Top

Lo thu hồi đất tại TPHCM: Lơ là chính sách hỗ trợ

Cập nhật 24/06/2009 13:10

Hàng chục nghìn hộ dân bị thu hồi đất đang cần hỗ trợ đào tạo, học nghề và tìm việc làm nhằm ổn định cuộc sống nhưng nguồn vốn để thực hiện chính sách này đang rỗng.

Nguyên nhân là bởi hầu hết các địa phương, chủ đầu tư quay lưng với nghĩa vụ đóng góp hỗ trợ khó khăn cho người bị thu hồi đất.

Theo Sở Xây dựng TPHCM, từ năm 1998 đến năm 2010, TPHCM triển khai thực hiện 1.092 dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật với tổng chi phí bồi thường gần 82,2 nghìn tỷ đồng, hơn 165 nghìn hộ dân bị ảnh hưởng.

Tính đến cuối tháng 6/2009, TPHCM hoàn thành 902 dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật và 191 dự án đang còn thực hiện dở dang, trong đó, chín dự án trọng điểm, gần 40 nghìn hộ dân bị giải tỏa (hơn 15 nghìn hộ đã thực hiện di dời).

Ngày 27/10/2006, UBND TPHCM ban hành Quyết định số 156, thành lập Quỹ 156, nhằm hỗ trợ vốn đào tạo, giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống cho người dân có đất bị thu hồi.

Theo quyết định trên, các chủ đầu tư sử dụng đất thu hồi của dân phải đóng góp cho Quỹ 156 tối đa ba phần trăm chi phí bồi thường, hỗ trợ dự án (đối với dự án đang bồi thường dở dang) và không quá năm phần trăm với dự án mới.

Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố vào năm 2008, số hộ dân hậu bồi thường giải tỏa, tái định cư trên địa bàn thành phố có cuộc sống khó khăn chiếm gần một nửa trong tổng số hộ bị giải tỏa. Từ tháng 5/2007, Quỹ 156 chính thức hoạt động với 50 tỷ đồng là nguồn vốn ngân sách cấp ban đầu.

Theo một cán bộ Hội đồng Quản lý Quỹ 156, với tổng chi phí bồi thường các dự án đang triển khai tại thành phố lên tới hàng trăm nghìn tỷ, quỹ thu được ít nhất 4 - 5 nghìn tỷ đồng. Thế nhưng, hơn hai năm qua, tổng vốn của Quỹ 156 mới chỉ đạt xấp xỉ 100 tỷ đồng, chỉ là hạt muối bỏ biển so với 16.800 hộ tại 19 quận - huyện đang có nhu cầu vay vốn để ổn định cuộc sống.

Địa phương và chủ đầu tư cùng quay lưng

Mới đây, HĐND TPHCM tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách tái định cư trên địa bàn một số quận huyện và bất ngờ phát hiện rất nhiều hộ dân thuộc diện giải tỏa đều không nắm được thông tin về Quỹ 156, cũng như các chính sách hỗ trợ hậu di dời.

Năm 2008, UBND thành phố quy định tỷ lệ đóng góp cho Quỹ 156 đối với các dự án mới được ghi trực tiếp vào phương án bồi thường (thu hồi đất, bồi thường đến đâu thì đóng góp đến đó).

Theo khảo sát mới đây của Ban Điều hành Quỹ 156, riêng địa bàn quận 2 có 44 dự án dở dang, bốn dự án mới, hơn 3.900 hộ bị giải tỏa có nhu cầu cần vay khoảng 134 tỷ đồng hỗ trợ đào tạo, dạy nghề, chuyển đổi việc làm.

Với 7 - 8 nghìn tỷ đồng đền bù giải tỏa như dự kiến, chỉ cần quận 2 trích tỷ lệ thấp nhất (ba phần trăm), Quỹ 156 đã thu được hơn 120 tỷ đồng.



Khu tái định cư Bùi Minh Trực
(quận 8) dân phải mua nước bẩn
với giá cao Ảnh: Hồng Hạnh

“Từ tháng 9/2008 đến nay, lãnh đạo Quỹ 56 nhiều lần điện thoại hối thúc nhưng ông Nguyễn Cư - Phó Chủ tịch UBND Quận 2, không bắt máy, còn lãnh đạo các phòng ban chức năng, ban đền bù giải tỏa thì đùn đẩy trách nhiệm.

Nhiều dự án vốn ngân sách do UBND Quận 2 làm chủ đầu tư chưa chấp hành nộp tiền cho Quỹ 156 của thành phố, chứ đừng nói là chủ đầu tư các dự án ngoài ngân sách.

UBND Quận 2 hứa đôn đốc chuyển 600 tỷ đồng vào Quỹ 156 trong năm 2009 nhưng, đến bây giờ, vẫn chưa có đồng nào. UBND quận 8 cũng hứa chuyển 20 tỷ đồng, nhưng mới chỉ được 3,7 tỷ đồng” - Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Tổ trưởng Tổ quản lý Quỹ 156 cho biết.

Theo lãnh đạo Hội đồng Quản lý Quỹ 156, để thực hiện tốt an sinh xã hội hậu giải tỏa, thu hồi đất, UBND TPHCM cần có biện pháp chế tài đủ mạnh buộc các địa phương và chủ đầu tư phải thực hiện nghiêm trách nhiệm đóng góp kinh phí.

DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong