Chủ đầu tư và nhà thầu thi công các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát tiến độ, chất lượng công trình do mặt bằng vẫn đang là “con ngựa khó thuần”.
Chủ đầu tư lo bị phạt
“Đã có thể khẳng định phần cầu chính cùng hệ thống cầu dẫn, đường chính tuyến Dự án Xây dựng cầu Nhật Tân chắc chắn sẽ hoàn thành và thông xe kỹ thuật vào tháng 10/2014.
Điểm nghẽn giải phóng mặt bằng tại nút Phú Thượng, Nhật Tân của Dự án Xây dựng cầu Nhật Tân. (Ảnh: Anh Minh)
|
Tuy nhiên, để “siêu” công trình này kết nối hoàn hảo với mạng lưới giao thông Thủ đô thì lại là một câu chuyện khác”, ông Nguyễn Lê Minh, Giám đốc Dự án xây dựng cầu Nhật Tân thuộc Ban quản lý Dự án 85 (Bộ Giao thông - Vận tải) khẳng định.
Trên thực tế, “câu chuyện khác” mà chủ đầu tư Dự án hạ tầng có quy mô lớn nhất Thủ đô với tổng mức đầu tư lên tới 13.636 tỷ đồng này muốn đề cập chính là việc 2 tuyến nhánh kết nối với tuyến đường Âu Cơ, thuộc Gói thầu số 2 (xây dựng cầu dẫn và đường dẫn phía Bắc) có nguy cơ không kịp về đích cùng với tiến độ chung vì không có mặt bằng.
Dù vẫn có thể kết nối với vành đai 2 (đường Lạc Long Quân), nhưng hiệu quả khai thác của công trình cầu Nhật Tân sẽ giảm đi đáng kể, bởi tuyến đường lên, xuống kết nối với đường Âu Cơ là trục đường ngắn nhất từ Sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội chưa kịp hoàn thành.
Ông Minh cho biết, sau gần 5 năm cùng TP. Hà Nội “đánh vật” với công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, hiện Dự án vẫn còn bị vướng phần mặt bằng nút giao hoa thị Phú Thượng, Nhật Tân thuộc Gói thầu số 2.
Đến thời điểm này, đã quá 15 ngày so với cam kết gần nhất của UBND TP. Hà Nội về việc bàn giao phần mặt bằng này cho nhà thầu Sumitomo (Nhật Bản) trước 30/6/2013, nhưng tại phần công địa thi công nút giao hoa thị vẫn dày đặc các khối nhà 4 -5 tầng kết cấu vĩnh cửu, nơi 163 hộ dân đang “nhẫn nại bám tuyến”.
Nguyên nhân các hộ dân không đồng ý ban giao mặt bằng, theo ông Hoàng Trung Kính, Trưởng phòng Giải phóng mặt bằng, Ban quản lý Dự án Tả Ngạn - đơn vị được TP. Hà Nội giao đảm nhận công tác giải phóng mặt bằng, là họ chưa đồng thuận với giá đền bù mà Nhà nước đưa ra.
Chủ đầu tư hoàn toàn có lý do để lo lắng, bởi tình trạng “bí” mặt bằng tại Gói thầu số 2 không khác gì thời điểm cách đây 1 năm, khi các cơ quan chức năng của Hà Nội cũng cam kết đưa ra “tiến độ chót”.
Hiện Ban quản lý Dự án 85 đang yêu cầu nhà thầu lên lại phương án thi công 2 nhánh đường dẫn kết nối, với yêu cầu đảm bảo tiến độ và chất lượng, nếu Hà Nội có thể bàn giao mặt bằng trong vài tháng tới.
Tuy nhiên, ngay cả khi giả định này trở thành hiện thực, thì với những điều khoản rất chặt chẽ trong hợp đồng, chủ đầu tư có nguy cơ phải bổ sung một lượng kinh phí khá lớn bù đắp những phát sinh từ việc chậm trễ mặt bằng cho nhà thầu.
Cần phải nói thêm rằng, cũng tại Dự án Xây dựng cầu Nhật Tân, do mặt bằng bàn giao quá chậm, ảnh hưởng lớn tới kế hoạch thi công, nhà thầu Tokyu (Nhật Bản) thi công Gói thầu số 3 đã gửi yêu cầu hỗ trợ lên tư vấn và chủ đầu tư đề nghị bổ sung khoảng 200 tỷ đồng phát sinh ngoài hợp đồng gốc. Dù vẫn trong quá trình thương lượng, nhưng đầu tháng 6/2013, chủ đầu tư đã phải ký Phụ lục bổ sung kinh phí do kéo dài tiến độ cho nhà thầu.
Nhà thầu nội lo lỗ
Những khó khăn mà nhà thầu ngoại Dự án cầu Nhật Tân phải đối diện vẫn chưa thấm gì so với những vướng mắc mặt bằng mà các nhà thầu nội thi công Dự án Đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đang phải đối diện trên phần công địa Hà Nội dài khoảng 24 km.
Sau gần 3 năm thi công, ngay cả khi chủ đầu tư đã thông xe được 31 km đầu tuyến qua địa phận tỉnh Thái Nguyên, hai cụm từ “xôi đỗ”, “khúc xương” mặt bằng vẫn còn thịnh hành trên công trường thi công các gói thầu PK1A, PK1B, PK1C và PK2 thuộc TP. Hà Nội.
Tại Gói thầu PK1A do Tổng công ty Xây dựng Thăng Long thi công, hiện vẫn còn vướng 150 m mặt bằng, gồm 13 hộ dân tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội. Tuy khối lượng không lớn, nhưng đây vẫn là một trong những “khúc xương” của Dự án, bởi phần mặt bằng vướng nằm xen kẹp với phần diện tích sạch, nên rất khó thi công.
Đang trong giai đoạn mùa khô, để đỡ “xót” thời tiết tốt, Tổng công ty Xây dựng Thăng Long đành tập trung quân “đánh lấn” dần, nhưng chỉ chạy được vài ca thì phải dừng lại do dân cản trở.
Được biết, đây không phải là “khúc xương” mặt bằng duy nhất của Dự án Quốc lộ 3 mới qua địa bàn TP. Hà Nội. Xét về chiều dài tuyến, “điểm găng” ở Ninh Hiệp chỉ là loại “xương dăm”, nếu so với “khúc xương” ba điểm vướng tại xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội, với chiều dài khoảng 420 m, thuộc Gói thầu PK1 - C.
Sau hơn 3 năm kể từ ngày Dự án khởi công, chính quyền huyện Sóc Sơn vẫn còn loay hoay với việc lập phương án bồi thường và xây dựng tái định cư cho 60 hộ dân bị ảnh hưởng. Mặt bằng thực sự trở thành “con ngựa chứng” khó thuần ngay cả đối với chính quyền địa phương nơi gần dân nhất và có “tiếng nói” mạnh nhất, khiến những cam kết của họ với chủ đầu tư, nhà thầu luôn là những kế hoạch ảo.
Khác với nhà thầu nước ngoài làm ăn bài bản, rất mạnh về pháp lý và sẵn sàng đưa ra yêu cầu bồi thường mà không do lỗi của họ, vì nhiều lý do, các nhà thầu nội thường rất ngại “đấu lý”, đòi quyền lợi và đành chịu thiệt thòi.
“Ngoài việc hậu quả công trình bị giảm sút do kéo dài thời gian thi công, phát sinh chi phí, áp lực thua thiệt vẫn đang đổ dồn lên vai của các nhà thầu nội vốn dĩ đã rất khó khăn về tài chính”, ông Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội Khoa học cầu đường Việt Nam nhận xét.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: