Top

Lô cốt “nhốt”… kinh doanh

Cập nhật 16/02/2010 14:10


“Lô cốt” chiếm hết lòng đường Lê Văn Sĩ (ảnh chụp ngày 1/2/2010).
95% công trình, dự án "lô cốt" chậm trễ trên địa bàn TP HCM - con số từ một kỳ họp của HĐND TP HCM, sự chậm trễ ấy đã đẻ ra hàng loạt hệ lụy của ngàn, vạn con người đang sinh sống bên cạnh nó: bệnh tật vì khói bụi, tiếng ồn; khó khăn đi lại, tai nạn vì đường sá thành công trường, nhưng dai dẳng nhất vẫn là thiệt hại vì khó buôn bán kinh doanh.

Tết Canh Dần, nhiều "lô cốt" vẫn được Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP HCM cho phép tồn tại, khiến hàng ngàn hộ kinh doanh trên nhiều tuyến đường chỉ biết than trời.

Đón Tết cùng… “lô cốt”

Theo Sở GTVT TP HCM, thành phố đang tồn tại gần 200 "lô cốt", trong đó, 3 dự án thoát nước có số lượng "lô cốt" nhiều nhất (Nâng cấp đô thị Tân Hóa - Lò Gốm; Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè; Cải thiện môi trường nước). Tuy nhiên, chỉ các công trình có quy mô nhỏ mới phải tái lập mặt đường từ ngày 6 đến 21/2 (23 tháng Chạp đến mùng 8 tết), còn các dự án có quy mô lớn thì "lô cốt" vẫn được phép trơ gan... chào xuân mới.

Ông Lê Toàn - Phó giám đốc Sở GTVT giải thích rằng, các dự án đào đường không thể tháo dỡ sớm hơn vì ảnh hưởng tiến độ thi công. Riêng những dự án lớn bắt buộc phải cho phép tồn tại vì các dự án này nếu tái lập rồi qua tết lại đào lên sẽ rất khó khăn, khiến công trình chậm tiến độ.

Ông Đặng Ngọc Hồi - Trưởng ban Quản lý Dự án Cải thiện môi trường nước TP HCM cho biết: "Nhiều "lô cốt" kéo dài thời gian thi công so với quy định là do vướng các công trình ngầm (ống cấp nước, cáp quang, điện, điện thoại...). Vì vậy, dịp tết này chỉ có thể xóa 50% "lô cốt" không bị vướng công trình ngầm, số còn lại thì thu gọn hàng rào chứ không tháo dỡ".

Cũng với lý do trên, Ban Quản lý Dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cho biết, 20 tuyến đường có "lô cốt" thuộc dự án này khó có thể xóa được. Cụ thể, các tuyến đường: Hai Bà Trưng, Lê Văn Sỹ, Nguyễn Kiệm... người dân vẫn phải đón tết cùng "lô cốt".

Theo ghi nhận của chúng tôi, dù đang trong "tháng vàng" để buôn bán, nhưng nhiều hộ kinh doanh dọc các đường Nguyễn Kiệm, Cách Mạng Tháng Tám, Lê Văn Sỹ, Phan Đình Phùng... phải ngừng kinh doanh vì bị "lô cốt" án ngữ.

Dọc đường Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận), vốn là tuyến đường có nhiều cửa hàng kinh doanh đồ gia dụng, quần áo thời trang, đồ điện tử... từ nhiều tháng nay từ chân cầu Kiệu đến ngã tư Phú Nhuận (chưa đến 500m) đã có đến 5 dãy "lô cốt" "to vật vã" án ngữ, có "lô cốt" lấn qua vỉa hè. Kinh doanh ế ẩm, nhiều cửa hàng chọn giải pháp... đóng cửa.

Tình trạng trên tuyến đường Lê Văn Sỹ kéo dài từ quận Tân Bình sang quận Phú Nhuận cũng diễn ra tương tự, hàng chục cửa hàng (đoạn từ vòng xoay Lê Văn Sỹ, Nguyễn Trọng Tuyển của quận Tân Bình đến nhà thờ Ba Chuông của quận Phú Nhuận) tách biệt hoàn toàn với thế giới mua sắm nhộn nhịp xung quanh, toàn cảnh "đìu hiu chợ chiều".


“Lô cốt” nhìn từ bên trong tiệm thời trang Hoàng Anh trên đường Phan Đình Phùng.

Dọc tuyến đường Hoàng Sa, hàng loạt bảng treo "Cho thuê mặt bằng" hết tháng này sang tháng nọ, hay các cửa hàng đóng kín cửa tại các điểm dọc hai con đường ven kênh đường bị rào chắn có thể tính đến con số trăm.

