Mới qua 6 năm sử dụng nhưng các tòa nhà tái định cư tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân) đã xuống cấp khá nặng. Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là sự quản lý lỏng lẻo, thiếu thống nhất của các cơ quan chuyên trách. Để cứu vãn tình hình, Sở Xây dựng Hà Nội đang lập đề án thí điểm quản lý, vận hành khai thác tại khu tái định cư này.
Hàng rong, chợ cóc, xe cộ... lấn chiếm không gian khu tái định cư |
Hư hỏng, thấm dột
Được đưa vào sử dụng từ năm 2003, mới vận hành 6 năm nhưng những tòa nhà tái định cư ở Trung Hòa -Nhân Chính trông đã nhang nhác những tòa nhà tập thể được xây từ cách đây 20 năm ở Phương Mai (quận Đống Đa) hay Thành Công, Giảng Võ (quận Ba Đình). Khắp các tòa nhà là cảnh căn hộ đeo “ba lô”, “chuồng cọp”.
Dưới đất, xe máy, ôtô đỗ dọc ngang, tràn xuống cả lòng đường. Hàng quán giăng giăng khắp nơi với bàn ghế, bếp than chiếm hết vỉa hè, khoảng không xung quanh các tòa nhà.
Người ta đun nấu, ăn uống suốt từ sáng sớm tới tối mịt. Chợ “cóc”, cũng “quấn” lấy chân các tòa nhà ở Trung Hòa - Nhân Chính với đầy đủ gạo, rau, thịt, cá, gia cầm các loại... Cư dân sống ở các tòa nhà tái định cư than thở: “Sao chỉ cách một con đường Hoàng Đạo Thúy mà phía các tòa chung cư thương mại khác hẳn với khu tái định cư này...”.
Ghi nhận của Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện nay, bên trong các tòa nhà đã có hiện tượng xuống cấp, hư hỏng như tường, trần bong tróc, ngấm dột, nền bị lún, nứt, nhất là khu vực để xe. Các thiết bị trong tòa nhà như thang máy, hệ thống phòng cháy chữa cháy... đã bị hư hỏng. Đặc biệt, các bình bọt cứu hỏa cũng đã hết hạn sử dụng! Hệ thống điện chiếu sáng tại các khu vực hành lang cũng có vấn đề.
Hệ thống cấp, thoát nước có hiện tượng rò rỉ gây ngấm dột. Ngoài ra, ý thức trong quản lý và sử dụng các phần diện tích chung của các hộ dân tái định cư chưa cao. Một số hộ dân tự ý chiếm dụng phần diện tích sân, hiên, hè làm hàng quán bán hàng mưu sinh, gây mất vệ sinh, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường khu đô thị...
Lộn xộn vì nhiều đầu mối
Theo phản ánh của người dân, các tòa nhà xuống cấp nhanh một phần do không được bảo trì, sửa chữa đúng hạn. Đại diện tổ dân phố của tòa nhà N1AB cho biết, từ mấy năm nay, tại khu tái định cư này phát sinh không ít chuyện gây bức xúc, như khi cống tắc, nhà vệ sinh tắc... nhưng khi kiến nghị nhiều lần mà vẫn không được sửa kịp thời. Cùng với đó, một số hộ dân tự ý cải tạo căn hộ mà cũng không thấy ai nhắc nhở.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội thừa nhận, thời gian qua, công tác quản lý khu tái định cư Trung Hòa - Nhân Chính rất yếu kém nên thành phố phải tìm hướng giải quyết. Sự yếu kém thể hiện ở chỗ, khu tái định cư chưa hoàn thiện đồng bộ hạ tầng đã đưa dân vào ở, vì lý do GPMB cấp bách của một số dự án trên địa bàn.
Tiếp đến là công tác quản lý có vấn đề nên không tạo được sự đồng thuận trong dân. Thứ nữa là có quá nhiều đầu mối quản lý, từ ngành điện, ngành giao thông vận tải, cấp, thoát nước đến công ty môi trường đô thị, công ty công viên cây xanh... dẫn đến chồng chéo.
Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, để khắc phục những bất hợp lý kể trên, Sở Xây dựng Hà Nội đang lập Đề án thí điểm tổ chức quản lý, vận hành khai thác nhà tái định cư tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính. Ông Nguyễn Quốc Tuấn nói: “Sẽ thu về một đầu mối quản lý để làm tốt hơn, khắc phục những yếu kém hiện tại...”.
Thí điểm sẽ tốt lên?
Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính hiện có 19 tòa nhà phục vụ tái định cư, với 1.997 căn hộ, tổng diện tích 105.140m2, trong đó đã bố trí đưa vào sử dụng 1.648 căn hộ. |
Theo đề án thí điểm, khu Trung Hòa - Nhân Chính sẽ được chia làm 4 khu vực để thuận lợi cho việc quản lý.Mỗi khu sẽ gồm 3-6 tòa nhà. Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội (Sở Xây dựng) cho biết, việc tổ chức bộ máy quản lý sẽ chú trọng đến vấn đề an sinh xã hội theo hướng tạo điều kiện giải quyết việc làm cho con em các hộ dân tái định cư, góp phần ổn định đời sống các hộ dân, đồng thời cũng tạo điều kiện cho họ trực tiếp tham gia vào công tác quản lý sử dụng nhà chung cư.
Đề án thí điểm cũng đưa ra 2 mức thu phí dịch vụ. Các tòa nhà có thang máy thu 30.000 đồng/hộ/tháng; tòa nhà không có thang máy 20.000 đồng/hộ/tháng. Phí trông giữ xe đạp 25.000 đồng/xe/tháng, xe máy 45.000 đồng/xe/tháng...
Mô hình Ban Quản trị cũng được đặt ra, theo đề xuất thì Ban Quản trị của nhà chung cư tái định cư ở đây bao gồm đại diện các chủ sở hữu, người sử dụng và đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư, đại diện chính quyền địa phương. Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, sau khi lấy ý kiến góp ý của nhân dân, dự kiến, Sở Xây dựng sẽ hoàn chỉnh dự thảo, trình UBND TP xem xét, ban hành trong tháng 12-2009.
DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: