Top

Mất tiền mua nhà qua thứ cấp

Cập nhật 25/07/2013 14:46

Mua nhà thông qua các công ty thứ cấp đang khiến nhiều người dân đứng trước nguy cơ mất “cả chì lẫn chài”.

Khách hàng bị bỏ rơi

Có thể kể đến dự án Victoria Văn Phú, do CTCP Đầu tư Văn Phú - Invest làm chủ đầu tư, khi rất nhiều khách hàng của dự án này đang đối mặt với nguy cơ không thể nhận nhà do một số công ty thứ cấp không hoàn thành nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư.

Cụ thể, thời điểm mở bán cuối năm 2010, CTCP Đầu tư Văn Phú-Invest đã ký kết hợp đồng mua bán với một số công ty thứ cấp như BĐS Thế Kỷ, An Thịnh, Đông Thiên Phú, Landmark... Theo cam kết hợp đồng, đến thời điểm chuẩn bị bàn giao nhà vào quý III-2013, các công ty thứ cấp phải nộp 90 -95% giá trị hợp đồng.

Tuy nhiên, dù khách hàng đã nộp tiền lên đến 70% giá trị hợp đồng, một số công ty thứ cấp lại không chuyển tiền cho chủ đầu tư. Kết quả sau một thời gian dài “thúc nợ” không có kết quả, chủ đầu tư đình chỉ hợp đồng mua bán căn hộ tại dự án này đối với 2 đơn vị thứ cấp là Lanmak thuộc TCT Xây dựng nhà Hà Nội và CTCP Tập đoàn Đông Thiên Phú, tiến hành thủ tục thanh lý, thu hồi, đẩy hàng trăm khách hàng vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Vụ việc tương tự cũng xảy ra tại dự án Trung Văn - Từ Liêm, CTCP Đầu tư và xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư. Theo đó, năm 2011, đơn vị thứ cấp của dự án là CTCP Hạ Long đã huy động vốn của hàng chục khách hàng mua nhà với số tiền lên đến 90% giá trị hợp đồng.

Tuy nhiên, công ty này chỉ chuyển cho chủ đầu tư 70% giá trị hợp đồng khiến cho cuối năm 2012, dự án hoàn thành nhưng những khách hàng mua nhà thông qua CTCP Hạ Long “chết đứng” vì tiền đã trao mà nhà không được nhận.

Mới đây nhất, dự án VP5 Linh  Đàm của Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu. Cũng giống như nhiều dự án BĐS khác, chủ đầu tư dự án này đã bán phần lớn căn hộ trọn gói cho các nhà đầu tư thứ cấp và chính các nhà đầu tư thứ cấp này đã khiến dự án giá rẻ này “sốt nóng” khi liên tục rao bán với số tiền chênh lệch lên tới hàng trăm triệu đồng.

Mới đây dự án này đã bị Thanh tra xây dựng quận Hoàng Mai đình chỉ thi công và Bộ Xây dựng tiến hành thanh tra khiến cho giao dịch nhanh chóng “đóng băng”. Việc chưa đáp ứng đầy đủ cơ sở pháp lý mà vẫn tiếp tục thực hiện và rao bán căn hộ cũng khiến hợp đồng mua nhà dự án này đứng trước nguy cơ bị vô hiệu. Những động thái này khiến không chỉ các đơn vị thứ cấp đứng ngồi không yên vì đã lỡ “ôm hàng”, mà nhiều khách hàng cũng lo sợ vì có thể mất trắng khoản tiền “chênh lệch” đã chi cho thứ cấp lên đến hàng trăm triệu đồng.

Quá nhiều rủi ro

Vụ tranh chấp tại Victoria Văn Phú cho đến nay vẫn chưa có hồi kết và hàng trăm khách hàng vẫn đang ở trạng thái “lửng lơ” sau hàng chục cuộc họp giữa 3 bên: Nếu ký hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư phải đối mặt với nhiều điều khoản bất lợi trong hợp đồng, trong đó có việc phải bỏ thêm tiền so với giá trị thực của căn hộ; nếu ký tiếp với công ty thứ cấp lo sợ tiền của mình lại tiếp tục chảy “sai dòng”, đặc biệt sẽ không ai đảm bảo cho các hợp đồng đó khi một số đơn vị thứ cấp  đã bị chủ đầu tư đình chỉ hợp đồng.

Dự án VP5 Linh Đàm cũng đã để lại một “quả đắng” khi khả năng mất trắng khoản tiền chênh lệch đã bỏ ra cho các đơn vị thứ cấp là rất cao nếu cơ quan chức năng kết luận dự án sai phạm.

Trên thực tế, khách hàng mua lại căn hộ đều phải ký với nhà đầu tư thứ cấp, không trực tiếp với chủ đầu tư nên công ty thứ cấp phải có nghĩa vụ và trách nhiệm hoàn trả lại tiền theo đúng như cam kết đã ký với khách hàng.

Tuy nhiên, trong điều kiện thị trường BĐS suy yếu, khả năng tài chính của các nhà đầu tư thứ cấp vô cùng khó khăn, nguy cơ khách hàng không thể nhận tiền cũng như nhận nhà càng tăng cao. Cùng với đó, khi phần lỗi không thuộc về chủ đầu tư cũng khiến cho cuộc “chiến đấu” của khách hàng càng trở nên bất lợi hơn.

Dù có đưa ra tòa án để giải quyết bằng pháp luật, khả năng nhận được tiền, nhà cũng rất thấp, chính vì vậy đa phần khách hàng đều “ngậm bò hòn làm ngọt”, tìm cách thương lượng với chủ đầu tư để có thể tiếp tục mua căn hộ.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư