nhà tái định cư nhưng không hiểu vì lý do gì chờ mãi không được cấp giấy chứng nhận. Hỏi thì cơ quan quản lý cứ khất, nói đang làm thủ tục".
Không chỉ riêng gia đình ông Trường mà tình trạng "treo" giấy tờ nhà hiện xảy ra đối với tất cả những khu đô thị mới, khu tái định cư ở Hà Nội. Hàng nghìn trường hợp mua nhà tái định cư, nhà dự án tại các khu Nam Trung Yên, khu Đền Lừ, khu Nam Thăng Long... cũng đã phải chờ đợi từ rất lâu mặc dù trong cam kết khi bán nhà dự án hoặc bàn giao nhà tái định cư, đây là loại nhà mặc nhiên được cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà và sử dụng đất.
Giải thích cho sự chậm trễ này, một lãnh đạo cấp cao của thành phố cho rằng, vấn đề cấp giấy chứng nhận cho nhà tái định cư, nhà dự án... đã trở nên phức tạp sau khi xuất hiện hai loại giấy mới theo quy định của Luật Nhà ở. Theo lãnh đạo thành phố, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo Luật Nhà ở (từ một giấy chứng nhận thành hai loại), vừa gây khó khăn cho người dân trong việc sử dụng nhà đất, vừa gây tốn kém cho cơ quan Nhà nước.
Ngoài ra, việc cấp hai loại giấy chứng nhận cho đất và tài sản trên đất cũng gây lúng túng, phiền hà cho người sử dụng khi tham gia thị trường bất động sản. Đó là chưa kể những rắc rối pháp lý phát sinh trong thế chấp, cầm cố tài sản với ngân hàng, bởi cùng một thửa đất nhưng có thể giấy chủ quyền nhà do một người nắm, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại nằm trong tay người khác. "Thế chấp đất nhưng không thế chấp nhà, khi xảy ra chuyện làm sao bê nhà đi chỗ khác được", Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất, Trịnh Kiên Đĩnh, nêu ví dụ.
Giải pháp của Hà Nội đưa ra là sẽ chỉ cấp một giấy cho cả nhà và đất rồi giao cho một đầu mối thực hiện là Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất. Ông Đĩnh cho biết, Sở này đã trình phương án cấp giấy chứng nhận (sổ hồng) theo Nghị định 90/NĐ-CP, trong đó dự kiến có ba nhóm nhà ở được ưu tiên cấp "sổ hồng" trước gồm nhà ở tự quản, nhà tái định cư và toàn bộ nhà ở, biệt thự, nhà vườn... thuộc các dự án phát triển nhà của thành phố.
Các trường hợp này sẽ được làm trước bởi đã có sơ đồ nhà chi tiết, người dân sẽ không phải tham gia kê khai, đo vẽ lại. Trả lời câu hỏi có cấp giấy chứng nhận hay không đối với các trường hợp được cấp đất ở tái định cư nhưng chưa có điều kiện xây nhà ở, ông Đĩnh nói, Hà Nội vẫn cấp như bình thường mà không nhất thiết phải chờ xây dựng xong nhà mới cấp giấy chứng nhận.
Tuy nhiên, phương án dự kiến áp dụng kể trên của Hà Nội không nhận được sự thống nhất từ Bộ Xây dựng. Như vậy, nhiều khả năng những người đang sở hữu nhà dự án, nhà tái định cư sẽ còn phải tiếp tục chờ.
Theo Thanh Niên
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: