Theo ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP. HCM, Nhà nước cần phải đưa ra một mức giá chung về NOXH, không thể để DN này bán NOXH giá 12 triệu, DN kia bán giá 14 triệu hoặc có sự khác biệt trong từng thời điểm. Việc chênh lệch giá NOXH sẽ dẫn đến bất bình đẳng về chính sách, còn Nhà nước không thể đơn thuần chỉ là đầu mối, trung gian trong vấn đề này.
Chênh lệch giá nhà sẽ dẫn đến bất bình đẳng chính sách
Trong cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường BĐS diễn ra ngày 9/8/2013 do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và ông Trịnh Đình Dũng - Bộ trưởng Bộ Xây dựng trụ trì, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP. HCM đã đề cập đến một số vấn còn tồn đọng, cần phải bổ xung, giải quyết trên cơ sở Nghị quyết 02. Trong đó nổi bật lên là giá NOXH đang có sự chênh lệch, dẫn đến việc người dân khiếu nại và nguy cơ bất bình đẳng chính sách.
Theo ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, việc chênh lệch giá NOXH sẽ dẫn đến bất bình đẳng về chính sách, còn Nhà nước không thể đơn thuần chỉ là đầu mối, trung gian trong vấn đề này.
|
"Theo quy định hiện nay thì Nhà nước là trung gian nhưng không có nghĩa Nhà nước là môi giới, mà thể hiện vai trò trách nhiệm của Nhà nước trong việc chăm lo nhà ở cho cán bộ công nhân viên.
Chính vì thế, vai trò, trách nhiệm của Nhà nước như thế nào đối với việc đảm bảo đời sống, nhà ở cho công nhân viên cần đặc biệt được lưu ý.
Thứ nhất, với cán bộ công nhân viên cần có một lộ trình, kế hoạch để giải quyết, trên cơ sở đó, phải có kế hoạch và xử lý chung, chứ không phải là xử lý cụ thể trong từng đơn vị, địa phương, bộ ngành.
Thứ hai là vấn đề giá cả, là cực kỳ phức tạp. Vừa rồi chúng tôi xử lý 300 - 400 căn đều xoay quanh khiếu nại như thế này: Bây giờ anh bán cho tôi nhà với giá này rồi, nhưng vì anh hết nhà rồi, mai mốt anh đi thương thảo, giá nào thì tôi không biết. Nhưng đối với cán bộ công nhân viên thì phải có chính sách về giá nhà.
Tôi loại bỏ những yếu tố về lợi thế thương mại, vị trí, hướng nhà... vì những cái đấy người dân sẽ không khiếu nại, nhưng bản chất là Nhà nước có ấn định cái giá này và đảm bảo giá này, bình đẳng giá này cho cán bộ nhân viên hay không?" - Ông Tín đặt ra câu hỏi.
Cũng theo ông Tín, NOXH là nhà ở thuộc diện chính sách, nên không thể để người dân tự mua, tự chịu.
"Nhà nước không thể mua một căn giá 12 triệu/m2 rồi giới thiệu cho cán bộ nhân viên. Sau đó lại mua căn khác giá 14 triệu/m2 và giới thiệu cho nhân viên khác. Sau đó giải thích là vì cái này tôi mua được 12 triệu đồng nên tôi bán 12 triệu đồng. Còn cái khác tôi mua 14 triệu đồng nên tôi phải bán cho anh 14 triệu đồng. Trả lời như thế là không được, không hết trách nhiệm của Nhà nước.
Nếu như chúng ta cứ tiếp tục thương thảo như thế này thì chắc chắn chúng ta sẽ gặp phải bài toán đó. Đến một lúc nào đó, DN người ta sẽ không bán giá 12 triệu đồng nữa mà bán giá 15 triệu sẽ ra sao? Không thể nói cái anh mua trước nên được giá rẻ là 12 triệu đồng, còn mua sau thì phải chịu 15 triệu đồng được. Không thể trả lời như vậy được" - ông Tín nói.
Theo ông Tín, để xử lý vấn đề này, sẽ cần phải kiến nghị lên Chính phủ, vì nếu có sự chênh lệch về giá mà dẫn đến bất bình đẳng về chính sách thì Nhà nước phải đứng ra chịu.
"Chứ còn thả nổi, Nhà nước chỉ là cầu nối, chỉ là trung gian thì không được" - Ông Tín cho biết.
Đa phần người thu nhập thấp không có khả năng mua NOXH
Cũng liên quan đến vấn đề NOXH, xem xét ở góc độ mua nhà, ông Tín nhận định, đa phần cán bộ công nhân viên, lực lượng vũ trang đều có mức lương thấp, và nếu mua NOXH thì khả năng thanh toán thực tế không khả thi.
"Theo điều tra cơ bản thì phần đông người mua nhà là cán bộ công nhân viên, lực lượng vũ trang thu nhập bình quân khoảng 8 triệu đồng/tháng. Đây là số đông, còn tất nhiên có những hộ gia đình thu nhập 10 - 20 triệu đồng/tháng, nhưng cơ bản là 8 triệu đồng.
Vậy chi tiêu của một hộ 8 triệu đồng này là như thế nào? Riêng việc chi cho ăn, mặc, đi lại, học hành, hưởng thụ... đã chiếm 70 - 80%, còn phần dành dụm, tích lũy để chi cho việc mua nhà chẳng hạn thì chỉ được 20%. Hay nói cách khác, với mức thu nhập 8 triệu đồng/tháng thì chỉ bỏ ra được 2 triệu đồng để dành dụm mua nhà. Đấy là gia đình hết sức tiết kiệm, còn có những gia đình chi tiêu còn không đủ.
Với 2 triệu đồng như vậy thì khả năng thanh toán thực tế là không khả thi và liệu khả năng chúng ta đáp ứng nhu cầu NOXH với giá bao nhiêu để người dân có thể mua được? Đó là điều cần bàn đến, vì mục tiêu của chúng ta là muốn giải quyết nhà ở cho đối tượng này" - Ông Tín cho biết.
Đa phần cán bộ công nhân viên, lực lượng vũ trang đều có mức lương thấp, và nếu mua NOXH thì khả năng thanh toán thực tế không khả thi.
|
Bên cạnh đó, ông Tín cũng đề cập đến hiện trạng tại TP. HCM hiện nay là có 700 dự án nhà ở thương mại nhưng chỉ có khoảng 20 dự án chuyển đổi sang NOXH.
"Nếu xem xét về mặt tỷ lệ thì 20 dự án này chiếm chưa đến 20%. Nếu thực hiện mục tiêu kép mà giải quyết con số 5% thì được không? Và vấn đề đặt ra là tại sao chỉ có 5% thôi chứ không phải là 90%? Về cơ chế, chính sách, kể cả cách làm tôi thấy cần phải đặt ra" - Ông Tín nói.
Theo đó, có 3 vấn đề đặt ra. Thứ nhất là xoay quanh vấn đề sử dụng đất. Thứ hai là lãi suất của ngân hàng. Thứ ba là chủ trương tạo thanh khoản từ NOXH. Ba vấn đề này đáng lẽ ra sẽ tạo động lực cho DN, nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược.
Trước hết về sử dụng đất, theo quy định hiện nay, nếu tham gia chương trình NOXH thì DN sẽ được đền tiền sử dụng đất. Nhưng trong thực tiễn, đối với nhà ở đã xây rồi có nghĩa là đã thực hiện nghĩa vụ tài chính. Và khi DN tham gia chuyển đổi sang NOXH, thì Nhà nước sẽ phải trả lại tiền sử dụng đất cho họ. Tuy nhiên, ngân sách Nhà nước và ngân sách địa phương có đủ để chi trả cái này cho DN không?
Thứ hai là lãi suất cũng tương tự như vậy. NOXH mà chúng ta đang bàn có đến 500 - 700 dự án đã hoàn thành, đang hoàn thành hoặc đang xây dựng dở dang, thậm chí đã khởi động... Toàn bộ số tiền để xây dựng DN đã vay, nhưng vay với lãi suất 15% thậm chí lên đến 20% tùy từng thời điểm. Vậy bây giờ giải quyết như thế nào đây?
Lãi suất 6% là cho xây mới, còn bây giờ DN đã xây rồi thì có tái cơ cấu lại lãi suất này hay không? Và tái cơ cấu về đến mức nào? Vấn đề này cũng chưa được làm rõ.
Tôi biết hiện nay, có nhiều dự án bằng nhiều kênh, bằng nhiều cách có thể tìm được nguồn lãi suất 10 - 12 - 13%, nhưng vấn đề mà chúng ta đang bàn đến là lãi suất ưu đãi 6% cơ. Vậy liệu có tái cơ cấu được không?" - Ông Tín đặt ra câu hỏi.
Liên quan đến những vấn đề mà ông Tín đặt ra, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo đại diện Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời.
Trên cơ sở những đóng góp của Phó Chủ tịch UBND TP. HCM và các đại biểu, Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành liên quan cần rà soát, quy hoạch hợp lý việc sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, tốc độ giải quyết và giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ, đồng thời đề nghị Bộ xây dựng cùng các địa phương minh bạch vấn đề thông tin, đặc biệt là các con số tổng kết.
"Chúng ta đã khởi động gói 30.000 tỷ chậm thì giai đoạn sau chạy phải nhanh. Bây giờ khởi động đã chậm mà chạy cũng chậm thì bao giờ mới đến đích?" - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói.
DiaOcOnline.vn -Theo Báo Đất Việt
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: