Top

M&A bất động sản “vào mùa”

Cập nhật 09/08/2011 09:10

Thị trường bất động sản đang chứng kiến sự gia tăng các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) dự án.  Gần đây, đã xuất hiện hàng loạt thương vụ M&A dự án trong lĩnh vực bất động sản (BĐS).

Đầu tiên, phải kể đến 2 thương vụ khá nổi đình đám của Công ty cổ phần Vincom.

Thứ nhất, Vincom đã thông qua quyết định chuyển nhượng 10% vốn góp vào dự án của Công ty TNHH BĐS Viettronics (tương đương 30 tỷ đồng) cho Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Sinh Thái. Đây là Dự án Xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở trên diện tích hơn 13.000 m2 tại đường Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa, Hà Nội), với số vốn đầu tư ước tính hơn 3.200 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất thủ tục chuyển nhượng, tỷ lệ sở hữu của Vincom tại dự án này giảm từ 84% xuống 74%.

Thứ hai, cuối tháng 6 vừa qua, Vincom đã hoàn tất việc chuyển nhượng 56% cổ phần tại Dự án Tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại, dịch vụ và nhà ở trên khu đất tại địa chỉ 233B - 235, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho Công ty cổ phần Thành phố Mặt trời (Sun Group), với số tiền không được tiết lộ. Trước đó, Vincom đã chi hơn 128 tỷ đồng mua cổ phần phát hành thêm của Công ty này để sở hữu phần lớn cổ phần tại dự án này.

Ngoài ra, còn phải kể đến thương vụ Tập đoàn Archi mua lại 67% cổ phần của Công ty Du lịch Hồ Sông Đà (Sudito) và mua đứt Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Kim Bôi; vụ Tập đoàn FPT bán lại cổ phần trong Dự án Tòa nhà FPT 89, Láng Hạ, quận Đống Đa (Hà Nội)…

Ở thị trường miền Nam, hoạt động M&A trong lĩnh vực BĐS cũng nhộn nhịp không kém. Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đã thông qua chủ trương bán một số dự án, như Căn hộ Hoa Sen Phước Long B và Hoa Sen Riverside (quận 9, TP.HCM), chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại 123, Trần Não, phường Bình An, quận 2; bán đi 45% phần vốn góp tại Dự án Cảng quốc tế Hoa Sen - Gemadept...

Trước đó, trong quý II/2011, CapitaValue Homes (thuộc Tập đoàn CapitaLand) đã đầu tư 121,2 tỷ đồng mua lại 65% cổ phần của Công ty Quốc Cường Sài Gòn. CapitaLand được sử dụng khu đất 9.000 m2 tại huyện Bình Chánh (TP.HCM) mà Quốc Cường Sài Gòn sở hữu để xây khoảng 800 căn hộ do CapitaValue Homes bỏ vốn. CapitaValue Homes còn mua được 3 dự án khác tại Việt Nam, trong đó có việc mua lại phần lớn dự án BĐS của Công ty Khang An tại quận 2 (TP.HCM).

GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận xét, xu hướng M&A trong BĐS ngày càng rõ rệt hơn. “Đây là hướng đi tất yếu của thị trường trong bối cảnh nhiều dự án BĐS thiếu vốn, chủ đầu tư không đủ năng lực để triển khai. M&A mang lại lợi ích cho cả hai phía và là lối thoát cho nhiều chủ đầu tư nếu không muốn phá sản”, ông Võ nói.

Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn như hiện nay, chỉ có những chủ đầu tư thực sự có tiềm lực tài chính mới có thể tiếp tục phát triển dự án. Tuy nhiên, việc nhiều tập đoàn, công ty lớn thoái vốn tại các dự án BĐS cho thấy, sự những khó khăn về vốn là có thật và ngày càng lớn.

Một điểm đáng chú ý nữa là, các thương vụ M&A trong BĐS thường được thực hiện tại các dự án đang triển khai ở giai đoạn đầu. Vì vậy, việc chuyển nhượng dự án chủ yếu thông qua chuyển nhượng cổ phần chi phối của dự án. Đối với những dự án đã hoàn thành hạ tầng, có quyền huy động vốn thì chưa thấy thương vụ nào được thực hiện.

Ông Edward Chi, Tổng giám đốc Công ty Coldwell Banker Việt Nam nhận xét, những thương vụ chuyển nhượng được công bố công khai thực chất mới chỉ phản ánh phần nổi, còn trên thực tế, phần thoả thuận chuyển nhượng ngầm mới thật sự sôi động… Các đối tác thường lựa chọn mua dự án của doanh nghiệp không có năng lực tài chính, vì họ cho rằng, giá trị đất vẫn đem lại lợi nhuận tốt trong tương lại.

Một xu hướng đang hình thành khá rõ từ đầu năm đến nay đó là việc thâu tóm, đầu tư gián tiếp của nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường BĐS thông qua các quỹ đầu tư, liên doanh BĐS mua lại cổ phần tại các dự án.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư