Top

Lời giải cho ý tưởng

Cập nhật 27/09/2007 11:00

Những ngày đầu mở cửa, bình quân mỗi ngày triển lãm siêu Dự án quy hoạch hai bên sông Hồng thu hút 2.000-3.000 người tham quan, đóng góp ý kiến. Đa phần người xem bày tỏ mong muốn được thấy một thủ đô văn minh, hiện đại hai bên sông.

Theo GS Trần Đình Hợi, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi, đây là triển lãm hay, có ích. Hà Nội có sông Hồng, rộng, đẹp là một lợi thế cần khai thác. Việc xây dựng thành phố hai bên sông, sử dụng công viên, cây xanh, mặt nước làm chủ đạo là ý tưởng hay, nhất là trong bối cảnh thành phố đang thiếu nhiều chỗ vui chơi, giải trí; hai bên bờ sông đang bị “tổn thương”, bị lấn chiếm cả về đất đai và môi trường...

Theo GS Trần Đình Hợi, yếu tố quan trọng nhất là bảo đảm chống lũ. Ông cũng cho rằng không nên hạn chế kinh phí và theo kinh nghiệm nhiều nước, quy hoạch phải làm thật kỹ, chuẩn bị đủ cơ sở khoa học, tính toán phương án kỹ thuật - xã hội - môi trường tối ưu.

GS.TS Vũ Tất Uyên cho rằng ý tưởng phát triển hai bên sông Hồng cần nhanh chóng trở thành hiện thực, bởi hàng ngày chúng ta vẫn phải chứng kiến tình trạng lấn chiếm bãi sông hoặc bỏ phí không khai thác hiệu quả. Tuy nhiên, để cải tạo bãi sông Hồng thành khu vực đô thị đẹp, không đơn thuần là vấn đề kinh tế, mà còn là vấn đề xã hội. Vì vậy Dự án cần thực hiện từng bước cụ thể, nếu không sẽ rất khó.

Theo Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Đỗ Viết Chiến, phối cảnh được trưng bày tại triển lãm là bước ý tưởng để từ đó hình thành quy hoạch hai bên sông Hồng và hệ thống các dự án tiếp theo. Gọi là quy hoạch cơ bản hai bên sông Hồng, song ý tưởng bao gồm cả 3 quy hoạch chính là thoát lũ, đê điều và xây dựng. Trong đó trị thủy là yếu tố hàng đầu. Trục Cổ Loa, sông Đuống, sông Hồng là trục không gian chính, với ý đồ tổ chức không gian chủ đạo là cây xanh, mặt  nước.

Tại triển lãm, tổ nghiên cứu đã trình bày một số ý tưởng như chia sông Hồng đoạn qua Hà Nội thành 4 khu vực mang 4 đặc thù. Khu vực bãi Tứ Liên, dự kiến bố trí trục đi bộ lớn, chiều dài khoảng 600m. Khu Nam Bát Tràng sẽ hình thành khu thể thao Olympic. Bãi Trung Hà phù hợp phát triển khu giải trí kiểu Disney Land... Còn trục không gian chính sẽ được bố trí công trình văn hóa, thể thao dân tộc.

Trả lời câu hỏi liệu đã cần thiết nghiên cứu quy hoạch sông Hồng hay chưa ? Ông Chiến cho rằng đã đến lúc, bởi lâu nay đô thị vẫn quay lưng ra sông do chúng ta chưa trị thủy được. Hai bên sông vẫn phát triển tự phát, số lượng dân cư không ngừng tăng. Nếu không có quy hoạch, không có phương án thì bãi sông Hồng sẽ tiếp tục bị “gặm nhấm”.

Trong khi đó, người dân vẫn phải sinh sống trong điều kiện không bảo đảm an toàn. Hiện tại “đầu bài” cho việc nghiên cứu quy hoạch hai bên sông Hồng đoạn qua Hà Nội là Quy hoạch thoát lũ sông Hồng và sông Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Vì vậy lời giải đã có định hướng rõ ràng chứ không còn mò mẫm như trước. Thêm vào đó, ngoài các điều kiện về pháp luật, nhóm công tác Xơ-un - Hà Nội đã đưa ra ý tưởng lấy dự án nuôi dự án, từ việc trị thủy cho hơn chục ngàn héc ta đất, sẽ khai thác 1.500 ha để tái định cư, tạo bộ mặt đô thị, đồng thời thu hút đầu tư tạo vốn cho dự án.

Trên thế giới, nhiều thủ đô có sông chảy qua, song sông Hàn của Xơ-un được chọn bởi có nhiều điểm tương đồng với sông Hồng của Hà Nội, đặc biệt là chế độ lũ. Người Hàn Quốc đã từng trị thủy thành công cách đây 20 năm để lập nên kỳ tích sông Hàn. Đó chính là những kinh nghiệm  quý báu, là căn cứ để lựa chọn cho sông Hồng hôm nay.

Sau khi triển lãm kết thúc, các ý kiến đóng góp sẽ được tập hợp để hoàn thiện báo cáo cuối kỳ vào tháng 11-2007. Vấn đề nhiều người dân băn khoăn là tái định cư, đền bù vẫn đang được tổ dự án nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách. Hướng  là chọn địa điểm đột phát và thực hiện theo hình thức cuốn chiếu. Khu vực không nằm trong hành lang thoát lũ sẽ được giữ chỉnh trang.


>> Xây dựng Hà Nội theo cấu trúc phong thủy?

Theo Y.L - Hà Nội Mới