Quá bức xúc trước việc các "lô cốt" nằm ì cả mấy tháng trời trên các trục đường Lê Văn Sỹ, quận Tân Bình; Trần Hưng Đạo, quận 1; Nguyễn Văn Luông, Hồng Bàng, Nguyễn Thị Nhỏ thuộc các quận 5, 6, 11... những hộ dân có nhà mặt tiền trên các trục đường này đã có đơn thư gửi các cấp có thẩm quyền, mong sao mấy "ông lô cốt" nhanh chóng hoàn thành để có cái mặt đường mà buôn bán.

Kiến nghị đã có, cấp có thẩm quyền cũng đã xuống thẩm tra, vi hành đủ cả nhưng người dân vẫn cứ đợi và chờ, còn hàng hóa nhập về cứ dồn ứ, việc buôn bán thì bế tắc. Bà Nguyễn Thị Thanh, chủ một cửa hàng kinh doanh giày dép trên đường Lê Văn Sỹ (Tân Bình) bức xúc: "Chỉ một đoạn ngắn chưa đầy 3 cây số nhưng có tới 4 "lô cốt" án ngữ.

Mỗi "lô cốt" kéo dài cả trăm mét làm công việc kinh doanh của chúng tôi rất khó khăn". Chị Trần Thị Lan, chủ một tiệm bán nệm trên đường Phan Đình Phùng, phường 2, quận Phú Nhuận ngao ngán: "Cứ ngỡ cuối năm người ta thi công nhanh để buôn bán kiếm chút lời, nhưng đến giờ rào chắn vẫn nằm im đó. Từ mấy tháng nay, tiệm chỉ buôn bán cầm chừng, nhiều lúc tiền lời không đủ trả tiền thuê mặt bằng".

Chủ cửa hàng thời trang Hoàng Anh trên đường Phan Đình Phùng than thở: "Khách của cửa hàng tôi đa số từ hướng cầu Kiệu về, tới đây bị "lô cốt" che mất tầm nhìn nên khách đi luôn. Từ hồi "lô cốt" án ngữ tại đây, chúng tôi mất hơn 90% khách".

Trên đường Nguyễn Kiệm, hỏi 10 chủ tiệm, đã có 8 người than "Ế quá!". "Lô cốt" chỉ chừa đủ lối đi rộng khoảng chừng 1m bên phải (đường Nguyễn Kiệm là đường một chiều, hướng từ ngã tư Phú Nhuận về ngã năm Nguyễn Thái Sơn) cho chiều xe gắn máy và bên trái là lối đi chỉ vừa đủ bề rộng cho một chiếc xe buýt lưu thông, có khi lô cốt chiếm luôn cả vỉa hè, chỉ chừa một khoảng nhỏ, đủ để người dân dắt xe ra khỏi nhà.

Bà Xuân, chủ một cửa hàng quần áo, ngay lô cốt gần ngã tư Lê Văn Sỹ - Phạm Văn Hai (phường 2, quận Tân Bình), cho biết từ giữa năm 2009 đến nay, trung bình mỗi tháng cửa hàng của bà lỗ khoảng 3 triệu đồng (tiền thuê nhà và tiền thuê nhân viên).

Bà nói nhiều lúc muốn trả mặt bằng để kiếm địa điểm khác kinh doanh nhưng lại cố gắng vì thấy trên bảng thi công thông báo đến 31/7/2009 sẽ hết hạn thi công rào chắn. "Nhưng không ngờ, tới nay "lô cốt" vẫn nằm ì ra đó. Không biết họ có hiểu mùa mua bán cuối năm là mùa làm ăn sống còn của những người đi thuê mặt bằng như chúng tôi không nữa. Coi như năm nay chúng tôi không có tết", bà Xuân tâm sự.

Nạn nhân "hoành tráng" nhất của "ông lô cốt" có lẽ thuộc về các... hợp tác xã (HTX) xe buýt. Ông Phùng Đăng Hải, Tổng giám đốc Liên hiệp HTX vận tải TP HCM, cho biết hiện đơn vị đang khủng hoảng thiếu tài xế xe buýt khiến gần 100 trong tổng số 1.000 xe của Liên hiệp thường xuyên dừng hoạt động do không có người lái, hàng trăm tài xế xe buýt xin nghỉ việc khiến doanh nghiệp lao đao vì cả trăm xe buýt phải "trùm mền".

Nguyên nhân chính là "lô cốt" dày đặc trên khắp các tuyến đường khiến thời gian đi từ đầu đến cuối bến của mỗi chuyến xe kéo dài ra. Trong khi đó, thu nhập của tài xế được tính theo số chuyến chạy được trong ngày. Thời gian mỗi chuyến tăng lên cũng đồng nghĩa với số chuyến chạy được giảm xuống, dẫn tới thu nhập của tài xế sụt giảm đáng kể. Nhiều tài xế thừa nhận, lái xe hàng trăm kilômét đi các tỉnh cũng không "oải" bằng len lỏi vài chục cây số trong thành phố với cảnh kẹt xe, "lô cốt"...

DiaOcOnline.vn - Theo Công An Nhân Dân